Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam

Là chủ đề Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 diễn ra mới đây tại Hà Nội. Diễn đàn do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ các cơ hội phát triển, các vấn đề nổi cộm, các thiết bị công nghệ tiên tiến phù hợp, các giải pháp trong lĩnh vực này; tập trung vào các vấn đề giải quyết các vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện khí và điện gió theo quy hoạch, là căn cứ khoa học để đề nghị các cấp thẩm quyền sớm ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp, thực thi hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các cam kết quốc tế về ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Việt Nguyễn

Điện khí được coi là không thể thiếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang ít phát thải carbon. Sự linh hoạt về công suất của điện khí hết sức cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ công suất điện năng lượng tái tạo gia tăng. Tuy nhiên giá điện khí LNG khá cao và phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới. Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn để tránh được các rủi ro về giá do các xung đột địa chính trị trên thế giới gây ra.

Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng – kho – hệ thống tái hóa khí – đường ống – nhà máy điện. Cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để đảm bảo hiệu quả chuỗi dự án.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Một dự án điện gió ngoài khơi cần 6 - 7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong). Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Mặc dù các thiết bị chính phải nhập khẩu, những thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được. Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy tiềm năng.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ các nội dung như: Quy hoạch và các giải pháp phát triển chuỗi điện khí LNG của Việt Nam; quy trình cấp phép khảo sát và tiến độ quy hoạch không gian biển quốc gia; các thế mạnh của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam; các cơ chế, chính sách cho các dự án phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Các vấn đề có liên quan đến yêu cầu về chuyển dịch năng lượng đảm bảo Net zero vào năm 2050…

Các đại biểu đã nêu vướng mắc cũng như các rào cản, thách thức trong triển khai phát triển hạ tầng nguồn điện khí LNG và điện gió, cho thấy còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, ban tổ chức sẽ tổng hợp gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành các quy định phù hợp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, công nghệ trong và ngoài nước, nhất là tạo điều kiện để triển khai các dự án năng lượng tái tạo, phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.