EVN nỗ lực triển khai trồng bù rừng thay thế tại các công trình thủy điện
15:05, 20/11/2015
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, đến nay, EVN đã thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế tại 18 dự án thủy điện với diện tích khoảng 12.859 ha.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư của nhiều dự án thủy diện lớn của cả nước nên trong những năm qua, EVN luôn xác định việc trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện là nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.
Tính đến nay đã có 03 dự án thủy điện ở miền Trung gồm A Vương, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah đã hoàn thành việc trồng bù rừng và được cấp chứng nhận. 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 để địa phương trồng và chăm sóc năm đầu gồm: thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4, Sông Bung 2.
Riêng dự án Thủy điện Huội Quảng, UBND tỉnh Lai Châu đã đồng ý hình thức chuyển tiền thay cho phương án chủ đầu tư thực hiện. EVN đã chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hết quý III/2015 theo quy định cho quỹ hỗ trợ phát triển rừng tỉnh Lai Châu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tham gia trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện do Bộ NN&PTNT, EVN tổ chức tại công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La năm 2014 - Ảnh Minh Nguyên
|
Đây là những nỗ lực của EVN nhằm thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa 13 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Cũng như thực hiện Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 và Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Ngoài việc chi hàng nghìn tỷ đồng trồng bù rừng thay thế, EVN còn góp phần bảo vệ môi trường rừng ở 29 tỉnh nơi có dự án thủy điện của EVN thông qua nộp phí dịch vụ môi trường rừng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2013, EVN đã chi trả 1.148 tỷ đồng, năm 2014 là 1.192 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này của năm 2015, EVN đã nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ước tính tổng cộng hơn 4.067 tỷ đồng.
Ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc trồng bù diện tích rừng thay thế cho các dự án công trình thủy điện:
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong lĩnh vực này, Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương. Hiện 2 Bộ đang phối hợp chặt chẽ để hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2015, các cơ quan chức năng đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò rất tích cực của các địa phương và sự cố gắng từ các chủ đầu tư dự án, công trình thủy điện nên công tác trồng bù rừng đã được thực hiện tốt, bám sát kế hoạch Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề ra.
Bộ Công Thương đã đề ra 3 phương án đối với việc trồng bù rừng các dự án thủy điện:
- Thứ nhất, đối với những dự án thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trồng bù diện tích rừng thay thế, Bộ tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư phải hoàn thành tiến độ trồng bù rừng thay thế theo đúng phương án đã phê duyệt. Đối với những chủ đầu tư không hoàn thành sẽ xử lý theo quy định.
- Thứ hai, những dự án thủy điện đang có phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, trong khi chờ phương án phê duyệt, ngành Công Thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực một năm. Sau một năm, nếu chủ đầu tư không thực hiện, Bộ Công Thương sẽ xử lý vi phạm theo quy định.
- Thứ ba, đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện, do khuyết điểm, thiếu trách nhiệm của chủ dự án, Bộ Công Thương sẽ cho thủy điện đó tạm thời dừng và rút giấy phép hoạt động điện lực của chủ đầu tư cho đến khi khắc phục được tình trạng đó.
|
Huyền Thương
Share