Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 10/2022

15:55, 04/10/2022

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC; HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW

1. Tình hình thời sự, chính trị trong nước

Ngày 1/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực; Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ. GDP 9 tháng tăng 8,83% (cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,99%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; dịch vụ tăng 10,57%. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua), tăng 16,3%; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thiện thể chế, pháp luật, xây dựng quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Đã cơ bản hoàn thành rà soát, ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, các dự án yếu kém được tập trung xử lý, có hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền trên tinh thần không hợp thức hóa cái sai nhưng có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải phóng các nguồn lực, như đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; triển khai xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Nhiệt điện Long Phú 1, Ô Môn, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Lào Cai, cơ sở 2 của các Bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức… Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Về quan điểm chỉ đạo điều hành thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Đại hội đảng bộ địa phương; cụ thể hóa thành các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp, chính sách. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường huy động các nguồn lực, trong đó nội lực là cơ bản, là chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Kế thừa, phát huy và nhân rộng những kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình tốt; khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kịp thời báo cáo những vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, liên kết nội bộ và giữa các bộ, ngành, địa phương, vùng; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, ngành, vùng, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của mỗi vùng, của cả nước. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; bám sát thực tiễn để chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời; kỷ luật nghiêm minh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi, đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới. Đẩy mạnh hơn nữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian "nước rút" để "về  đích". Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo tinh thần chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác. Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực, thông tin; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là dịp cuối năm, lễ, Tết...; theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 124/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị gần đây. Thủ tướng nhấn mạnh, vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…

Thúc đẩy cơ cấu lại, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phát triển mạnh thị trường trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, lập quy hoạch; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; tạo nền tảng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách đầu tư, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế và chính trị, xác định văn hóa là một nguồn lực phát triển; đặc biệt quan tâm các chính sách xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, người yếu thế, người có công; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chuẩn bị chu đáo các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA); làm tốt công tác bảo hộ công dân. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cơn bão Noru rất mạnh vừa qua tại các tỉnh miền Trung. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

2. Điểm một số hoạt động của Đảng ủy Khối DNTW

2.1. Ngày 29/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ thường kỳ. Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào tờ trình về việc phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp ủy các đảng ủy trực thuộc, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030; ờ trình về xem xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ; báo cáo kết quả thực hiện Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 09/3/2010 của Ban Tổ chức Trung ương; tờ trình về việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về lấy phiếu tín nhiệm; trình ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; quy định giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp, đơn vị thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương và các nội dung khác

2.2. Ngày 26/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý bằng hình thức trực tiếp. Tại Hội nghị, Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra khuyến nghị thực hiện một số giải pháp, trong đó cần coi trọng đầu tư, chuẩn bị cả về con người và phương tiện hiện đại cho nhiệm vụ đối phó với những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm có lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi; luôn nắm vững tình hình, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, các cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh chống khủng bố, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế, với các tổ chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trong đối phó với các mối đe dọa ANPTT; tập trung vào các vấn đề về đào tạo, huấn luyện, diễn tập, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp,... góp phần giảm thiểu tác động của các nguy cơ ANPTT đối với nước ta nói chung.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ

1. Ngày 30/9, tại Hà Nội, đồng chí Dương Quang Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy EVN phiên tháng 9/2022. Hội nghị đã tiến hành nhiều nội dung quan trọng như: thông qua Báo cáo kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm công tác 3 tháng cuối năm 2022; báo cáo nội dung một số văn bản mới về công tác cán bộ (Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Thông báo số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 của Ban Bí thư về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật).

