“Điện cho miền Nam” về đích sớm

“Điện cho miền Nam” là một trong 2 chủ đề lớn trong năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, EVN đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu quan trọng này, đảm bảo điện cho miền Nam, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.

Đảm bảo tiến độ các công trình điện cấp bách

Để thực hiện chủ đề “Điện cho miền Nam”, ngay từ đầu năm 2014, EVN và các đơn vị trực thuộc đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là việc hoàn thành, đóng điện các công trình nguồn và lưới cấp bách như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; Nhiệt điện Hải Phòng (tổ máy 4); Nhiệt điện Mông Dương (tổ máy 1); Thủy điện Sông Bung 4... Đặc biệt, là hoàn thành công trình đường dây truyền tải siêu cao áp 500 kV mạch 3 (đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông).

Đây là một trong những công trình truyền tải lớn với đường dây dài hơn 473 km, đi qua 6 tỉnh thành, trải dài từ Tây Nguyên đến thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều các dự án đồng bộ khác. Địa hình phức tạp, trải dài qua nhiều tỉnh, công tác đền bù giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn, thi công trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt... là những thách thức lớn, đe dọa tiến độ và chất lượng công trình. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của chủ đầu tư và các đơn vị thi công, công trình đã được hoàn thành, đóng điện đúng tiến độ theo kế hoạch (ngày 5/5/2014). Cùng với đó, Trạm biến áp 500 kV Pleiku (mở rộng), Trạm biến áp 500 kV Cầu Bông và các công trình đồng bộ cũng đã về đích đúng thời hạn, kịp thời truyền tải điện cho các tỉnh, thành miền Nam trước mùa nắng nóng.

Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT) – đơn vị trực tiếp triển khai Dự án cho biết, để đảm bảo tiến độ công trình, các đơn vị xây lắp đã huy động nhân lực, vật lực cho các đợt cao điểm thi công 3 ca, thi công cả ngày lễ, tết... Thậm chí, trong đợt cao điểm thi công “55 ngày đêm” cắt điện 1 mạch đường dây 500 kV Bắc – Nam, hay giai đoạn nước rút về đích, anh em đã có nhiều đêm thức trắng. Vì vậy, mặc dù công trình thi công gấp rút, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn khách quan, nhưng tiến độ và chất lượng công trình vẫn được đảm bảo. Quan trọng hơn, miền Nam đã không bị gián đoạn cấp điện ngay cả những thời điểm cắt điện 1 mạch đường dây 500 kV phục vụ thi công.

Một góc TBA 500 kV Cầu Bông. Ảnh: Ngọc Khang

Cùng với việc hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3, hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 kV nước ta đã thực hiện tốt vai trò đảm bảo truyền tải điện công suất cao cho các tỉnh, thành miền Nam với công suất truyền tải lớn nhất trên giao diện Bắc – Trung – Nam là 2.600 MW. Đặc biệt là trong các tháng mùa khô và cao điểm mùa nắng nóng, các công trình truyền tải quan trọng đã hoàn thành và kịp thời đưa vào vận hành, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho 22 tỉnh, thành phía Nam.

Huy động cao nguồn nhiệt điện dầu
Năm 2014, ngoài việc hoàn thành nhiều công trình nguồn và lưới điện quan trọng, trong những thời điểm cấp bách (nhất là các đợt cắt khí PM3 của PV GAS), EVN đã huy động công suất các nhà máy nhiệt điện chạy dầu.

Cụ thể, tổng sản lượng điện huy động từ nhiệt điện chạy dầu DO, FO trong năm 2014 là khoảng hơn 261 triệu kWh. Đây là sản lượng điện bù đắp cho phần thiếu hụt do 25 ngày cắt khí sửa chữa, bảo dưỡng theo kế hoạch của hệ thống PV GAS. Theo ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng giám đốc EVN, nguồn nhiệt điện dầu có giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán điện bình quân của EVN, nên việc huy động cao nhiệt điện chạy dầu làm tăng chi phí sản xuất của EVN.

