Liệt sĩ Hoàng Văn Đoài (Nhà máy điện Cửa Cấm): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Hi sinh năm 1939, tại nhà tù Côn Đảo, lớp cán bộ hoạt động cách mạng cùng thời với ông Hoàng Văn Đoài đều đã là người thiên cổ, vì vậy, việc thu tập thông tin về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của ông gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất gần 2 năm (từ tháng 11/2007 đến 1/8/2009), với biết bao hành trình từ Bắc vào Nam, từ Hải Phòng lên Hà Nội, gặp gỡ nhiều người, làm việc với hàng chục tổ chức ở Trung ương, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng) mới có được những thông tin khá đầy đủ về liệt sĩ Hoàng Văn Đoài - người chiến sĩ cộng sản anh dũng, kiên trung của Nhà máy điện Cửa Cấm, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của ngành Điện Hải Phòng.

Đồng chí Hoàng Văn Đoài, bí danh là Ninh (hoặc Ca) sinh năm 1898, tại xã Hương Đại, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (nay là thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), trong một gia đình bần nông. Những năm đầu thế kỷ 20, trước sự đàn áp dã man, bóc lột đến tận xương tủy người dân Việt của Thực dân Pháp và tay sai, phong trào yêu nước, hoạt động chống Pháp phát triển rộng khắp cả nước. Ở quê hương Thanh Hà, một số thanh niên sớm giác ngộ cách mạng đã đi tìm đường cứu nước. Mang theo nỗi căm thù sâu sắc giặc Pháp xâm lược, anh thanh niên Hoàng Văn Đoài ra thành phố Hải Phòng tìm việc làm và tìm cơ sở cách mạng.

Đầu năm 1926, Hoàng Văn Đoài là lớp thanh niên đầu tiên ở Hải Phòng tham gia tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”. Sau đó, ông được tổ chức phân công vào Nhà máy điện Cửa Cấm làm việc ở vị trí thợ vận hành bơm Xiphông; thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, tập hợp công nhân, xây dựng tổ chức thanh niên. Vừa làm việc, vừa hoạt động tích cực, Hoàng Văn Đoài đã giác ngộ lý tưởng cách mạng cho rất nhiều công nhân. Đến đầu năm 1928, ông đã xây dựng được tổ chức thanh niên Nhà máy điện Cửa Cấm.

Đầu tháng 4/1929, cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Hữu Căn, Hoàng Văn Đoài thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách; đồng chí Đoài được tổ chức phân công phụ trách Nhà máy điện Cửa Cấm. Tại Nhà máy, đồng chí Hoàng Văn Đoài đã xây dựng được Chi bộ điện Cửa Cấm gồm 9 đảng viên (thời điểm đó Hải Phòng có 14 chi bộ, với 95 đảng viên).

Ngày 28/7/1929, đồng chí Hoàng Văn Đoài đi dự Hội nghị Đại biểu Tổng công Hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất tại Hà Nội và được bầu vào BCH Tổng công Hội đỏ Bắc kỳ. Sau đó, Tổng công hội đỏ Hải Phòng tổ chức hội nghị, đồng chí được bầu vào BCH.

Tháng 8/1929, Trung ương lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng chỉ định đồng chí Hoàng Văn Đoài cùng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hữu Căn tham gia Ban Tỉnh uỷ lâm thời Hải Phòng do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư. Thông qua Công hội đỏ, đồng chí Đoài đã cùng BCH Thành ủy phát động phong trào đấu tranh của công nhân toàn  thành phố Hải Phòng. Các cuộc đấu tranh có mục đích rõ ràng với phương pháp linh hoạt và đã giành thắng lợi.

Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Hãng Dầu Pháp - Á ngày 23/9/1929; Công nhân Xi măng ngày 22/10/1929; Công nhân Cảng ngày 24/11/1929; các hoạt động treo cờ, áp phích, rải truyền đơn, ra báo kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ngày 7/11/1929 ở nhiều nơi trong nội và ngoại thành. Đặc biệt, tháng 1/1930, hàng nghìn công nhân ở các nhà máy điện Cửa Cấm, Xi Măng, Máy Tơ, Máy Chai, Sáu Kho đã đồng loạt tổ chức đấu tranh bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, làm cho thực dân Pháp và tay sai vô cùng lo sợ.

Tổ đội lao động XHCN của Nhà máy điện Thượng Lý trong chiến tranh chống Mỹ vừa sản xuất vừa chiến đấu

Tháng 4/1930, thực hiện Nghị quyết Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở ba kỳ, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng Hải Phòng chuyển thành Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam Hải Phòng, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư; đồng chí Hoàng Văn Đoài là uỷ viên BCH phụ trách Công hội.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, đồng chí Đoài đã cùng BCH Công hội phát triển tổ chức Công hội đỏ ở hầu hết các nhà máy và hoạt động rất tích cực; liên tục tổ chức các cuộc đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân ở các nhà máy. Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của công nhân, thực dân Pháp và bọn tay sai đã tiến hành đàn áp cơ sở cách mạng, bắt bớ, giam cầm các chiến sỹ cộng sản. Ngày 9/4/1930, đồng chí Hoàng Văn Đoài bị giặc Pháp bắt.

