Cán bộ lão thành ngành Điện trao đổi về tư liệu, hiện vật truyền thống của EVN: Có nên số hóa?

Trong thời đại số, việc tìm kiếm thông tin bằng những click chuột trên máy tính, những “chạm”, “vuốt” trên smart phone đã ngày càng trở nên quen thuộc, phổ biến. Vậy đối với các tư liệu lịch sử, hiện vật liên quan đến quá trình phát triển ngành Điện, chúng ta có nên số hóa để phù hợp với xu thế?

AHLĐ Thái Phụng Nê - Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tổng công ty Điện lực Việt Nam

Hiện nay, EVN đã xây dựng Nhà truyền thống ngành Điện lực, nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống, giáo dục cho các thế hệ CBCNV ý thức tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành. Theo tôi, bước vào kỷ nguyên số, việc số hóa các dữ liệu, tài liệu, hiện vật sẽ giúp tương tác nhiều chiều hơn, dễ dàng chia sẻ thông tin hơn. Khi có nhà truyền thống số thì việc khai thác thông tin sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, thông qua các phương tiện máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D...

EVN cũng đã xuất bản nhiều bộ sách lịch sử quy mô như Biên niên sự kiện, đặc biệt gần đây nhất là bộ sách Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển - một ấn phẩm tái hiện toàn bộ quá trình 125 năm kể từ khi điện xuất hiện tại nước ta. Số lượng bản in không nhiều, nên nếu được số hóa để đưa lên mạng xã hội thì đây sẽ là nguồn tài liệu quý cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử của ngành Điện.

Ngoài ra, mỗi giai đoạn lịch sử cũng nên có những bộ phim/video clip ngắn gọn, súc tích, vừa thiết thực cho người xem, vừa dễ dàng đưa lên mạng xã hội để lan tỏa truyền thống EVN.

Tuy nhiên, những thước phim, bức ảnh hay hiện vật chỉ có giá trị nếu có thông tin cụ thể, chính xác gắn liền với nó. Vì vậy, dù là lưu trữ theo kiểu truyền thống hay số hóa theo công nghệ, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tính chính xác của thông tin, trung thành với lịch sử.

Ông Nguyễn Bỉnh Niệm - Nguyên Thành viên Hội đồng thành viên EVN

Dõi theo tình hình hoạt động của EVN những năm gần đây, tôi thấy EVN đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng, quản trị. Khi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến qua website, tổng đài, email, ngành Điện đã kịp thời phát triển các ứng dụng CSKH trên điện thoại di động, giúp khách hàng thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ điện.

Theo tôi, việc xây dựng “kho lưu trữ số” các tài liệu, hiện vật trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của EVN qua các thời kỳ cũng hết sức cần thiết, nhằm lưu giữ, lan tỏa truyền thống EVN. Việc số hoá tài liệu, hiện vật truyền thống là xu thế phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu khai thác, bảo quản lâu dài để sử dụng hiệu quả trong hiện tại và tương lai.

Với khối lượng lưu trữ lớn, có thể ưu tiên lựa chọn số hoá các tài liệu được khai thác, sử dụng nhiều, tài liệu quý hiếm và tài liệu có nguy cơ bị phân hủy trước. Các nguồn tài liệu số được đăng tải rộng rãi trên mạng internet sẽ góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống của EVN tới CBCNV nói riêng và xã hội nói chung.

Bà Hồ Thị Bích Phượng - Nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 

EVN hiện có gần 100.000 CBCNV, làm việc tại các đơn vị, trải dài trên 63/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong số đó, rất nhiều CBCNV khó có dịp để đến tham quan, tìm hiểu nhà truyền thống của ngành Điện tại trụ sở của Tập đoàn. Việc tiếp cận các thông tin về lịch sử của ngành cũng còn gặp những khó khăn nhất định.

Nếu như dữ liệu, thông tin về truyền thống, những giá trị văn hóa, lịch sử của EVN được số hóa, được đưa lên nền tảng mạng internet, thì mỗi cán bộ công nhân viên ngành Điện, dù ở đâu cũng có thể truy cập, theo dõi, tìm hiểu, để từ đó hiểu rõ hơn, tự hào hơn khi được làm việc và cống hiến trong một ngành có bề dày truyền thống với những đóng góp to lớn cho đất nước. Khi ấy, sinh viên đang theo học chuyên ngành điện hay khách hàng, đối tác cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, nắm bắt thông tin về các thành tựu, truyền thống đáng tự hào của EVN.

Văn hóa số, xã hội số đang là xu thế. Tuy nhiên, song song với việc ứng dụng công nghệ, số hóa các tư liệu, truyền thống của EVN, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đông đảo CBCNV, khách hàng, đối tác biết và tìm hiểu.

Ông Trần Nguyên Hợi - Nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy điện Yên Phụ

Tôi bắt đầu sưu tập các tư liệu, hình ảnh, hiện vật của ngành Điện từ khi công tác ở Nhà máy điện Yên Phụ sau ngày tiếp quản Thủ đô. Công việc này bắt nguồn từ đam mê và cũng là mong muốn của tôi muốn lưu giữ những tư liệu về ngành cho thế hệ sau thấy được sự phát triển của ngành Điện qua từng thời kỳ.

Tôi cũng đã cung cấp nhiều tài liệu cho các thế hệ sau viết sách, báo, làm các thước phim về truyền thống ngành Điện như: 40 năm ngành Điện Việt Nam, Những bước đi tỏa sáng,... Trên thực tế những tài liệu, văn bản, ảnh theo năm tháng có thể hư hỏng, thất lạc, khó khăn trong việc bảo quản. Bản thân tôi cũng bị thất lạc khá nhiều tài liệu quý. Do đó, việc ứng dụng công nghệ trong gìn giữ các giá trị truyền thống của EVN là cần thiết và cũng đặt ra những thách thức trong đổi mới cách tiếp cận những giá trị lịch sử, văn hóa.

Hiện nay, với các tài liệu, ảnh truyền thống sưu tập được, cá nhân tôi cũng đã mã hóa lưu trữ trên máy tính, phân chia theo vấn đề, sự kiện để dễ tra cứu như: Bác Hồ về thăm ngành Điện; tiếp quản Thủ đô; nhà máy điện; công trình đường dây… Tôi đã cung cấp số lượng lớn ảnh tư liệu và được Trung tâm Thông tin Điện lực số hóa nguồn ảnh này, đăng trên website Cơ sở dữ liệu ngành Điện. Các website, mạng xã hội giờ đây là cầu nối thông tin đến tất cả mọi người, giảm sự phụ thuộc vào yếu tố không gian và thời gian.

Việc số hóa tài liệu sẽ giúp giảm thiểu đáng kể diện tích, không gian lưu giữ; mở rộng phạm vi cộng đồng sử dụng nguồn tài liệu và tiện lợi trong việc tìm kiếm thông tin ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.


  • 19/12/2021 04:31
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 783