Đồng tâm nỗ lực vượt khó

Góp phần làm nên thành công cấp điện cho miền Nam năm 2014, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các đơn vị trong Tập đoàn như: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT)…

Ông Vũ Xuân Khu – Phó giám đốc A0 cho biết, để có thể đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, liên tục, cung ứng đủ điện cho miền Nam, A0 đã xây dựng các kịch bản cũng như phương thức điều độ cho cả năm, điều hành một cách khoa học theo diễn biết thực tế từng tháng, tuần. Các kỹ sư A0 luôn ứng trực 24/24h – nhất là vào những cao điểm mùa khô, mùa nắng nóng hay mưa bão. Dù trong hoàn cảnh nào, thì nguyên tắc vận hành vẫn là tuân thủ đồng thời 2 nhiệm vụ: Đảm bảo an ninh hệ thống điện và an toàn cấp điện, cung ứng đủ điện cho nhân dân cả nước, nhất là linh hoạt trong điều tiết để miền Nam không thiếu điện. Đến  nay, A0 đã vận hành hệ thống điện an toàn, không để gián đoạn bất kỳ thời điểm nào, đảm bảo cung ứng đủ điện cho cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành miền Nam – ông Vũ Xuân Khu khẳng định.

Đối với EVN NPT, đơn vị có vai trò quan trọng, đảm bảo truyền tải điện thông suốt kịp thời trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc  - Nam, nhiệm vụ trong năm 2014 là hết sức nặng nề. Ông Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng giám đốc EVN NPT  cho biết, để đảm bảo điện cho miền Nam, ngay từ đầu năm 2014, EVN NPT đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án. Theo đó, ngoài việc bố trí nguồn vốn lớn cho các dự án, ngay từ đầu năm, EVN NPT cũng đã đôn đốc các đơn vị khẩn trương ra quân đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình quan trọng, kịp thời truyền tải điện cho miền Nam. Theo ông Lẫm, mục tiêu truyền tải chung trong năm 2014 là truyền tải sản lượng cao từ Bắc – Trung và Trung – Nam, trong đó cao điểm nhất là tháng 8/2014, với sản lượng truyền tải từ Trung vào Nam trong tháng đạt 1,73 tỷ kWh. Như vậy, tính chung cả năm 2014, tổng lượng điện được truyền tải trên lưới 500 kV từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam chiếm trên 20% sản lượng điện của toàn miền Nam.

Đặc biệt, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cũng đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong năm 2014 nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ đề “Điện cho miền Nam”.

Tại EVN SPC, tổng giá trị đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện năm 2014 đạt hơn 3.800 tỷ đồng. EVN SPC đã đáp ứng nhu cầu dùng điện của người dân tại 21 tỉnh thành miền Nam, với sản lượng điện thương phẩm cả năm đạt 44 tỷ 480 triệu kWh, tăng 11,25% so với năm 2013.

Năm 2014 cũng là một năm thành công đối với EVN HCMC trong việc đảm bảo nguồn điện cho đầu tàu kinh tế cả nước với chất lượng nguồn điện và dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao. Ông Phạm Quốc Bảo, phó Tổng giám đốc EVN HCMC cho biết, năm 2014, Tổng công ty không chỉ đảm bảo đủ điện cho 100% hộ dân trên địa bàn, mà còn luôn có dự phòng ở mức cao. EVN HCMC cũng là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người cao gần gấp 2 lần bình quân chung cả nước.

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định, EVN và các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ  và cũng là chủ đề quan trọng của năm 2014 là đảm bảo điện cho miền Nam” – Phó Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An khẳng định. Thành công này một lần nữa chứng minh hướng đi đúng của EVN trong việc lựa chọn ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài trong chiến lược phát triển của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội  của đất nước.
 


  • 18/02/2015 09:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2959


Gửi nhận xét