Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 3/2022

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC; HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW

1. Tình hình thời sự, chính trị trong nước

1.1 Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 21/2, tại Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó tập trung xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với 3 nội dung chính là xóa bỏ quan liệu bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có tính chất lịch sử; chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược đến năm 2030. Việt Nam đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng sức mạnh tổng hợp quốc gia, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước sau 35 năm Đổi mới. Đây cũng là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Trước mắt, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam tập trung các giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, ổn định nguồn nhiên liệu; hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; trọng tâm là ưu tiên các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng, logistics… Đặc biệt là phát triển thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường tài nguyên, thị trường khoa học công nghệ, trí tuệ theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

1.2. Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Từ ngày 15 - 17/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 8 để tập trung cho công tác lập pháp, cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, liên quan đến công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai dự án luật là Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. 

Liên quan đến công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và cho ý kiến về việc lựa chọn bộ, ngành, địa phương để tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu, phục vụ cho các mục tiêu giám sát trong thời gian tới. Đây là chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội khóa XV và cũng đề cập đến vấn đề hết sức quan trọng đó là vấn đề quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới.

1.3. Bảo đảm chất lượng, tiến độ tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Sáng 10/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, đến nay, sau 10 năm cần tổng kết, đánh giá lại trong tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và tình hình phát triển đất nước, tình hình thế giới hiện nay. Chủ tịch nước khẳng định nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân góp phần tạo nên thành quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này. Theo đó, đã tập trung xây dựng các thể chế phát triển, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Chủ động đi trước, đón bắt, nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh trật tự trong toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Cùng với đó, đối ngoại được tăng cường, tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với quốc phòng - an ninh và lực lượng vũ trang. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; các quân chủng, binh chủng ngày càng đáp ứng yêu cầu tốt hơn trong tình hình mới…

2. Điểm một số hoạt động của Đảng ủy Khối DNTW

Chiều 18/2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm phổ biến, triển khai các quy định, quyết định của Ban Bí thư: Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống; Quy định số 48-QĐ/TW ngày 20/12/2021 về chức năng của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước; Quyết định số 54-QĐ/TW ngày 11/1/2022 về ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với ban cán sự đảng bộ, ngành và đảng đoàn các cơ quan Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Cùng với việc thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến các quy định, quyết định của Ban Bí thư, một số đại biểu mong muốn Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sớm có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng đơn vị, nhất là làm rõ cơ chế phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trong triển khai quán triệt Quy định số 47-QĐ/TW, Quy định số 48-QĐ/TW, Quyết định số 54-QĐ/TW của Ban Bí thư; đồng thời nêu rõ, đây là bước thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong quán triệt và triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Đồng chí lưu ý, sau Hội nghị này, cấp uỷ các cấp quán triệt đúng nội dung của các quy định, quyết định, nhất là tập trung vào những điểm mới được sửa đổi, bổ sung; làm rõ những điểm xuất phát từ quy định mới của Đảng, Nhà nước cũng như xuất phát từ thực tiễn; từ đó nhận thức, tổ chức thực hiện sâu sát, chặt chẽ hơn.

Đồng chí yêu cầu Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị và theo dõi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, Quy định số 48-QĐ/TW, Quyết định số 54-QĐ/TW. Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đề xuất, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ

1. Ngày 23/02, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Tập đoàn  đã tổ chức Hội nghị định kỳ nhằm thông báo kết quả hoạt động năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động; các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu đề ra phương hướng nhiệm vụ nhằm nâng cao hoạt động của BCĐ Cuộc vận động theo nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động số 12-CTr/ĐU, ngày 09/12/2021 của Đảng ủy Tập đoàn và xây dựng Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo.

2. Trong tháng 2, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch, chương trình năm 2022.

Đồng thời, triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, đảng viên, người lao động; tuyên truyền, giáo dục các nội dung về truyền thống của ngành, của đơn vị, tuyên truyền các hoạt động nổi bật của Tập đoàn, như: việc EVN đảm bảo thực hiện xả nước từ các hồ thủy điện phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; EVN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết Thỏa thuận hợp tác; Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố Hệ sinh thái số EVNCONNECT; EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022; nỗ lực triển khai thi công xuyên Tết một số công trình lưới truyền tải điện cấp bách; tuyên truyền về Đảng bộ Tập đoàn nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp tục truyền thông nội bộ về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo duy trì vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia...

Đảng ủy Tập đoàn đã có văn bản gửi Đảng ủy Khối DNTW đề nghị Thành ủy Đà Nẵng chuyển giao Đảng bộ Công ty Thủy điện Sông Tranh; đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An chuyển giao Đảng bộ Công ty Thủy điện Bản Vẽ về trực thuộc Đảng ủy Tổng công ty Phát điện 1. Đồng thời có văn bản đề nghị Đảng ủy Khối DNTW có văn bản báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét chấp thuận chuyển giao Đảng bộ Công ty Thủy điện Đồng Nai về trực thuộc Đảng ủy Tổng công ty Phát điện 1.

III. TIN THAM KHẢO

1. Theo Báo cáo nhanh Tổng kết công tác lấy nước phục vụ gieo cấy Vụ Đông Xuân 2021-2022 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ  của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đánh giá đã tổ chức vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện để bổ sung nguồn nước theo yêu cầu và tiết kiệm lượng xả, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động. 

