Mùa mưa lũ sẽ đến sớm, rà soát vận hành các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng

Nhận định của các cơ quan chuyên môn, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9 ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa lũ năm 2022 ở lưu vực sông Hồng sẽ xuất hiện sớm hơn.

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022 trước mùa mưa bão năm nay (từ ngày 15/6). 

Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, cùng lãnh đạo các công ty thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà.

Thủy văn có những diễn biến phức tạp

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong 2-3 ngày tới, sau đợt nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ, dự báo Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa giông diện rộng, lượng mưa trung bình khoảng 100-250mm. Dự báo xa hơn, trong tháng 6, tại khu vực Bắc bộ, đặc biệt là Tây Bắc, Việt Bắc sẽ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%; tháng 7, cao hơn 10-30%; tháng 8, cao hơn 5-15%; tháng 9, cao hơn 15-30%; riêng tháng 10-11, lượng mưa ở Bắc Bộ thấp hơn từ 15-20% so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa lũ năm 2022 ở lưu vực sông Hồng sẽ xuất hiện sớm hơn. Đỉnh lũ trên các sông suối ở lưu vực sông Hồng cũng cao hơn năm 2021. Đỉnh lũ trên lưu vực sông Đà xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn so với năm 2021.

Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết: Năm nay, với dự báo lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9 cao hơn so với trung bình nhiều năm, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các hồ thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng đã tiến hành tổng kiểm tra công trình, các thiết bị cơ khí, thủy công, hệ thống thông tin liên lạc hạ du, hệ thống trạm quan trắc giám sát, rà soát phương án ứng phó thiên tai… 

Ông Hải cho biết thêm, để theo dõi tình hình vận hành hồ chứa, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã ký hợp đồng với sáu đơn vị tư vấn để tính toán hỗ trợ ra quyết định điều hành liên hồ chứa trong mùa lũ từ 15/6/2022 đến 15/9/2022. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác trực ban vận hành hồ chứa trong năm 2022.

Đảm bảo an toàn hồ chứa, sử dụng nguồn nước hiệu quả

Trước mùa mưa bão sắp tới, các công ty thủy điện của EVN trên lưu vực sông Hồng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống quan trắc; triển khai áp dụng công nghệ mới vào hệ thống thu thập quan trắc từ xa, hiển thị dữ liệu theo thời gian thực, tự động cảnh báo và báo cáo định kỳ để giám sát online từ xa các công trình, đảm bảo quản lý an toàn, ổn định đập và hồ chứa. Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các công ty tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung, xây dựng các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai, phương án đảm bảo thông tin liên lạc,...

Các công ty đã tổ chức xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo khu vực hạ du như loa phóng thanh, biển cảnh báo, còi hú. Tại các nhà máy đều trang bị hệ thống camera giám sát xả nước, tín hiệu được truyền trực tiếp về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và các đơn vị liên quan. 

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN nêu các kiến nghị tại cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Các nhà máy thuỷ điện thuộc EVN đang được huy động tối đa, đặc biệt các nhà máy thuỷ điện trên sông Đà, công suất chạy 24/24 giờ. Năm nay, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, khí tăng rất cao, dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng cao. Vì vậy, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đề xuất, ngoài yếu tố đảm bảo an toàn về thiên tai, Ban Chỉ đạo cần có những tính toán để sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các hệ thống sông để vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa sử dụng nguồn nước hiệu quả, kinh tế.

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, cho biết: Ban Chỉ đạo đã xây dựng các kịch bản ứng phó và các cấp báo động dựa trên các đánh giá, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia. Từ cách đây một tháng, Ban Chỉ đạo đã có công văn yêu cầu các chủ hồ và đề nghị chính quyền địa phương dọn dẹp lòng hồ để sẵn sàng cho việc xả lũ. Đồng thời, ông Hoài cũng cho hay sẽ chỉ đạo xây dựng một nhóm trên Zalo để chia sẻ các thông tin về mực nước, lượng mưa tự động trên tất cả hệ thống sông ở tất cả các địa phương.

Đối với các công ty thủy điện, ông Trần Quang Hoài yêu cầu thực hiện vận hành hồ chứa theo đúng quy trình; rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi,…) đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống phải xả lũ khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.