Năm 2021, Hà Nội phấn đấu sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng trên 7,5%

Đây là một trong số các chỉ tiêu cụ thể về phát triển điện lực Thành phố Hà Nội (Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 3/3/2021) của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, năm 2021.

Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp cùng các thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố đôn đốc, hướng dẫn EVNNPT, EVNHANOI nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh, truyền tải điện năng năm 2021.

Sản lượng điện thương phẩm năm 2021 phấn đấu từ 21.528 đến 21.650 triệu kWh, tăng trưởng 7,5-8,1% so với năm trước. Trong điều kiện không lý tưởng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm từ 20.735 đến 20.834 triệu kWh, tăng trưởng 3,5-4% so với năm trước. Tỷ lệ tiết kiệm điện khoảng 2,2% trên tổng sản lượng điện tiêu thụ.

Trong đó, tăng dần tỉ lệ các trạm biến áp cấp điện áp 110kV vận hành không người trực điều khiển từ xa và tiếp tục ngầm hóa đường dây điện cao, trung, hạ áp tại các quận nội thành. Tập trung triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử tiến tới áp dụng chủ yếu công nghệ đo xa tự động trong kinh doanh bán lẻ điện. Khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt lưới điện theo tiêu chí bán kính cấp điện tại khu vực đô thị không quá 250m, khu vực nông thôn, vùng núi không quá 600m, bảo đảm giảm tổn thất điện năng và chất lượng điện áp cuối nguồn.

Thành phố cũng triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển Điện lực đã được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 và các công trình chuyển tiếp từ giai đoạn trước, phấn đấu đóng điện 5 công trình 500/220kV và 17 công trình 110kV, khởi công 21 công trình mới đạt mục tiêu lưới điện truyền tải, phân phối vận hành an toàn, tin cậy không để thiếu hụt nguồn cấp điện trong mọi tình huống.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ từng bước chuyển đổi cơ bản cấp điện áp trung gian về 22kV để đồng bộ thiết bị vận hành, giảm tổn thất năng lượng. Chú trọng đến chất lượng điện năng khu vực nông thôn tiến tới mạch vòng khép kín nhằm cải thiện mức độ an toàn, ổn định phục vụ cuộc sống người dân và phát triển nông nghiệp nông thôn. Tăng cường các giải pháp quản lý, giảm thiểu các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, phấn đấu đạt trên 30% tỷ lệ giảm thiểu các trường hợp vi phạm so với năm 2020; quyết tâm không để tái diễn hay phát sinh các vi phạm mới, ngăn ngừa ngay từ đầu các sự cố điện liên quan đến đào cắt đường hoặc thi công vi phạm khoảng cách hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.