IEA: Thủy điện chững lại có thể ảnh hưởng đến mục tiêu không phát thải khí nhà kính

Cuối tháng 6/2021, "Báo cáo thị trường đặc biệt về thủy điện" đã được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, trong đó cho biết cho biết tốc độ tăng trưởng của các nhà máy thủy điện trên toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2021 - 2030, gây ra khó khăn cho các quốc gia muốn đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính.

Theo IEA, thuỷ điện là một trong các nguồn năng lượng sạch cần tiếp tục được khai thác trong thập niên tới. Nguồn ảnh: Pixabay.

Theo IEA, thủy điện đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Nó vừa cung cấp sản lượng điện lớn, vừa đảm bảo lượng khí thải carbon thấp. Nhiều nhà máy thủy điện có thể khởi động và phát đến công suất tối đa rất nhanh so với các nhà máy điện khác như nhà máy điện hạt nhân, điện than hoặc điện khí tự nhiên. Nhờ điều này, thủy điện có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền cho các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió và điện mặt trời, do sản lượng của hai nguồn điện này có thể thay đổi tùy thuộc vào thời tiết và thời gian trong ngày/năm.

Tuy nhiên, cũng theo IEA, sự tăng trưởng chậm của thủy điện gây ra khó khăn cho các quốc gia muốn đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, công suất thủy điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng 17% trong giai đoạn 2021-2030, dẫn đầu là các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ethiopia. Tuy nhiên, mức tăng trưởng dự kiến trên sẽ thấp hơn gần 25% so với việc mở rộng các dự án thủy điện trong thập kỷ trước.

Để đảo ngược dự đoán tiêu cực trên đòi hỏi một loạt các hành động chính sách mạnh mẽ từ các chính phủ nhằm giải quyết những thách thức lớn cản trở việc nhanh chóng triển khai các dự án thủy điện. Các biện pháp này bao gồm đảm bảo các dự án có hiệu quả kinh tế và đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Năm 2020, thủy điện cung cấp một phần sáu công suất phát điện trên toàn thế giới. Điều này khiến nó trở thành nguồn năng lượng sạch lớn nhất - nhiều hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo khác cộng lại. Sản lượng của thủy điện đã tăng 70% trong hai thập kỷ qua, nhưng thị phần cung cấp điện toàn cầu của nó chững lại do sự gia tăng của điện gió, điện mặt trời, điện khí tự nhiên và điện than. Tuy vậy, thủy điện hiện đáp ứng phần lớn nhu cầu điện của 28 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, ảnh hưởng đến khoảng 800 triệu người.

Tiến sĩ Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA, cho rằng "thủy điện là gã khổng lồ bị lãng quên của năng lượng sạch". Theo ông Birol, thuỷ điện cần được đưa trở lại trong các chương trình nghị sự về năng lượng và khí hậu nếu các quốc gia nghiêm túc trong việc đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính. Nó giúp hệ thống điện điều chỉnh nhanh chóng theo sự thay đổi của nhu cầu và để bù đắp sự biến động của nguồn cung từ các nguồn khác. "Những lợi thế của thủy điện có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi an toàn ở nhiều quốc gia khi họ chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và điện gió ngày càng cao - với điều kiện là các dự án thủy điện được phát triển theo cách bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu." - ông Birol cho biết.

"Báo cáo thị trường đặc biệt về thủy điện" là nghiên cứu đầu tiên cung cấp dự báo chi tiết toàn cầu đến năm 2030 cho ba loại hình thủy điện chính - hồ chứa, dòng chảy cơ bản (điều tiết ngày) và tích năng. Cho đến nay, khoảng một nửa tiềm năng kinh tế của thủy điện trên toàn thế giới vẫn chưa được khai thác. Tiềm năng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đạt gần 60%.

Dựa trên các chính sách ban hành ngày nay, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường thủy điện lớn nhất cho đến năm 2030. Họ chiếm 40% dự án mở rộng toàn cầu, kế tiếp là Ấn Độ. Mặc dù vậy, tỷ lệ này của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại do lo ngại ngày càng tăng về các tác động xã hội và môi trường, cũng như thiếu các vị trí dự án có lợi về kinh tế để thu hút đầu tư. Từ nay đến năm 2030, 127 tỷ USD (gần một phần tư nguồn đầu tư thủy điện toàn cầu) sẽ được chi để hiện đại hóa các nhà máy lâu đời, chủ yếu ở các nước có nền kinh tế phát triển; đặc biệt là ở Bắc Mỹ, nơi tuổi trung bình của các nhà máy thủy điện là gần 50 năm và châu Âu với 45 năm. Tuy nhiên, khoản đầu tư trên chưa đạt đến 300 tỷ USD mà báo cáo ước tính là cần thiết để hiện đại hóa tất cả các nhà máy thủy điện lâu đời trên toàn thế giới.

Theo IEA, mặc dù thủy điện vẫn là một đề xuất hấp dẫn về mặt kinh tế ở nhiều khu vực trên thế giới, nhưng Báo cáo đã nêu bật một số thách thức lớn mà ngành phải đối mặt. Các dự án mới thường phải đối mặt với thời gian thực hiện rất dài; quy trình phê duyệt lâu, chi phí cao và rủi ro từ các đánh giá tác động môi trường; và gặp phải sự phản đối của các cộng đồng địa phương. Những áp lực này tạo ra rủi ro cho đầu tư và chi phí tài chính cao hơn so với các loại công nghệ phát điện và lưu trữ khác, điều này có thể làm nản lòng các nhà đầu tư tiềm năng.

Cũng theo IEA, nếu thế giới muốn đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050, như được nêu trong lộ trình toàn cầu của IEA về không phát thải khí nhà kính vào năm 2050, thì các quốc gia phải nâng cao tham vọng của họ một cách quyết liệt. Công suất thủy điện toàn cầu sẽ cần tăng nhanh gấp đôi so với dự kiến ​​hiện tại từ nay đến năm 2030.


  • 03/08/2021 04:44
  • Huy P. (theo iea.org, powerengineeringint.com)
  • 13643