Nhân viên luôn mong được động viên, khích lệ như thế nào?

Tổ chức không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi những người làm việc tích cực, nhiệt tình. Vậy làm thế nào khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên? Cùng lắng nghe những chia sẻ dưới đây của một số CBCNV EVN.

Đối với anh/chị điều gì là quan trọng nhất khi cấp trên động viên, khích lệ cấp dưới?

Anh Lê Xuân Bách, công nhân đội Truyền tải Điện TP. Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải Điện 1:

Theo tôi, đó là sự kịp thời. Thường đối với công nhân truyền tải chúng tôi trong những “chiến dịch lớn”, thời gian cắt điện hàng ngày thường từ 4h sáng đến 16h chiều, công nhân thường phải dậy từ 3h, sau đó làm việc liên tục trong khoảng thời gian này. Những lúc như vậy nhận được sự động viên, khích lệ kịp thời từ lãnh đạo, tinh thần làm việc của anh em được nâng lên rất nhiều. Do đó, cũng như khen thưởng, sự động viên kịp thời, đúng thời điểm sẽ có tác dụng rất lớn, cổ vũ nhân viên hăng say lao động hết mình.

Chị Hoàng Thị Khuyên, chuyên viên Văn phòng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc:

Với tôi, sự động viên của cấp trên có sức mạnh lớn nhất nếu xuất phát từ sự chân thành. Sẽ không có nhân viên nào thích lãnh đạo đến động viên một cách qua loa, chiếu lệ. Do đó, nếu cấp trên đến động viên một cách chân thành, tạo được cảm xúc tích cực cho nhân viên với những lời động viên khích lệ tích cực, người được động viên sẽ cảm nhận rất rõ và hăng say làm việc hơn. 

Anh Phạm Viết Sĩ, Trưởng ca vận hành, Công ty Thủy điện Sông Tranh:

Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất khi khích lệ nhân viên đó là sự công nhận. Và sự công nhận này cần được công khai, minh bạch. Nhân viên nào cũng hi vọng bản thân phát huy hết khả năng trong công việc và được nhận lời khen trước tập thể. Như vậy cảm giác được tôn trọng sẽ là động lực lớn để mỗi người cố gắng hơn.

Cá nhân anh/chị, thích sự động viên bằng tinh thần hay vật chất? Vì sao?

Anh Lê Xuân Bách, công nhân đội Truyền tải Điện TP. Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải Điện 1: 

Với cá nhân tôi, sự động viên cần đi liền với khen thưởng. Khen thưởng cần được duy trì để tạo động lực phấn đấu cho mọi người. Tuy nhiên, dù động viên bằng vật chất luôn có “ưu thế” hơn so với sự động viên bằng tinh thần, nhưng cũng không nhất thiết phải nặng nề, cầu kỳ, bởi Quỹ khen thưởng của mỗi đơn vị cũng còn hạn chế. Đôi khi, một bữa ăn trưa, một giỏ hoa quả, một ngày lương… cũng là sự công nhận và cảm ơn nhân viên khi tăng ca xử lý sự cố điện, khắc phục sự cố do thiên tai, bão, lũ…

Ngoài sự động viên công khai như vậy, tôi cũng rất thích khi cấp trên dành những lời khen riêng tư cho mình thông qua email, một tấm thiệp hay một giấy khen. Những lá thư, tấm thiệp này sẽ rất quý giá, tôi sẽ bày ngay trên bàn làm việc và nó sẽ là động lực thúc đẩy tôi hoàn thành tốt hơn công việc mỗi ngày.

Chị Hoàng Thị Khuyên, chuyên viên Văn phòng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc: 

Tinh thần làm việc quyết định năng suất lao động. Tinh thần sa sút sẽ làm cho khả năng làm việc nhóm kém và năng suất lao động giảm. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả công việc. Do đó, tôi thích được khích lệ về tinh thần hơn. Trong đó, lời khen có sức mạnh rất lớn, việc công nhận và tán dương không những tác động tích cực lên người được trực tiếp nhận lời khen mà còn truyền năng lượng đến các thành viên khác trong cùng một nhóm hay bộ phận, khuyến khích họ nỗ lực nhiều hơn nữa.

Bên cạnh những lời khen, tôi cũng mong được sếp trao cho cá nhân hay tập thể xuất sắc một phần thưởng nhỏ khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, cho dù phần thưởng này bằng tiền mặt, quà tặng hay quyền lợi gì đi nữa, việc khen thưởng một cách cụ thể cũng tạo ra những động lực và giá trị để chúng tôi phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tôi thích cấp trên tạo động lực cho nhân viên bằng cách làm mới, trang trí lại văn phòng, tạo không gian thoải mái, tươi mới, thúc đẩy tinh thần mỗi ngày cho nhân viên hoặc tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu sau giờ làm việc.

Anh Phạm Viết Sĩ, Trưởng ca vận hành, Công ty Thủy điện Sông Tranh: 

Yếu tố vật chất luôn được người lao động quan tâm khi sếp giao việc. Vì vậy, muốn động viên cấp dưới, trước hết cấp trên phải đưa ra mức lương đủ có thể thuyết phục; tiếp theo cần xây dựng chính sách, chế độ đảm bảo các quyền lợi cho người lao động và thưởng, phạt phân minh, rõ ràng. Đến đây chúng ta có thể hiểu được vì sao doanh nghiệp thường thưởng bằng vật chất hoặc tiền mặt. Bởi vì, đó là động lực rõ ràng và hấp dẫn nhất mà doanh nghiệp có thể mang lại cho người lao động.

Trả lương cho nhân viên theo năng lực là cách làm có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với những người thực sự có tài và làm việc hiệu quả, xuất sắc. Tuy nhiên, để có sự khích lệ một cách công bằng, cấp trên cũng cần thiết lập một cơ chế trả lương, thưởng  hợp lý và đánh giá đúng hiệu quả làm việc của mỗi nhân viên. 
Ngoài ra, việc thỉ thoảng được sếp mời đi liên hoan, quà tặng sẽ mang lại hiệu quả cao. Đây là cách dễ nhất, giúp nhân viên cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, góp phần gắn bó bền chặt giữa lãnh đạo và nhân viên hơn. 
 


  • 09/12/2020 03:38
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1105