Chuyện mùa COVID

Tay lướt điện thoại, bỗng đôi mắt anh nhíu lại. Tin tức vừa cập nhật, thành phố xuất hiện 02 ca dương tính với COVID-19, có lịch sử dịch tễ phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao. Bất chợt thở dài, anh tự nhủ: Phú Yên đã không còn bình yên…

CBCNV Trạm biến áp 220kV Tuy Hoà, Truyền tải điện Phú Yên trực vận hành mùa dịch.

Mới ít phút trước, khi anh vừa sửa xong cái bàn ủi bị hỏng thì 2 cô con gái từ trong phòng chạy ra: "Bố ơi! Tối nay thứ 6 nhà mình ra ngoài ăn đi, con thèm tokbokki pho mai" - Con gái út sà vào lòng anh nũng nịu. "Bố ơi! Mai bố đưa hai đứa đi mua truyện tranh nhé, chỗ nhà sách Hùng Vương ấy" – chị lớn hùa theo khiến anh đành mỉm cười: "Ừ! Được rồi, vào học bài đi, tí mẹ về rồi mình đi, thích truyện gì mai bố mua". Lúc ấy anh không biết rằng chuyện cho các con đi ăn, đi nhà sách sẽ khó có thể thực hiện vào thời điểm này.

Sau khi biết thông tin về dịch bệnh, anh liền gọi điện thoại cho vợ:

- Em tranh thủ về sớm một tí, có lẽ phải đi mua ít thức ăn đồ dùng dự trữ, có dịch rồi em ạ, có thể anh sẽ phải tập trung lên trạm ngay. Lần này có vẻ lâu đấy, không 14 ngày như năm ngoái đâu.

- Vâng! Đợi em tí, em cũng vừa nghe mọi người trên cơ quan kháo nhau!

Bước vào trong lấy chiếc ba lô, anh gấp quần áo, chuẩn bị một số vật dụng cần thiết. Thấy vậy, hai cô nhóc chạy ra:

- Bố chuẩn bị đi công tác đột xuất à? Đi lâu không bố?

- Vậy tối nay có đi ăn không ạ? Có mua truyện tranh không ạ?

Đưa tay ôm hai con vào lòng, anh nhỏ giọng:

- Tuy Hòa có dịch COVID rồi đó, chắc tối nay hoặc sáng mai bố phải đi tập trung như năm ngoái đây. Hai đứa ở nhà ngoan, nghe lời mẹ, không chạy lung tung, lây dịch đó.

- Eo ơi! Có dịch rồi! Sợ thế - Cô nhỏ thè lưỡi

- Sợ gì mà sợ! Dịch thì mang khẩu trang, ở trong nhà, 5K phải không bố… Chị lớn ra vẻ hiểu biết!  Nhưng mà không được đi ăn, đi chơi, mua truyện, chán ơi là chán…

Vừa chuẩn bị xong tư trang thì vợ anh cũng về đến. Hai vợ chồng vừa định đi mua sắm thì chuông điện thoại của anh vang lên. Giám đốc gọi.

- A lô! Em nghe đây anh.

- K . à! Tuy Hòa có 2 ca dương tính, chắc biết rồi phải không?

- Em cũng vừa đọc tin xong ạ!

- Ừ! Tinh thần là tổ thao tác lưu động ngay lập tức tập trung tại trạm, cô lập vận hành. Chưa có công văn chỉ đạo của công ty, nhưng là vùng có dịch, mình cứ thực hiện tốt công tác phòng dịch em ạ.

- Vâng! Em biết rồi, em đi ngay.

Cuộc điện thoại kết thúc, quay lại nhìn vợ, anh nói.

- Em chủ động mua sắm nhu yếu phẩm, nhớ mua khẩu trang, nước sát khuẩn. Nhắc nhở hai đứa không chạy ra ngoài.

Đã quá quen với "ông chồng truyền tải", công việc luôn ưu tiên trước, chị trả lời:

- Em biết rồi, anh yên tâm công tác, nhớ giữ sức khỏe. Mà anh hút ít thuốc lá thôi. Lát ghé lại chỗ tạp hóa, em mua ít mì gói, lên để dành ăn sáng, thêm hộp cà phê, không có sáng ra lại thèm…

Anh cười hì hì.

- Lo gì! Truyền tải điện nuôi "quân", có thiếu bao giờ…

Quay lại hai cô nhóc, anh cười:

- Hôn bố cái nào, bố đi nhé!

