Nhiều điểm mới trong Nghị định số 137/2013/NĐ-CP

Ngày 21/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Nghị định này chính thức được áp dụng từ ngày 10/12/2013. Như vậy, Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực sẽ hết hiệu lực từ ngày Nghị định 137/2013/NĐ-CP được áp dụng.

Những điểm mới của Nghị định số 137/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đó là:

- Điều 20 của Nghị định quy định về thanh toán tiền điện, nghị định nêu rõ, trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động, tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của 3 chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện. Chính phủ khuyến khích thanh toán tiền điện thông qua hệ thống ngân hàng, tại địa điểm thu tiền điện của bên bán điện.

Bên cạnh đó, theo một số điều quy định tại Nghị định, Điều 11 về Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, điều kiện mua bán điện là bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ như hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên; giấy chứng nhận quyền sở dụng đất (trên đất đã có nhà ở)…. Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 7 ngày làm việc khi có đủ các điều kiện.

- Điều 13 về Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện, Nghị định quy định rõ, hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm: Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng đã ký; không đảm bảo chất lượng, số lượng điện năng; ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn; trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra… Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm: trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký; sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng; không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện; chậm trả tiền điện theo quy định…

- Về đo đếm điện năng, Điều 16 Nghị định quy định, khi thay đổi thiết bị đo đếm điện, bên mua và bên bán điện cùng ký biên bản xác nhận thông số kỹ thuật của thiết bị đo đếm điện và chỉ số công tơ điện. Trường hợp thiết bị đo đếm điện bị mất hoặc hư hỏng, thì hai bên lập biên bản để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên. Trường hợp không xác định được nguyên nhân do lỗi của bên mua điện, thì bên bán điện có trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đo đếm điện mới và tiếp tục cấp điện cho bên mua.

- Về Ghi chỉ số công tơ điện, đối với việc mua bán điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt, việc ghi chỉ số công tơ điện như sau: Dưới 50.000kWh/tháng ghi chỉ số 1 lần mỗi tháng. Từ 50.000-100.000kWh/tháng, ghi chỉ số 2 lần trong một tháng; trên 100.000kWh điện, ghi chỉ số 3 lần trong một tháng. Đối với bên mua điện sử dụng điện năng ít hơn 15 kWh/tháng, chu kỳ ghi chỉ số công tơ do hai bên thỏa thuận.

Chi tiết Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ đính kèm file.

137.pdf


  • 23/10/2013 11:35
  • Lương Nguyên
  • 5989


Gửi nhận xét