Hà Nội lên phương án ứng phó, chủ động nguồn nước vụ Xuân

11:16, 23/01/2024

Đợt 1 lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2024 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/1. Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung nguồn lực nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất cho bà con nông dân.

Mực nước sông, hồ đều thấp

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, vụ Xuân 2024, toàn TP dự kiến gieo trồng 101.498ha. Trong đó, có 79.876ha lúa và 21.622ha rau màu các loại. Thời vụ gieo mạ từ ngày 20/1 đến 4/2 và cấy lúa tập trung từ ngày 4 đến 29/2.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, những ngày qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, bà con nông dân đã bắt đầu xuống đồng gieo mạ, làm đất, sẵn sàng lấy nước để cấy lúa vụ Xuân. Đây cũng là vụ mùa quan trọng nhất trong năm, được bà con kỳ vọng lớn.


Vận hành Trạm bơm dã chiến Phù Sa (TP Hà Nội) lấy nước sản xuất vụ Xuân 2024.

Mặc dù vậy, những thông tin về điều kiện nguồn nước hiện nay đang làm gia tăng nguy cơ thiếu nước vụ Xuân. Theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tổng lượng mưa trên địa bàn Hà Nội trong tháng 1/2024 dự kiến chỉ ở mức 20 - 40mm; con số này của tháng 2 là 15 - 30mm và tháng 3 là 40 - 80mm. 

  Đợt 1 lấy nước sản xuất vụ Xuân 2024 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/1 đến 24 giờ ngày 30/1/2024. Trong thời gian điều tiết nước đợt 1, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên, quận Long Biên) duy trì 1,7 - 1,9m.

Với lượng mưa này, nguồn nước gieo cấy vụ Xuân của Hà Nội sẽ phụ thuộc rất lớn vào mực nước trên các sông và dung tích hữu ích của các hồ chứa thủy lợi. Dù vậy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, tổng dung tích trữ của 13 hồ chứa lớn nhất trên địa bàn TP hiện nay chỉ đạt khoảng 60% so với thiết kế.

“Mực nước trên các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy... cũng đang ghi nhận ở mức thấp, khiến nhiều công trình lấy nước chưa được cải tạo, nâng cấp không đủ điều kiện vận hành. Điển hình như các cống: Cẩm Đình, Liên Mạc; trạm bơm: Đan Hoài, Sơn Đà, Xuân Phú…” - ông Đào Quang Khải thông tin thêm.

Trước khó khăn về điều kiện nguồn nước, trong những tháng qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương triển khai nhiều giải pháp công trình nhằm tận dụng hiệu quả nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thuỷ điện, bảo đảm cấp đủ nước sản xuất vụ Xuân 2024.

Ngay từ tháng 12/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) đã hoàn thành hạng mục di chuyển, lắp đặt, vận hành thử và bàn giao Trạm bơm dã chiến Phù Sa, kênh dẫn cho Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích. 

Cùng với Trạm bơm dã chiến Phù Sa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, doanh nghiệp cũng đã phối hợp với UBND huyện Ba Vì và đơn vị liên quan hoàn thành lắp đặt công trình tiếp nước phục vụ vận hành Trạm bơm Trung Hà ngay từ đợt điều tiết nước hồ chứa thuỷ điện vào 0 giờ ngày 23/1 tới đây.

Đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân nạo vét hệ thống kênh mương; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành thử các trạm bơm; sẵn sàng vận hành công trình tiếp nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện.

Tại cuộc kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị chống hạn vụ Xuân 2024 mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương tăng cường thông tin để người dân biết lịch lấy nước; tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

“Cùng với đẩy mạnh các giải pháp giữ nước trên đồng ruộng để hạn chế thất thoát nước, các địa phương vận động, hướng dẫn bà con đưa nước đến đâu, làm đất, giữ nước đến đó, tránh để lãng phí nguồn nước. Đối với những diện tích trồng lúa không bảo đảm đủ nước tưới, cần có phương án chuyển sang cây trồng cạn…” - ông Nguyễn Xuân Đại lưu ý.

“Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện trong những ngày tới, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi của TP Hà Nội cần theo dõi chặt chẽ nguồn nước, vận hành tối đa công trình để lấy nước, trữ nước phục vụ đổ ải gieo cấy lúa Xuân” - Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Khanh.

Link gốc


Theo Kinh tế & Đô thị

Share

Đợt 2 lấy nước đổ ải có thể điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước

Đợt 2 lấy nước đổ ải có thể điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước

Theo Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024-2025 sẽ thực hiện theo kế hoạch, bắt đầu từ 0 giờ ngày 8/2 đến 24 giờ ngày 14/2/2025 (tổng cộng 7 ngày). Tùy thuộc vào tiến độ lấy nước, đợt 2 có thể điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước.


Hội nghị tổng kết công tác Đảng, chuyên môn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025 của EVNCPC

Hội nghị tổng kết công tác Đảng, chuyên môn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025 của EVNCPC

Ngày 16/1, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và chuyên môn năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị do ông Nguyễn Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và ông Ngô Tấn Cư - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc đồng chủ trì.


Cập nhật tình hình lấy nước đợt 1 cho gieo cấy vụ Đông Xuân đến 15h ngày 16/1

Cập nhật tình hình lấy nước đợt 1 cho gieo cấy vụ Đông Xuân đến 15h ngày 16/1

Đến 15h ngày 16/1, theo báo cáo nhanh của Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024-2025, tổng diện tích có nước là 181.446 ha/488.615 ha, đạt 37,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.


EVNPSC thực hiện tốt công tác sửa chữa, bảo dưỡng tại 14 nhà máy điện

EVNPSC thực hiện tốt công tác sửa chữa, bảo dưỡng tại 14 nhà máy điện

Chiều 16/1, tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.