Mỗi đứa hôn một bên má, cô nhỏ đã ầng ậng nước mắt…

- Bố đi có lâu không? Nhớ gọi ngày nào cũng gọi video cho con đó.

- Ừ! Bố biết rồi, ngày nào cũng gọi, được chưa, bố đi khoảng 2 tuần.

Nói xong anh nổ máy xe, chạy thẳng lên trạm. Năm anh em cùng 2 anh vệ sỹ đã tập trung đông đủ. Mỗi người mỗi tay thu xếp phòng ốc nghỉ ca, nhanh chóng ổn đinh tổ chức cho đợt tập trung. Ba mươi phút sau, đồng chí Trung – giám đốc đơn vị cũng đã lên trạm. Thấy anh em có mặt đông đủ, kiểm tra sơ bộ, mọi thứ đâu vào đấy, anh nói:

- Tình hình dịch bệnh chắc mọi người rõ rồi, tôi cũng đã gọi điện báo cáo công ty việc cô lập lực lượng vận hành đảm bảo an toàn sản xuất. Tổ thao tác lưu động nghiêm túc thực hiện công tác phòng dịch theo qui định.

Anh nhỏ giọng:

- Tôi biết, anh em chưa ai kịp chuẩn bị cho gia đình trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, nhưng nghề của chúng ta nó vậy, mọi người cố gắng vì công việc. Liệt kê những nhu yếu phẩm cần thiết, ngày mai đơn vị sẽ mua lên. Anh em cứ yên tâm công tác, công ty và đơn vị sẽ chăm lo đầy đủ đời sống vật chất để anh em hoàn thành nhiệm vụ sản xuất trong tình hình dịch bệnh. Thôi mọi người cố gắng, tôi về nhé!       

Mười bốn ngày trôi qua, rồi 20 ngày trôi qua,  công tác quản lý vận hành vẫn an toàn, liên tục nhưng tình hình dịch bệnh ngày càng bùng phát, thành phố Tuy Hòa hơn 500 ca dương tính. Các khu phong tỏa ngày mỗi nhiều. Mỗi lần nhận được chia sẻ báo cáo tình hình dịch bệnh là ánh mắt ưu tư của anh em trĩu lại. Sao không lo lắng được chứ? Đa số anh em sống xa quê hương, nhà neo người, con còn nhỏ. Có người thì vợ đang thai nghén. Có người thì nhà nằm trong tâm dịch, đã phong tỏa nhiều ngày. Nhưng nỗi lo cũng chỉ là nỗi lo, chia sẻ cũng chỉ là những cuộc điện thoại hỏi han, dặn dò cẩn thận. Anh em cùng động viên hy sinh lợi ích cá nhân vì công việc chung, vì dòng điện.Anh Thạnh, người lớn tuổi nhất chợt cảm khái:

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Nhận tin nhà, trước cửa chửa giăng dây”

Dịch đã tiệm cận 1.000 ca dương tính, tỉnh ban hành quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Như bao gia đình khác, chị tất tả đi siêu thị mua nhu yếu phẩm. Đang loay hoay chọn thức ăn, bỗng nghe giọng quen thuộc bên cạnh.

Như cũng đi mua đồ hả em. Mua nhiều nhiều một tí, tình hình dịch dã khiếp quá em ạ!

Nhìn lên, khuôn mặt được che chiếc khẩu trang là chị T hàng xóm. "Dạ! Cũng phải dự trữ chị ạ! Không biết giãn cách đến khi nào" - Vừa chọn thức ăn chị T vừa hỏi

- À! Mà dịch bệnh thế này chú K nhà em đi công tác xa ở đâu hay sao cả hơn nửa tháng nay không nghe tiếng nhỉ?

Như một thói quen tự nhiên chị trả lời:

- K nhà em đi cách ly trên trạm chị ạ?

Giật phắt mình, chị T lùi xa mấy bước, ánh mắt dò xét, ngập ngừng:

- Ủa! Chú K bị F mấy mà cách ly vậy, sao em......?

Chợt hiểu ra, Như xua tay:

-  Dạ, không phải, anh ấy không bị gì cả, “cách ly” đây nghĩa là ăn ở luôn tại chỗ làm đấy chị. K nhà em đi từ khi vừa có dịch đến nay, gần 1 tháng rồi, ăn ở, làm việc tại chỗ.

