Công đoàn ngành Điện:"co" thế nào cho "ấm"

Hơn 1 năm sau khi Luật Công đoàn sửa đổi có hiệu lực, nguồn thu từ trích nộp kinh phí Công đoàn giảm đáng kể. Cùng với việc quỹ phúc lợi vẫn chưa có nhiều cải thiện, các công đoàn sẽ hoạt động thế nào khi nguồn kinh phí ngày càng eo hẹp? PV Tạp chí Điện lực ghi lại ý kiến của một số lãnh đạo công đoàn trong Ngành.

Bà Nguyễn Thị Thậm – Phó chủ tịch Công đoàn Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại: Công đoàn và chuyên môn cùng gánh vác

Từ năm 2012, Công ty sản xuất kinh doanh có lãi nên quỹ phúc lợi đã được bổ sung. Bên cạnh đó, Công đoàn Công ty vẫn còn nguồn quỹ kết dư của các năm trước nên có thể nói, hiện nay hoạt động công đoàn chưa bị ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, chúng tôi đã lường trước những khó khăn về tài chính cho phong trào CNVC trong tương lai nếu Công ty lại gặp khó khăn trong sản xuất như các năm 2010, 2011, không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ, mọi hoạt động thiết yếu cho sự nghiệp phúc lợi phải “chi treo”.  Ngoài ra, việc thực hiện quy định đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cũng khiến cho nguồn thu kinh phí Công đoàn của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại năm 2013 giảm khoảng 73% so với mức thu trước.

Vì vậy, chúng tôi tăng cường phổ biến đến toàn thể cán bộ và đoàn viên công đoàn về tình hình kinh phí sụt giảm để quán triệt tinh thần tiết kiệm chi. Ví dụ, trước đây, chi hỗ trợ các hoạt động phong trào có thể “năm sau cao hơn năm trước” thì nay cố gắng để duy trì “bằng năm trước”.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng tranh thủ sự hỗ trợ của chuyên môn trong quá trình tổ chức các hoạt động tham gia quản lý, tuyên truyền giáo dục, tham quan học tập. Một số hoạt động chăm lo bảo vệ cán bộ công đoàn và hoạt động phong trào trước đây do công đoàn thực hiện thì nay đề nghị chuyên môn hỗ trợ từ nguồn quỹ phúc lợi để giảm bớt gánh nặng tài chính cho công đoàn.

Ông Trần Gia Trực - Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Quảng Nam: “Tối ưu hóa chi phí”

Trong điều kiện nguồn thu kinh phí công đoàn ở đơn vị bị giảm gần 50%, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Lao động năm 2012 và Luật Công đoàn 2012 với những quy định mới về tài chính công đoàn sẽ giúp mỗi người lao động thêm hiểu và thông cảm với khó khăn chung.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương “tối ưu hóa chi phí” của Tập đoàn, các cấp công đoàn cũng vào cuộc cùng chuyên môn, vận động CNVC-LĐ thực hiện tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh. Đây là một tiêu chí xét thi đua năm 2014, trước mắt là đợt thi đua “Tháng công nhân 2014”.

Công đoàn cũng tiết kiệm chi phí bằng cách giảm bớt số lượng các hoạt động bề nổi trong năm và được đa số đoàn viên ủng hộ. Việc xây dựng chương trình cũng chặt chẽ, khoa học hơn để lồng ghép, kết hợp tổ chức nhiều hoạt động trong cùng một thời gian diễn ra sự kiện.

Dù khó khăn, nhưng BCH Công đoàn Công ty luôn suy nghĩ tìm cách nâng cao chất lượng khi tổ chức các phong trào, đảm bảo sao cho người lao động được hưởng ngày càng nhiều hơn phúc lợi tập thể, được chăm sóc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng.

 

 

Ông Vũ Văn Bách – Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội: Tiết kiệm là giải pháp hàng đầu!

Năm 2013, nguồn thu kinh phí công đoàn của Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội giảm khoảng 60% so với trước đây. Bên cạnh đó, hầu như Tổng công ty không có quỹ phúc lợi. Kinh phí cho các hoạt động phong trào bị hạn chế nhiều.

Chúng tôi buộc phải điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế theo tinh thần hết sức tiết kiệm. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì một số các phong trào thi đua lao động - sản xuất, lao động sáng tạo, đặc biệt là những phong trào văn hóa, thể thao đã trở thành “món ăn tinh thần”, là nét văn hóa của EVN HANOI được người lao động yêu thích.

Làm thế nào để chất lượng phong trào không giảm, trong khi kinh phí ngày càng hạn hẹp là câu hỏi thường trực đối với những người làm công tác công đoàn ở EVN HANOI. Phải nói rằng, việc duy trì được các phong trào như hiện tại là nhờ sự “hậu thuẫn” mạnh mẽ từ 8.000 người lao động trong Tổng công ty đã thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn chung, không “lăn tăn” về việc tiền thưởng phong trào giảm nhiều mà vẫn tham gia nhiệt tình, hết mình…

 

Các nguồn thu tài chính Công đoàn theo Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

 


  • 19/05/2014 10:34
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3214


Gửi nhận xét