Tiết kiệm điện đơn giản với giải pháp điều chỉnh phụ tải điện DR

“Điều chỉnh phụ tải điện” (DR) được xác định là giải pháp sử dụng điện hiệu quả đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngành Điện.

Khách hàng tự nguyện điều chỉnh giảm nhu cầu dùng điện

Điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện.

Thực hiện DR hiểu một cách đơn giản là khuyến khích khách hàng doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, việc này sẽ góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.

Như vậy, việc điều chỉnh phụ tải không chỉ tiết kiệm cho khách hàng mà còn giảm áp lực cho ngành Điện. Bởi, nếu không thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngành Điện sẽ phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện.

Mức công suất tăng cao như vậy có thể chỉ kéo dài 10-15 phút, nhưng nhu cầu vốn đầu tư lại quá lớn khiến cho giá thành sản xuất điện tăng cao, tạo áp lực lên giá bán điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng điện.

Theo cho biết, ông Nguyên, hiện đã có khoảng hơn 10.000 khách hàng tham gia chương trình.

Đại diện EVN cũng cho biết, thực hiện Quyết định 279 ngày 8/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chương trình quốc gia về quản lý DSM giai đoạn 2018-2020, định hướng tới năm 2030; Thông tư 23 của Bộ Công thương quy định nội dung, trình tự thực hiện DR, từ năm 2019, EVN đã triển khai một số sự kiện điều chỉnh phụ tải điện từ năm 2019.

Các kết quả cụ thể, năm 2019, các TCTĐL/CTĐL đã ký kết thỏa thuận với hơn 3.000 khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm; thực hiện 10 sự kiện điều chỉnh phụ tải, tiết giảm công suất cực đại được 513MW, tiết kiệm được 6,3 triệu kWh.

Năm 2021 đến nay các TCTĐL/CTĐL đã ký kết được hơn 10.000 thỏa thuận với các khách hàng để tham gia các sự kiện DR.

Dự kiến trong năm 2022, EVN sẽ thực hiện một số sự kiện điều chỉnh phụ tải điện trong một số thời điểm, ở một số khu vực, theo nhu cầu của hệ thống. EVN sẽ thông báo trước cho khách hàng phối hợp thực hiện.

Các thợ điện đang thực hiện phần thi thực hành khắc phục sự cố điện ở Hội thi thợ giỏi khối nguồn và truyền tải điện do EVN tổ chức

Cả doanh nghiệp và ngành Điện được lợi

Ông Trần Viết Nguyên cho biết, các khách hàng ký kết thỏa thuận tham gia DR tự nguyện phi thương mại được hưởng các chính sách về chất lượng và dịch vụ cung cấp điện ưu tiên cao nhất.

Như là, ưu tiên cung cấp điện; nhận các thông tin ngừng giảm cung cấp điện theo kế hoạch hoặc khẩn cấp ngay sau khi sự kiện xảy ra; rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu;

Được tham gia các sự kiện tri ân khách hàng; miễn chi phí nhân công trong các dịch vụ do khả năng cung cấp của đơn vị điện lực như: Bảo dưỡng định kỳ MBA, thí nghiệm thiết bị điện...

Việc sử dụng giải pháp DR không chỉ mang lợi ích cho khách hàng, mà hệ thống điện cũng có nhiều lợi ích. Đó là, cân bằng được cung cầu, mang lại hiệu quả kinh tế và vận hành hệ thống điện trước mắt và lâu dài. Tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao độ tin cậy, chất lượng cung cấp điện, tối ưu hóa cân bằng cung cầu. Đồng thời, giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm áp lực đầu tư nâng cấp hệ thống điện, giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Giảm công suất đỉnh của hệ thống, dịch chuyển nhu cầu sử dụng điện sang giờ thấp điểm, làm phẳng biểu đồ phụ tải, tăng hiệu quả SX-KD, giảm áp lực đầu tư xây dựng các nguồn điện mới.

Cần thêm chính sách thúc đẩy

Chương trình DR đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhiều năm nay, Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Các chương trình DSM/Điều chỉnh phụ tải điện cũng đã được nêu trong Luật Điện lực. Song, ông Nguyên cũng bày tỏ, hiện nay ở Việt Nam chúng ta đang áp dụng DR tự nguyện phi thương mại, chưa có nhiều lợi ích thiết thực, cơ chế để khuyến khích khách hàng tự nguyện tham gia DR, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Mặt khác, khi khách hàng thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) thì về nguyên tắc khách hàng cũng phải bố trí nguồn lực thực hiện, thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng, tốn kém chi phí... Do vậy, để khuyến khích khách hàng tham gia tích cực vào các chương trình DR thì Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế chính sách và nên tập trung vào các chính sách thương mại, khuyến khích tài chính.

Đối tượng trọng điểm mà chương trình “điều chỉnh phụ tải điện” DR hướng tới là các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm (có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên, bao gồm cả các khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định bàn hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ).

Link gốc


  • 10/11/2022 11:12
  • Theo baogiaothong.vn
  • 12340