Thành công trong cấp nước đổ ải có sự đóng góp to lớn của EVN

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) tại Hội nghị Tổng kết công tác lấy nước phục vụ gieo cấy và biện pháp bảo đảm nước tưới dưỡng cho lúa Đông Xuân 2014 - 2015 trong điều kiện thời tiết ấm khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ diễn ra vào ngày 17/3/2015 tại Hà Nam.

Sớm hoàn thành kế hoạch lấy nước

Vụ Đông Xuân năm 2014-2015, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy tổng cộng 631.883 ha đất lúa. Để bảo đảm cung cấp đủ nước cho việc làm đất phục vụ gieo cấy, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương thống nhất điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng làm 3 đợt lấy nước với thời gian tổng cộng 19 ngày. Thực tế, do tiến độ lấy nước được thực hiện nhanh hơn dự kiến, thời gian lấy nước được rút ngắn tổng cộng 3,5 ngày, gồm: 2 ngày của đợt 2 và 1,5 ngày đợt 3.

Trong thời gian 3 đợt lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã được duy trì ở mức trung bình cao hơn 2,2 mét. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện 3 đợt là 5,07 tỷ m3 nước (đợt 1 là 1,58 tỷ m3, đợt 2 là 2,22 tỷ m3, đợt 3 là 1,26 tỷ m3).

Ông Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá: “Việc tổ chức lấy nước được thực hiện tốt, tiến độ lấy nước đồng đều giữa các vùng, không bị chênh lệch lớn, đây là điều kiện thuận lợi cho việc điều hành rút ngắn thời gian xả nước, bảo đảm tiết kiệm nước. Đặc biệt, các khu vực có tiến độ lấy nước thường xuyên chậm các năm trước đây, như: Bắc Đuống (Bắc Ninh), Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên)…, tốc độ lấy nước đã được cải thiện nhiều”.

Kết thúc các đợt lấy nước, diện tích chưa được cấp đủ nước đều là các diện tích gieo cấy muộn, trong kế hoạch dự kiến của các địa phương, được tưới bằng nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi (các diện tích thuộc tỉnh Bắc Giang), đã tích trữ trong hệ thống sông nội địa, kênh, mương, lợi dụng thủy triều…và bằng các trạm bơm dã chiến dọc sông Hồng (có khả năng vận hành ngay khi mực nước sông xuống thấp). So với năm 2014, nguồn nước cấp cho các diện tích chưa đủ nước khi kết thúc các đợt xả được chủ động hơn, không cần thực hiện phương án tiếp nguồn nước từ các hệ thống khác.

Tổng lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện giảm so với năm 2014 gần 700 triệu m3. Dòng chảy trong các hệ thống công trình thủy lợi được cải thiện, kể cả các khu vực thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước ở các năm trước, như: Bắc Đuống, Nam Đuống (tỉnh Bắc Ninh), Văn Giang, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên).

Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, phục vụ đảm bảo nguồn nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Ảnh X.Tiến

EVN đảm bảo tốt 2 nhiệm vụ

“Có thể nói, việc rút ngắn được thời gian xả nước 3,5 ngày giúp tiết kiệm khoảng 1 tỷ m3 nước. Có được thành công này do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của các đơn vị, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Tổng cục Thủy lợi, EVN và các địa phương. Trong đó EVN đã thực hiện rất tốt 2 nhiệm vụ: cấp đủ nước cho nông nghiệp và đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ công tác bơm nước”, ông Tỉnh cho hay.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trao Bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc EVN là: Ban Kỹ thuật sản xuất và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; ông Đỗ Mộng Hùng – Trưởng ban KTSX; ông Vũ Xuân Khu – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; ông Trần Văn Lợi – chuyên viên Ban Kinh doanh (EVN) vì có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, phục vụ đảm bảo nguồn nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Đỗ Mộng Hùng – Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN) cho rằng: Tổng lượng nước xả năm nay ít hơn năm 2014 do có yếu tố thuận lợi mưa trước đợt 1 và trong đợt 3, nếu không tổng lượng nước phải xả phải trên 6 tỷ m3. Ông Hùng cũng đưa ra số liệu trong những năm gần đây, tổng lượng nước phải xả phục vụ cho vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đều tăng. Cụ thể năm 2008 (3,68 tỷ m3), năm 2013 (4,699 tỷ m3), năm 2014 (5,77 tỷ m3).

Hiện nay nguồn nước cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phần lớn được lấy từ hồ chứa thủy điện (Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang). Tuy nhiên nguồn nước không phải vô tận, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và cho việc đảm bảo môi trường. 

Với việc đưa 5,07 tỷ m3 nước xuống hạ lưu chiếm dung tích hữu ích của 3 hồ rất lớn, đồng thời làm giảm mức nước tại các hồ đáng kể. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu phát điện trong mùa khô năm 2015. Bởi thủy điện chiếm tới 40% công suất của toàn hệ thống, nếu mực nước các hồ thủy điện xuống thấp sản lượng điện, công suất của các tổ máy sẽ giảm và như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh cung cấp điện.

"Vì thế, trong những năm tới, EVN đề nghị Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các địa phương bơm vét trữ nước trong hệ thống, bơm vét nước từ dòng chính ở mức nước thấp và nạo vét các đầu hút, triển khai các trạm bơm dã chiến ra ngoài dòng sông chính để tận thu nguồn nước, sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên quốc gia, vừa đảm bảo điện cho phát triển kinh tế vừa sẵn sàng được nguồn nước để đảm bảo vụ Đông Xuân hiệu quả", ông Đỗ Mộng Hùng cho biết.

- Ông Nguyễn Văn Mạnh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam: EVN đã thực hiện rất tốt vai trò cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh nguy cơ hạn hán kéo dài như hiện nay, nguy cơ các hồ thủy điện cạn kiệt là rất lớn, nhưng EVN chia sẻ lợi ích doanh nghiệp cấp đủ nước cho vụ Đông Xuân, đó là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tôi nghĩ không ai có thể phủ nhận vai trò của EVN đối với sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

- Ông Phạm Văn Long -  Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc: Bên cạnh việc xả nước phục vụ nông nghiệp, EVN đã đảm nhận rất tốt vai trò đảm bảo nguồn điện ổn định cho các trạm bơm. Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, phần lớn các trạm bơm động lực sử dụng điện, vì thế Công ty điện lực Vĩnh Phúc luôn sát cánh cùng chúng tôi kiểm tra trước, trong khi bơm nước, đảm bảo cấp điện mọi thời điểm chúng tôi yêu cầu. Thành công trong công tác lấy nước đổ ải tại Vĩnh Phúc chính là sự đóng góp của ngành Điện lực Việt Nam.

 


  • 18/03/2015 06:21
  • Xuân Tiến
  • 3632


Gửi nhận xét