Kĩ thuật sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm

* Dây dẫn

- Sử dụng dây bọc cách điện hoặc cáp bọc cách điện. Tiết diện dây phù hợp với công suất nhưng tối thiểu không nhỏ hơn 2,5 mm2. Riêng đường dây dài trên 50 m, tiết diện không nhỏ hơn 4 mm2 với dây nhiều sợi và không nhỏ hơn 7 mm2 với dây một sợi.

- Phải kéo đủ cả dây nóng và dây nguội.

- Không để hoặc kéo dây tải điện chạy ngầm trong ao. Nếu kéo dây dẫn ngầm, phải sử dụng cáp chuyên dùng.

* Nối dây dẫn

- Dùng kẹp hoặc ống nối. Phải nối so le và dùng băng keo cách điện bọc kín mối nối.

- Khi nối 2 dây dẫn được làm bằng 2 kim loại khác nhau/có tiết diện khác nhau phải dùng kẹp nối chuyên dùng. 

- Không nối dây dẫn ở chỗ võng nhất của khoảng cột.

* Cột và bố trí dây trên cột

- Sử dụng cột chắc, vững, tránh xa khu vực xói lở, không cản trở người, phương tiện giao thông.

- Mắc dây trên sứ cách điện, độ võng thấp nhất so với mặt đất từ 2,5 m trở lên.

- Cần dẫn nguồn điện từ cột về nhà, lán trại qua 1 Aptomat (AT) tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng ao/đầm mà phân ra các AT nhánh. 

- Nghiêm cấm kéo điện bằng cách lấy điện một pha, còn dây nguội đấu xuống giếng, ao hồ, đường ống nước.

* Lắp đặt thiết bị

- Cầu dao, Aptomat, công tắc, ổ cắm đặt tại nơi khô ráo, trong nhà, chòi hoặc trong hộp nhựa, tránh mưa gió làm ẩm. 

- Bố trí các thiết bị đóng cắt hợp lý (đầu nhánh đường dây, gần mô-tơ…) thuận tiện khi cô lập.

- Đèn chiếu sáng trong các ao, đầm phải sử dụng máng che bảo vệ, tránh nước mưa làm ẩm, gây dẫn điện.

* Mô-tơ

- Lựa chọn công suất phù hợp, do nhà sản xuất uy tín cung cấp. 

- Đặt tại một vị trí cố định, nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước.

- Nguồn điện đấu vào mô-tơ phải qua cầu dao riêng, để chủ động ngắt khi có sự cố; sử dụng dây nối đất an toàn, giảm nguy hiểm. 

* Kiểm tra, bảo trì

- Kiểm tra hệ thống điện định kỳ (1 tháng/lần) và sau mỗi đợt thiên tai, sự cố.

- Kịp thời thay thế, sửa chữa thiết bị, đường dây khi có hiện tượng bất thường. 


  • 08/01/2018 10:41
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 1197525