Sẽ đấu thầu dự án điện mặt trời

Bộ Công Thương đang phối hợp các cơ quan để xây dựng cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, giá FIT (giá hỗ trợ) được áp với điện mặt trời cố định thời gian dài sẽ được bỏ, thay đổi tùy theo dự án đấu thầu.

Bỏ cơ chế giá cố định

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu và chính nhà đầu tư sẽ ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất. Mục đích của việc đấu thầu này nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) vì mục đích sử dụng là chính, chứ không phải lắp để “đẩy hết công suất lên lưới” bán với một mức giá như trước đây và quy mô dự án càng lớn, giá mua sẽ thấp hơn. Dự kiến dự thảo này nếu được thông qua, có thể sẽ thay thế một phần Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT vốn đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.

Trước đó, cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất cơ chế đấu thầu cho các dự án ĐMT, trong đó đề xuất 3 phương án. Cụ thể, đấu thầu cho từng dự án để bổ sung vào quy hoạch trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh và Viện Năng lượng thẩm định. Các dự án được lựa chọn là những dự án lớn, có điều kiện thuận lợi về bức xạ và điều kiện đấu nối tốt. Phương án 2 là đấu thầu đại trà cho những dự án điện do các tỉnh đề xuất, đã phù hợp với quy hoạch đất đai của các tỉnh, chủ đầu tư chịu trách nhiệm các công trình đấu nối đến lưới điện do EVN sở hữu. Phương án 3 là đấu thầu theo khu vực, áp dụng cho tất cả các chủ đầu tư có nhu cầu, đấu thầu tại các khu vực hoặc trạm biến áp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hoàn toàn ủng hộ phương án đấu thầu các dự án ĐMT và bỏ quy định giá FIT kéo dài cả 20 năm như hiện nay. “Trên thế giới, giá FIT là cơ bản nhưng nó liên tục thay đổi và xu hướng sẽ giảm. Giá FIT là phải “fit” (phù hợp - NV), để cố định đến 20 năm là không “fit” rồi. Các nước thậm chí 10 năm thay đổi liên tục từ 8 - 9 lần. Lựa chọn đấu thầu giá ĐMT theo từng dự án là phương án tối ưu trong tình hình hiện nay”, ông Long nhận định. “Thực tế, cơ chế hỗ trợ giá cố định (giá FIT) trong 20 năm đã bộc lộ một số mặt hạn chế như quá tải đường truyền khi các nhà đầu tư ồ ạt làm ĐMT mái nhà để tranh giá ưu đãi gần hết hạn như trong thời gian qua. Đấu thầu dự án ĐMT là phương án tối ưu nhằm ngăn tình trạng loại hình năng lượng này phát triển ồ ạt, dẫn tới tắc nghẽn lưới truyền tải như hiện nay. Ngoài ra, chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng dự án thành công cao hơn và tránh những rủi ro dễ xảy ra về chất lượng, rủi ro về môi trường trong tương lai”, ông Long nói.

Nếu đề án này được thông qua, từ sau năm 2021, các dự án điện mặt trời sẽ được đấu thầu công khai.

Tiến đến thị trường mua bán điện bình đẳng

Thực tế, câu chuyện đầu tư ĐMT cũng gây nên một số hệ lụy “dở khóc dở cười” cho không ít nhà đầu tư, khi điện sản xuất ra nhưng không thể phát lên do quá tải đường truyền. Đó là hậu quả từ việc phát triển nóng, ồ ạt mà chính cơ quan quản lý không lường trước được. Thế nên, trong thời gian qua, không ít chỉ đạo mang tính “xử lý sự vụ” khiến nhà đầu tư hoang mang. Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát lại các dự án ĐMT. Mục đích để cơ quan này có cơ sở nghiên cứu và đề xuất tiếp giải pháp vận hành có hiệu quả trong thời gian tới, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là vấn đề mấu chốt được nhà đầu tư quan tâm.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), phân tích: "Giai đoạn trước, để khuyến khích chuyển đổi nhu cầu sử dụng điện sang năng lượng điện tái tạo, nhà nước đưa ra giá mua điện tương đối cao. Từ đây, người người, nhà nhà chuyển qua lắp đặt ĐMT để hưởng giá ưu đãi. Tuy nhiên hiện nay ĐMT đã phát triển nhiều, thậm chí ồ ạt, gây nhiều hệ lụy tiêu cực về đường truyền tải. Việc tổ chức đấu thầu các dự án vừa phù hợp với cơ chế thị trường, vừa là biện pháp tốt để điều tiết thị trường, đưa ĐMT phát triển đúng hướng một cách có kiểm soát".

Theo ông, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mang đến nhiều tác động cho thị trường ở 2 phương diện: giá và chất lượng. Muốn đấu thầu sẽ phải xây dựng bộ tiêu chuẩn căn bản về công nghệ, trình độ, chất lượng... Hội đồng đấu thầu sẽ là cơ quan đánh giá, đơn vị nào chất lượng tốt hơn, đảm bảo kỹ thuật, tiến độ, thời gian tối ưu hơn thì được chọn. Cùng với đó, cuộc cạnh tranh về giá cũng góp phần thiết lập mặt bằng giá thấp hơn, hợp lý hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Tất nhiên về nguyên tắc, công tác đấu thầu phải thực hiện đúng theo luật Đấu thầu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, cuối cùng mang lại giá trị tốt nhất cho xã hội. Tuy nhiên cũng giống như các công trình hạ tầng, đường sá, đất đai... khó có thể tránh khỏi những tiêu cực, sai sót. Để thành công đấu thầu các dự án ĐMT mái nhà, sau đó mở rộng ra tất cả các dự án ĐMT khác, cần có thời gian để theo dõi, ghi nhận góp ý, điều chỉnh và hoàn thiện dần về mặt pháp lý”, vị này lưu ý.

Link gốc


  • 06/04/2021 05:36
  • Nguồn: thanhnien.vn
  • 32719