- À à, giống như trút được 1 khối nặng trên người, chị T thở phào:

- Thảo nào, chả thấy mặt mũi đâu chú ấy đâu, nghe em nói chị cứ tưởng... là không được về nhà, 3 tại chỗ đó hả em.

- Dạ, vâng ạ.

 Chị T cảm khái:

- Cũng tội nhỉ, làm điện mà giống như bác sỹ, bộ đội vậy. Mà nghĩ lại, cái việc của chú ấy cũng hay nhỉ. Ngày lễ, ngày Tết, ngày cuối tuần thấy cũng đi làm. Có khi đi từ hôm trước, tối mịt hôm sau mới thấy về. À, mà mấy bận bão lụt, cũng chẳng thấy đâu, như cái bão vừa rồi, cái cây trước nhà bị đổ ấy, cũng thấy em lụi hụi, xong đâu đấy mới thấy về.

- Dạ, cái nghề trực trạm của anh ấy nó vậy mà chị. 

- Chị T tiếp: Mà nghĩ cũng đúng, điện thì lúc nào cũng phải dùng, mà có người dùng thì các chú ấy phải làm. Tính ra cũng chẳng sung sướng giống như thiên hạ hay đồn nhỉ? Thôi, cố gắng em ạ...

Đã 32 ngày kể từ lúc bắt đầu cô lập, dịch bệnh ở địa phương cũng như cả nước vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngồi theo dõi lưới điện qua màn hình điều khiển, chợt tiếng chuông điện thoại vang lên. Con gái call video, vừa bấm nút nghe, hai khuôn mặt xinh xắn đã chen nhau tràn màn hình điện thoại. Cô nhỏ liếng thoắt:

- Bố biết không? Khi nãy bà nội gọi điện cho hai chị em nói chuyện. Sáng nay, bà nội gom hết vườn rau, mướp ngoài nhà gửi ủng hộ cho Sài Gòn đó. Mà bà ngoại và mấy dì thì đang ở Sài Gòn, vậy tính ra là nội đang ủng hộ cho ngoại. Kiểu “cả nhà thương nhau” bố nhỉ?

Anh bật cười vì cái lý luận hết sức “logic” của con gái thì bỗng thấy cô nhóc buồn thiu

- Mà khi nào bố mới về vậy? Đông Đông nhớ bố rồi!....

Bé òa khóc! Nụ cười anh như nghẹn lại... Giật phăt cái điện thoại trong tay em, chị lớn quát:

- Khóc gì mà khóc, bố đang đi làm mà, để chị nói chuyện với bố

Quát xong, chị lớn cầm điện thoại ra phòng ngoài thủ thỉ.

- Bố ơi! Đừng la Đông Đông nhé, em ngoan nhưng nhớ bố lắm, tối nào cũng chảy nước mắt. Minh Minh cũng nhớ bố lắm, nhưng Minh không khóc đâu, vì con khóc là em khóc theo. 

Anh đưa tay định vuốt tóc con như ở nhà, nhưng bất chợt rụt tay, nghẹn ngào nhận ra: Hai bố con đang nói chuyện qua điện thoại.

- Ừ! Minh Minh ngoan lắm, nhớ học bài và chăm em nhé.

- Vâng ạ! Bố cứ yên tâm làm việc đi, ở nhà con sẽ giúp mẹ chăm em. Hết dịch bố về với chị em con nhé. À, mai bố gọi điện cho em Đông kiểm tra cửu chương bảng 9 nhé, em thuộc rồi đấy, giờ mà bố gọi là tí ngủ em lại khóc, tội nghiệp. Thôi, bố giữ sức khỏe nhé, con tắt máy vào chơi với em.

Trái tim anh như thắt lại, nhưng môi lại mỉm cười, thương con gái quá. Chị Minh Minh đã trưởng thành thật rồi. 

Mở cửa phòng điều khiển, bước ra ngoài, trăng sáng vằng vặt, trạm biến áp như phủ một màu áo mới. Cơn gió thoảng qua mang theo hương hoa quyện với tiếng rì rầm của dòng điện tuôn chảy về mọi miền. Hít căng lồng ngực, trong tâm tưởng anh vang lên lời của bài hát quen:

"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai (...) Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng..."


  • 03/08/2021 02:17
  • Minh Khang
  • 2335