Ban Thường vụ cũng thông qua nội dung nhiều báo cáo khác như: sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/ĐU ngày 17/7/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong tình hình mới; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/ĐU ngày 01/4/2019 về nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

2. Ngày 26/9, tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tham dự hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định 164-QĐ/TW. Hội nghị do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức. Hội nghị được nghe Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày chuyên đề “chủ động phòng ngừa, ứng phó với những nguy cơ tác động của an ninh phi truyền thống với yêu cầu chủ động bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”. Với kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, đồng chí báo cáo viên đã tập trung nhấn mạnh vào những nội dung về an ninh phi truyền thống; Những thách thức an ninh phi truyền thống trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tội phạm mới nổi lợi dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thay đổi phương thức, biện pháp hoạt động; Yêu cầu đặt ra với Việt Nam và định hướng, giải pháp trong thời gian tới. Thông qua nội dung chuyên đề tại hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.

III. TIN THAM KHẢO

1. Chiều 6/9, tại Hà Nội, Đồng chí Trần Đình Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì cuộc họp rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư công của EVN theo kế hoạch năm 2022. Tại buổi làm việc, EVNNPC và EVNSPC báo cáo chi tiết về tình hình triển khai giải ngân vốn đầu tư công và những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022. Tổng Giám đốc Tập đoàn yêu cầu các ban chuyên môn của EVN, EVNNPC và EVNSPC cần tiếp tục sâu sát, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh công tác giải ngân, tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả.

2. Ngày 26/9, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trung tâm đã làm việc với một số doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban về công tác chuyển đổi số. Theo ông Hồ Đức Thắng - Giám đốc Trung tâm đánh giá mặc dù không phải là một đơn vị chuyên về công nghệ thông tin và viễn thông, nhưng EVN đã có mức độ chuyển đổi số rất cao. Ông Hồ Đức Thắng nhấn mạnh và mong rằng, trong thời gian tới, EVN sẽ đồng hành cùng Ủy ban và nằm trong nhóm những đơn vị dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong Ủy ban triển khai chuyển đổi số.

3. Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức ngày 23/9 tại Hà Nội. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng chí Ngô Sơn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng giám đốc EVN có bài tham luận tại hội thảo, trong đó kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội Việt Nam phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.

4. Sáng ngày 28/9/2022, cơn bão số 4 (NORU) đã đi vào đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14. Do ảnh hưởng bão, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã có gió mạnh, nhiều nơi có mưa lớn và mưa cũng tiếp tục mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Bão số 4 và hoàn lưu bão đã gây ảnh hưởng cung cấp điện cho nhiều khu vực tại nhiều các tỉnh/ thành phố ở miền Trung và Tây Nguyên. Mưa lớn kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước, hiện nay, các đơn vị Điện lực tại miền Trung đang tập trung nỗ lực khắc phục các sự cố điện do ảnh hưởng bão đồng thời tập trung nhân lực phối hợp với lực lượng công an, quân đội hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG ƯƠNG, ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW VÀ ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN

1. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 17/8/2022 về việc thực hiện Nghị quyết.

2. Ngày 02/8/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo Kết luận số 224/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Công văn số 957-CV/ĐUK, ngày 23/8/2022 của Đảng uỷ Khối  về việc thực hiện Thông báo Kết luận số 224/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ, đề nghị các đảng uỷ trực thuộc và các ban, đơn vị của Đảng uỷ Khối nghiêm túc triển khai, thực hiện tốt các nội dung.

3. Ngày 31/8/2022, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành  Quyết định 930-QĐ/ĐUK về việc chuẩn y đồng chí Cao Quang Quỳnh - Ủy viên BCH Đảng bộ, Thành viên Hội đồng thành viên EVN giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy EVN nhiệm kỳ 2020-2025.

4. Ngày 31/8/2022, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành  Quyết định 931-QĐ/ĐUK về việc chỉ định đồng chí Đinh Thế Phúc -Thành viên Hội đồng thành viên EVN tham gia Ban chấp hành Đảng bộ EVN nhiệm kỳ 2020-2025. Trước đó, đồng chí Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên EVN (theo Quyết định số 345/QĐ-UBQLV ngày 27/7/2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp).

Xem file Tại đây.


Ban Truyền Thông EVN

Share