Tồn tại song song 2 biểu giá điện: Liệu có khả thi?

Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án 1 giá điện song song với phương án biểu giá điện bậc thang để người dân được quyền lựa chọn. Việc đề xuất cùng lúc tồn tại 2 phương án biểu giá điện sẽ có những ưu/nhược điểm gì? PV Tạp chí Điện lực có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi

PV: Ông có nhận xét gì về kế hoạch nghiên cứu bổ sung phương án “một giá điện” của Bộ Công Thương?

PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Đến thời điểm này, phương án đồng giá bên cạnh giá điện bậc thang giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn mới chỉ nằm trong nghiên cứu của Bộ Công Thương, chưa chính thức áp dụng. Tôi cho rằng, kế hoạch này của Bộ xuất phát từ thực tế diễn ra trong thời gian qua, khi vào mùa hè hóa đơn tiền điện tăng cao do hiệu ứng bậc thang (càng sử dụng nhiều, hóa đơn tiền điện càng cao).

Tuy vậy, dưới góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng, khi xây dựng biểu giá điện cho đối tượng khách hàng cụ thể, phải có các mục tiêu định giá. Phương án đồng giá có thể đơn giản trong áp dụng, sai sót trong đo đếm sẽ ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhưng các mục tiêu quan trọng khác như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng đặc biệt với sản phẩm điện năng hay sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm sẽ khó đạt được.

PV: Nếu hình thành song song 2 biểu giá điện, theo ông sẽ có những ưu/nhược điểm gì?

PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Nếu tồn tại đồng thời 2 loại biểu giá được Chính phủ chấp thuận, tôi nghĩ các hộ tiêu dùng ít sẽ chọn biểu giá bậc thang để hưởng các mức giá thấp; còn các hộ tiêu dùng điện nhiều đương nhiên sẽ lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng tiền điện.

Tuy nhiên, nếu đưa ra 2 loại biểu giá mà cả người tiêu dùng ít cũng có lợi, người tiêu dùng nhiều cũng có lợi do có sự lựa chọn, thì chắc chắn rằng sự cân bằng tài chính của EVN sẽ gặp vấn đề. Vì vậy, về mặt nguyên lý đồng giá rất đơn giản, nhưng là bao nhiêu, cơ chế áp dụng như thế nào là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ, đảm bảo sự hài hòa lợi ích người tiêu dùng và cân bằng tài chính cho ngành Điện.

Còn nếu điện sinh hoạt chỉ có 1 mức giá sẽ rất nhàn cho EVN trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, 1 mức giá cũng đồng nghĩa với việc hộ nghèo và người giàu cùng trả 1 mức giá điện. Như vậy, mục tiêu chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước trong giá điện không được thực thi, nếu chỉ có 1 giá thì có tới 80% số hộ sử dụng điện sẽ trả giá cao hơn so với giá bậc thang hiện nay.

PV: Trên thế giới hiện có nước nào đã và đang áp dụng 2 giá điện song hành như Bộ Công Thương đang xây dựng không, thưa ông?

PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng bằng các biểu giá phù hợp hiện có rất nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng các biểu giá điện của các nước đều dựa trên nguyên tắc phản ánh sát thực nhất chi phí mà hộ tiêu dùng gây ra cho hệ thống điện. Nói cách khác, họ đưa ra các gói sản phẩm với biểu giá khác nhau tương ứng với đặc điểm tiêu dùng của hộ tiêu sử dụng điện. Vì vậy mở rộng lựa chọn cho người sử dụng điện là phù hợp nhìn nhận từ cả hai phía: Nhà sản xuất và người sử dụng điện. 

Hiện nay, từ những nước phát triển đến các nước đang phát triển mà chúng tôi được biết, có nhiều biểu giá điện cho các khách khàng có tính chất tiêu dùng khác nhau. Nguyên tắc chung đều là phản ánh chi phí cung ứng, không có hoặc rất ít bù chéo. Đây là khác biệt lớn nhất giữa giá điện Việt Nam và giá điện của các nước.

Đến thời điểm này chúng ta chỉ có giá điện 1 thành phần cho điện năng tiêu dùng, trong khi hầu hết các nước cơ cấu giá điện đều có 2 thành phần, phần trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu dùng. Phải lưu ý rằng, quá trình cung ứng điện bao gồm cả 2 yếu tố, công suất và năng lượng. Ví dụ: Có 2 hộ cùng sử dụng sản lượng điện 24kWh/ngày, nhưng sử dụng điện theo cách khác nhau: Một hộ dùng 24kWh trong 1 giờ, nhưng có hộ dùng 24kWh trong 24h (mỗi giờ dùng 1 kWh). Nếu giá điện 1 thành phần thì 2 hộ trả cùng 1 mức hóa đơn, nhưng chi phí của hệ thống điện cung ứng cho 2 hộ hoàn toàn khác nhau. Đây là hạn chế lớn nhất của hệ thống giá điện hiện hành ở Việt Nam.

Phương án giá điện bậc thang song hành với đồng giá giúp người tiêu dùng có được sự lựa chọn, theo tôi, không cùng cách tiếp cận như các nước đang sử dụng 2 giá điện song hành. Ý tưởng này được đưa ra phần nhiều đến từ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai giá điện bậc thang vào mùa hè - một vấn đề mà từ 3-4 năm nay, năm nào chúng ta cũng gặp phải. Với những đặc điểm kinh tế kỹ thuật vô cùng khác biệt của ngành Điện và sản phẩm điện năng, giá điện đồng giá thực chất là sự cào bằng chi phí, là một phương án rất ít được lựa chọn khi nó không đạt được các mục tiêu định giá, ngoại trừ việc áp dụng là đơn giản.

PV: Theo ông, Chính phủ, Bộ Công Thương cần làm gì để có được một biểu giá điện phù hợp và ưu việt nhất?

PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Tôi cho rằng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của ngành Điện đã tốt hơn rất nhiều, điều đó có nghĩa là chúng ta đã có thể áp dụng các loại biểu giá phù hợp hơn, ưu việt hơn so với  biểu giá chỉ có 1 thành phần điện năng như hiện nay.

Tuy nhiên, sự chấp nhận một biểu giá mới là không dễ dàng đối với người tiêu dùng. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương cần có lộ trình cụ thể, có những thay đổi mang tính đột phá về xây dựng và áp dụng biểu giá điện mới, cụ thể là, các loại biểu giá 2 thành phần. Nếu cứ loay hoay với việc cải tiến bậc thang 3 bậc, 4 bậc, 5 bậc, hay đồng giá sẽ không làm thay đổi được những hạn chế của giá điện 1 thành phần và cứ đến mùa hè, vấn đề giá điện lại nóng dần theo nhiệt độ của thời tiết nhiều năm qua.

PV: Xin cảm ơn ông! 
 


  • 01/08/2020 02:35
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3106