Hơn 28.800 tỷ đồng đưa điện về miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020

Ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2081/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020. Tổng số tiền thực hiện đầu tư chương trình này là 28.809 tỷ đồng.

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 được thực hiện nhằm tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đưa điện về vùng sâu, vùng xa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta - Ảnh Xuân Tiến

Mục tiêu Chương trình đặt ra là cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; cùng với việc cung cấp điện từ nguồn năng lượng mới và tái tạo, thực hiện mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đưa đến trung tâm xã, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Quyết định nêu rõ, Chương trình này được thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2020 qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2013 - 2015, trong đó ưu tiên đầu tư cho các dự án đang triển khai; Các xã chưa có điện; các thôn, bản biên giới, khu vực cần tăng cường về an ninh, chính trị, xã hội; các xã, thôn, bản thuộc các địa phương có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức trung bình chung của cả nước...

EVN cũng đang nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về với vùng sâu, xa, hải đảo - Ảnh X.Tiến

Giai đoạn 2 từ 2016 – 2020, hoàn thành việc đưa điện đến hầu hết các hộ dân nông thôn trong toàn quốc; Đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào dân tộc tại các xã, thôn, bản chưa có điện có suất đầu tư không quá cao; Đầu tư cấp điện bằng các nguồn điện tại chỗ (nguồn năng lượng tái tạo, trạm nạp ắc quy...) cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn không thể cấp điện từ lưới điện quốc gia hoặc cấp điện từ lưới điện quốc gia có chi phí quá lớn.

Theo Quyết định, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Chương trình là 28.809 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án. Chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đồng thời EVN thu xếp đủ vốn đối ứng và triển khai thực hiện đầu tư các dự án cấp điện nông thôn theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo đúng tiến độ.

Hàng quý EVN báo cáo công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và đăng ký nhu cầu vốn từ ngân sách Trung ương hàng năm theo quy định gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương; Phối hợp với UBND các cấp và các sở, ngành của tỉnh giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Đối với các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do UBND tỉnh làm chủ đầu tư, EVN thực hiện tiếp nhận, tổ chức quản lý vận hành, bán điện đến hộ dân sau khi các dự án thành phần được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tổ chức tiếp nhận vốn, tài sản sau khi các dự án thành phần được quyết toán.


  • 17/11/2013 11:01
  • Xuân Tiến
  • 3002


Gửi nhận xét