Từ ngày 27/1/1931 đến ngày 29/1/1931, thực dân Pháp mở phiên toà đề hình (toà đại hình) trong trại lính khố đỏ Kiến An, xử 184 tù chính trị, trong đó có 72 đảng viên Đảng Cộng sản. Kết thúc phiên tòa, đồng chí Hoàng Văn Đoài bị quy tội “Âm mưu chống lại nền an ninh quốc gia” và kết án đi đày biệt xứ tại đảo Guy Am - một thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương.

Tháng 4/1936, Mặt trận nhân dân Pháp thắng lợi đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng Việt Nam. Ở Đông Dương, ngày 29/9/1936, dưới sức ép đấu tranh của nhân dân ta và Mặt trận dân chủ Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương đã có sắc lệnh trả lại tự do và giảm án cho các tù chính trị. Theo đó, đồng chí Hoàng Văn Đoài cùng 3 đồng chí khác được chuyển từ đảo Guy Am về nhà tù Côn Đảo.

Cuối năm 1936, 72 tù chính trị được trả lại tự do từ Côn Đảo về Hải Phòng bằng tàu biển đã nhanh chóng tìm nơi sinh sống và tiếp tục hoạt động cách mạng. Đối với đồng chí Hoàng Văn Đoài, kẻ thù xác định là đối tượng nguy hiểm (cộng sản có mối liên hệ với Nam kỳ, đặc biệt là việc giữ 4 khẩu súng lục và 100 viên đạn cho Đảng cộng sản), nên không được giảm án hoàn toàn mà chuyển bản án từ đi đày biệt xứ thành bản án 15 năm tù giam. Ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí mang mã số tù 3827.

Do bị hành hạ, đánh đập, tra tấn dã man, ăn uống lại kham khổ, nên cuối năm 1939 đồng chí Hoàng Văn Đoài đã hy sinh. Gần 10 năm ở tù, trong đó có “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí luôn giữ vững khí tiết người chiến sỹ cộng sản. Hòa bình trở lại, năm 1954, ông Hoàng Độc, bạn tù ở Côn Đảo cùng với đồng chí Đoài và ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã về thăm gia đình đồng chí Đoài ở huyện Thanh Hà và cho biết: “Trước khi hấp hối, đồng chí Đoài có dặn lại anh em bạn tù: Tôi còn có 2 người con trai ở Hải Phòng, khi nào cách mạng thành công, mong các ông giúp đỡ”.

Hiện nay, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Đoài đã được ghi nhận trong lịch sử Đảng bộ Thành phố Hải Phòng, trong lịch sử phát triển ngành Điện Việt Nam với tên gọi “Người Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của ngành Điện Hải Phòng”. Đặc biệt, tại Bảo tàng Hải Phòng còn lưu giữ và trưng bày 1 hộp dao cạo với ghi chú: “Hộp dao cạo của đồng chí Hoàng Văn Đoài - Công nhân Nhà máy điện Hải Phòng, là Thành uỷ viên năm 1930, có lần đồng chí dùng hộp dao này để cất dấu tài liệu cách mạng”.

Đặc biệt, để tri ân công lao to lớn của đồng chí Hoàng Văn Đoài, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hoàng Văn Đoài. Tháng 5/2016, PC Hải Phòng đã có công văn đề nghị lãnh đạo Thành phố quan tâm, lựa chọn tuyến đường mang tên Hoàng Văn Đoài. Hiện nguyện vọng của PC Hải Phòng đã được lãnh đạo Thành phố chấp nhận, giao Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch bổ sung tên đồng chí Đoài vào ngân hàng tên sử dụng đặt tên đường, phố sau này.

Liệt sĩ Hoàng Văn Đoài sẽ mãi là tấm gương sáng để các thế hệ lãnh đạo và CBCNV ngành Điện Hải Phòng nói riêng và ngành Điện Việt Nam nói chung, học tập và noi theo.

Liệt sỹ Hoàng Văn Đoài:

- Sinh năm: Năm 1898

- Hi sinh: Năm 1939

- Chức vụ: Công nhân vận hành bơm Xiphông, Nhà máy điện Cửa Cấm; Bí thư chi bộ đầu tiên của ngành Điện Hải Phòng; Ủy viên Ban chấp hành Tổng Công Hội đỏ Bắc kỳ.

- Quê quán: Xã Hương Đại, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (nay là thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).

 


  • 25/07/2022 09:21
  • Nguồn sách: Tim có thể ngừng đập, điện không thể tắt
  • 593