"Trong bối cảnh giãn cách xã hội, công nghệ số đã phát huy hiệu quả rõ rệt"

Đó là khẳng định của ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) khi trao đổi với evn.com.vn.

PV: Việc TP. Hồ chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gây khó khăn như thế nào trong công tác đảm bảo điện, thưa ông?

Ông Luân Quốc Hưng: Khó khăn lớn nhất của EVNHCMC trong giai đoạn này là vấn đề con người. Tổng công ty phải đảm bảo đủ lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện giãn cách xã hội; đồng thời phải đảm bảo an toàn phòng dịch cho CBCNV. Bên cạnh đó, số ca nhiễm trong cộng đồng tại TP.HCM đang tăng mạnh cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.

Ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC

Ngoài ra, khi triển khai các công tác sửa chữa điện ngoài hiện trường, anh em công nhân cũng đối diện với những khó khăn nhất định trong việc di chuyển, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ trong các khu phong toả, cách ly.

Một khó khăn khác là việc đảm bảo đủ vật tư thiết bị. Hiện nay, Tổng công ty đang đáp ứng đủ vật tư thiết bị cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, việc cung ứng từ các nhà thầu có thể bị gián đoạn, đòi hỏi phải tính toán đến những phương án dự phòng.

PV: Trong bối cảnh đó, EVNHCMC đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo điện an toàn, liên tục, thưa ông?

Ông Luân Quốc Hưng: Thời gian qua, EVNHCMC đã luôn chủ động các kịch bản đảm bảo điện thông suốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch cho thành phố đồng thời đảm bảo an toàn cho CBCNV. Tổng công ty đã tổ chức các ca trực điều hành sản xuất và vận hành hệ thống điện, hệ thống CNTT, hệ thống giao dịch điện tử với số lượng không quá 30% tổng số CBCNV của các bộ phân. Ngoài ra, các bộ phận này duy trì chế độ trực tại 02 nơi riêng biệt, cách ly hoàn toàn không tiếp xúc với nhau.

Đối với lực lượng công nhân sửa chữa điện của các công ty điện lực, Tổng công ty yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai cho CBCNV ký cam kết chỉ đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài; chủ động sẵn sàng kịch bản dự phòng thay thế trong trường hợp cần thiết (nếu phải cách ly, phong tỏa).

Tổng công ty cũng làm việc với cơ quan chức năng, tạo thuận lợi cho anh em khi di chuyển. Khi cần làm việc trong các khu phong toả, cách ly, phối hợp chặt chẽ với các bộ phận phòng chống dịch tại địa phương, tuân thủ quy định về trang phục phòng dịch và không giao tiếp khách hàng, nhằm đáp ứng thời gian xử lý sự cố và đảm bảo an toàn phòng dịch.

EVNHCMC cũng tổ chức xét nghiệm nhanh cho tất cả lực lượng này định kỳ hàng tuần và yêu cầu CBCNV thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong ca trực để đảm bảo an toàn cho người lao động của đơn vị.

Đối với các bộ phận làm việc gián tiếp, EVNHCMC tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, tổ chức họp trực tuyến và giải quyết công việc qua môi trường mạng. Những CBCNV đến cơ quan làm việc phải đảm bảo đã được xét nghiệm COVID - 19 nhanh hàng tuần.

Đặc biệt, Công đoàn và Tổng công ty đã có những chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời, giúp người lao động yên tâm công tác.

PV: EVNHCMC là đơn vị đi đầu ngành Điện trong việc ứng dụng KHCN, chuyển đổi số. Những thành tựu này đã phát huy hiệu quả như thế nào trong bối cảnh giãn cách xã hội, thưa ông?

Ông Luân Quốc Hưng: Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành hệ thống điện và trong khâu dịch vụ khách hàng càng được thể hiện rõ nét.

Hiện nay, công tác quản lý kỹ thuật của EVNHCMC đã được số hóa hoàn toàn,100% trạm biến áp 110kV và lưới trung thế được điều khiển từ xa, trong đó có 50% lưới trung thế vận hành tự động hoàn toàn. Tỷ lệ thao tác từ xa lưới điện thành công đạt trên 99%, tỉ lệ chuyển tải sự cố dưới 5 phút đạt trên 81%.

Nhờ đó, công nhân giảm được tần suất đi xử lý sự cố, hạn chế được các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nhưng chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng vẫn được đảm bảo. 6 tháng đầu năm 2021, số lần mất điện bình quân 1 khách hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 0,24 lần, ứng với thời gian mất điện là 16,44 phút/khách hàng, tốt hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Với việc số hóa các dịch vụ khách hàng, EVNHCMC cũng đã đảm bảo cung cấp tốt các dịch vụ điện cho khách hàng qua các hình thức trực tuyến. Trong tháng 6/2021, khi toàn thành phố giãn cách theo chỉ thị 15, một số khu vực cách ly theo chỉ thị 16, Tổng công ty tiếp nhận 157.720 yêu cầu qua Tổng đài Chăm sóc khách hàng, 373.393 lượt khách hàng truy cập tra cứu thông tin và đăng kí dịch vụ khách hàng qua website Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty. Đặc biệt, trong thời gian này, EVNHCMC cũng đã cấp điện mới cho 10.987 khách hàng đăng ký thông qua phương thức trực tuyến…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tính đến ngày 14/7, EVNHCMC đã và đang cấp điện ổn định, tin cậy cho các cơ sở phòng, chống dịch COVID-19:

- 172 bệnh viện và cơ sở y tế

- 99 cơ sở cách ly

- 12 bệnh viện dã chiến, trong đó có 32 địa điển phát sinh từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16

- 12 chốt kiểm soát phòng dịch cấp Thành phố, hàng chục chốt cấp huyện

- Tất cả các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng COVID-19 và các địa điểm quản lý, điều hành mạng viễn thông phục vụ phòng chống dịch của Thành phố.

 


  • 14/07/2021 12:11
  • Minh Tâm
  • 8319