Khi nhiệt điện than vẫn là nguồn điện chưa thể thay thế…

Thời gian qua và trong nhiều năm tới, nhiệt điện than vẫn được khẳng định là nguồn điện trụ cột trong hệ thống điện Việt Nam. Vì sao nguồn điện này lại chưa thể thay thế?

Nguồn cung hợp lý, giá phù hợp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế (nhiệt điện khí có giá nhập khẩu cao, phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời/gió công suất không ổn định, dự án điện hạt nhân tạm dừng). Vì vậy, nhiệt điện than vẫn đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Hiện nay, nhiệt điện than cấp 37-38% điện năng cho nhu cầu điện năng của đất nước. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống. 

Chỉ rõ vướng mắc về giá nhiệt điện khí, ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lấy ví dụ: Nếu 1000 MW nhiệt điện than (giá 1.600 đồng/kWh) được thay bằng nhiệt điện khí LNG (giá 2.100 đồng/kWh) thì chi phí phát điện mỗi năm tăng khoảng 3.500 tỷ đồng. 

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (Ảnh minh họa)

Công nghệ nhiệt điện sạch – Việt Nam đang đi đúng hướng

Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi, nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ)... Để kiểm soát các nguồn thải của nhà máy nhiệt điện, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này và nhận được sự hưởng ứng cũng như hợp tác tốt từ các nhà máy, đặc biệt trong việc thực hiện quan trắc liên tục khí thải tại cửa xả và truyền số liệu về Sở Tài nguyên Môi trường để giám sát chất lượng nước làm mát. Hiện các nhà máy nhiệt điện đã làm tương đối tốt các quy định này.

Ông Nguyễn Tân Bình - Trưởng ban Khoa học công nghệ - Môi trường (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) khẳng định, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, hoàn toàn đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Các kết quả đo đạc, phân tích cho thấy, phát thải của các nhà máy thường thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn môi trường quy định, việc thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ cũng được chú trọng.

Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam không có con đường nào khác là phát triển nguồn điện than với công nghệ hiện đại, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế. 

Ông Yoshikazu Ikai- Phó Tổng thư ký Trung tâm năng lượng than Nhật Bản (JCOAL):

Nhật Bản là nước rất ít tài nguyên, nên phải kết hợp nhiều loại năng lượng khác nhau. Đến năm 2030, tỷ lệ công suất đặt của hệ thống sẽ được chia đều cho 4 nhóm gồm: Nhiệt điện khí, than, nguyên tử, năng lượng tái tạo. Nhật Bản vẫn luôn coi nhiệt điện than là nguồn năng lượng quan trọng trong hệ thống điện quốc gia.

Ông Bae Youngjin – Trưởng ban phát triển dự án, Khối dự án nước ngoài thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc: 

Nhiệt điện than và điện hạt nhân là nền tảng, là xương sống của ngành công nghiệp điện của Hàn Quốc. Các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đều sử dụng những công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường. Xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than được tái chế, trở thành vật liệu xây dựng như làm phụ gia xi măng, trộn bê tông, gạch, nhựa phủ mặt đường,…

 


  • 24/03/2019 09:27
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 20026