Cơ chế đặc thù trong quản lý và thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch điện VII

Tại cuộc họp mới đây về kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VII, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã yêu cầu Bộ Công Thương ngay trong tháng 11 này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cơ chế đặc thù trong quản lý, thực hiện các dự án nguồn và lưới điện thuộc Quy hoạch điện VII.

(Ảnh minh họa)

Trên tinh thần kiểm soát chặt tiến độ các dự án trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án điện sử dụng than nhập khẩu ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để có cơ sở đàm phán hợp đồng nhập khẩu than và khẩn trương đàm phán với nhà thầu Chevron về các nội dung liên quan đến bão lãnh Chính phủ.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)  cần sớm hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng mua bán khí Lô B để các đơn vị có cơ sở triển khai các dự án điện đồng bộ với tiến độ cấp khí.

Ngoài việc khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt danh mục các dự án nguồn và lưới điện cấp bách đang triển khai thực hiện để các ngân hàng tiến hành các thủ tục và ký kết hợp đồng tín dụng, Bộ Công Thương còn có trách nhiệm xem xét bổ sung nghĩa vụ bao tiêu khí vào hợp đồng mua bán điện trong thị trường phát điện cạnh tranh; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh đàm phán Hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với chủ đầu tư các dự án nhà máy điện độc lập (IPP) và dự án BOT. Bên cạnh đó, xem xét về đề nghị của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) ban hành phí đấu nối các nhà máy vào hệ thống điện để các bên có trách nhiệm trong việc thực hiện cam kết và đảm bảo tiến độ dự án do mình thực hiện.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương trong các tháng cuối năm phải hoàn thành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án sử dụng nguồn năng lượng mới tái tạo; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định kế hoạch giá thành sản xuất kinh doanh điện giai đoạn 2013-2015 của EVN và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2013-2015; trong đó có kế hoạch phân bổ các khoản lỗ của EVN, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Riêng đối với dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Phó Thủ tướng chỉ đạo sau 6 tháng nữa, nếu các nhà đầu tư phát triển dự án này không tiến hành đàm phán hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ, Chính phủ sẽ thu lại và giao cho nhà đầu tư khác.

Về phía Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu sớm phê duyệt cơ chế tài chính cho nguồn vốn DPL2 (Vay vốn của WB), tạo điều kiện để EVN sớm giải ngân cho các dự án và khẩn trương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bảo lãnh vốn vay nước ngoài cho dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3.

Bộ Xây dựng khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ thủy điện và thủy lợi; hướng dẫn việc công bố áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng các công trình thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ diện tích rừng sử dụng trong các công trình thủy điện, diện tích rừng được trồng mới theo quy định do xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn các địa phương.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có dự án giải quyết dứt điểm tồn tại; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, đáp ứng tiến độ các dự án.

 Quy hoạch điện lực quốc gia được lập cho mỗi giai đoạn 5 năm. Thời gian tới, Quy hoạch sẽ được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo. Bộ Công Thương có nhiệm vụ chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh Quy hoạch điện VII , trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2014.

Theo tiến độ,  trong các năm 2012-2013, sẽ có 5.196 MW công suất các dự án nguồn điện được đưa vào vận hành; đồng thời cũng có 6.840 MW công suất các nguồn điện được các chủ dự án khởi công trong giai đoạn này.


  • 09/11/2012 02:05
  • Mai Phương
  • 3438


Gửi nhận xét