Theo đó, EVN đã xây dựng kế hoạch vận hành và xả nước từ các hồ thủy điện phía Bắc (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) và đảm bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy. EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước, đảm bảo kế hoạch cung cấp điện; đồng thời điều tiết các hồ chứa duy trì mực nước tại Hà Nội ở mức hợp lý để tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo hiệu quả cao nhất của 3 đợt lấy nước tập trung và đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2022 cho hệ thống điện Quốc gia. EVN cũng yêu cầu các Công ty Điện lực rà soát, kiểm tra và chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện trong suốt thời gian lấy nước tập trung (từ ngày 04/01/2022 đến 17/02/2022) và sau các đợt lấy nước để phục vụ bơm dẫn nước. Đặc biệt, để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện, EVN và các Công ty Thủy điện liên quan đã chủ động đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố chỉ đạo ngay các địa phương chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi. Ngoài ra cần lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện. Các đơn vị của ngành Điện lực cũng đề nghị các Công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.

2. Nhân dịp 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), thay mặt Ban lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã gửi thư chúc mừng các y, bác sĩ, cán bộ chăm sóc sức khỏe trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong thư, Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân đã thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn gửi lời chúc các y, bác sỹ, cán bộ chăm sóc sức khỏe đã, đang công tác trong Tập đoàn và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tổng Giám đốc ghi nhận công sức chăm sóc sức khỏe CBCNV trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 lan tràn trên diện rộng, diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian qua đã được thực hiện tốt, kịp thời; đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ chăm sóc sức khỏe của Tập đoàn đã không quản ngày đêm, thực hiện nhiều biện pháp tích cực đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, có nhiều y, bác sỹ tình nguyện tham gia tư vấn theo dõi điều trị cho CBCNV bị nhiễm bệnh; Đồng thời, Tổng Giám đốc Trần Đình nhân cũng tin tưởng trong năm 2022 với tinh thần đoàn kết và nỗ lực vượt khó, phát huy truyền thống 68 năm ngành Điện và 67 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, các y, bác sỹ, cán bộ chăm sóc sức khỏe cùng toàn thể CBCNV trong Tập đoàn tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, sẽ tiếp tục phấn đấu với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được giao.

3. Ngày 22/2, tại Thái Bình, Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Công ty Nhiệt điện Thái Bình phát động Tết trồng cây năm 2022 và triển khai trồng gần 200 cây xanh hưởng ứng chương trình trồng mới và chăm sóc 1 triệu cây xanh trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

4. Tốc độ triển khai chuyển đổi số tại EVN nhanh hơn dự kiến, là khẳng định của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân. Năm 2021, EVN đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực, nhờ đó giảm thiểu được tác động xấu từ dịch bệnh COVID-19 đến các hoạt động của tập đoàn. Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý và CBCNV, từ chỗ còn hiểu khác nhau đến việc có nhận thức chung, cùng hướng về mục tiêu chung trong chuyển đổi số. Đến nay, chuyển đổi số ở EVN đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của tập đoàn đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Trong công tác quản lý kỹ thuật, EVN đã chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trên hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS; áp dụng phương pháp RCM, CBM trong quản lý sửa chữa, bảo dưỡng để tăng cường hiệu quả; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện bất thường trong hoạt động sản xuất…Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số: tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; tỷ lệ giao dịch qua môi trường trực tuyến đạt trên 99%. EVN cũng đã áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, giúp khách hàng có thể kết nối với dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, 24/7; Trong đầu tư xây dựng, tập đoàn đã tạo ra môi trường làm việc giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thông qua nhật kí thi công công trình điện tử và chữ ký điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát xây dựng, kiểm tra chất lượng và kiểm soát nhân lực thi công; ứng dụng quản lý xây dựng qua hệ thống BIM, khảo sát 3D…Đặc biệt, trong công tác đấu thầu, 99% số gói thầu của EVN đã được thực hiện qua mạng. Trong công tác truyền thông, EVN cũng đã sử dụng những phương tiện truyền thông số để truyền thông hiệu quả hơn như Fanpage, Youtube...Có thể nói, quá trình chuyển đổi số tại EVN trong một năm qua đã đi nhanh hơn dự kiến. Tổng Giám đốc cũng cho rằng, có 2 khó khăn lớn mà EVN phải đối mặt. Thứ nhất, các công nghệ chuyển đổi số thay đổi rất nhanh chóng nên EVN và các đơn vị rất khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ nào là phù hợp, tiên tiến nhất; thứ hai, về nhân lực. Chuyển đổi số đòi hỏi cách làm mới, đòi hỏi năng lực của người lao động phải được nâng cao và thích ứng. Người lao động không chỉ phải am hiểu nghiệp vụ mà còn phải biết sử dụng công cụ công nghệ số. Trong khi đó, EVN là doanh nghiệp nhà nước, không thể nhanh chóng có một cơ chế tiền lương hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao phù hợp với hoạt động chuyển đổi số. Ngoài ra, chúng ta đang ở trong bối cảnh nguồn lượng tái tạo với tỷ trọng thâm nhập cao và tính phân tán; trong bối cảnh sẽ triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đòi hỏi EVN và các đơn vị phải thay đổi cách làm, cách vận hành hệ thống điện, thị trường điện một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG ƯƠNG, ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW VÀ ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN

1. Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Ngày 05/01/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

3. Ngày 08/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg  về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

4. Trong tháng 12/2021 và tháng 01/2022, Ban Bí thư đã ban hành các quy định, quyết định liên quan đến công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:

- Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống;

- Quy định số 48-QĐ/TW, ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước;

5. Ngày 28/01/2022, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 37-KH/ĐUK của Ban chấp hành Đảng bộ Khối về việc thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

6. Ngày 25/02/2022 Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Hướng dẫn số 11-HD/BTGĐUK  về công tác văn hóa - văn nghệ năm 2022.

7. Ngày 17/02/2022, Tập đoàn đã ban hành Văn bản số 713/EVN-TCNS gửi các đơn vị thành viên nhằm tăng cường quán triệt thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện và phòng, chống dịch có hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 và Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 về Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế.

Xem file tại đây.

 

 


  • 04/03/2022 11:27
  • Ban Truyền Thông EVN
  • 7249