Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
|
Trước ý kiến của tỉnh Ninh Bình về việc dừng vận hành Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Ninh Bình (công suất 100MW), ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết: với sản lượng bình quân 600 triệu kWh/năm, nhà máy này có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc nói chung, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận nói riêng. Trong trường hợp dừng vận hành, thì thời điểm dừng cần phải được xem xét kỹ để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong các năm tới (do nhu cầu phụ tải phát triển mạnh trong khi quy mô nguồn bổ sung mới rất ít). Bên cạnh đó, đảm bảo đời sống cho người lao động, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang sở hữu cổ phần của tại Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình, trong đó EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình nghiên cứu phát triển dự án điện khí LNG hoặc dự án năng lượng sạch tại vị trí khác trên địa bàn tỉnh để thay thế cho NMNĐ Ninh Bình.
Lãnh đạo EVN làm rõ thêm, trong những năm gần đây, để đảm bảo các yêu cầu về môi trường, nâng cao hiệu suất và độ tin cậy trong vận hành, NMNĐ Ninh Bình đã liên tục được đầu tư, cải tạo và nâng cấp thiết bị với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Nhà máy hiện đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi nhiên liệu (đốt kèm Biomass), sử dụng năng lượng sạch và bền vững.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nêu các kiến nghị của EVN tại buổi làm việc
|
Về kiến nghị di dời Trạm biến áp (TBA) 220kV Ninh Bình, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết: tại buổi làm việc giữa EVN và tỉnh Ninh Bình vào ngày 27/5/2022, hai bên đồng thuận để di dời TBA 220kV Ninh Bình cần hoàn thành công tác đầu tư và đưa vào vận hành 2 trạm biến áp 220kV thay thế là trạm Gia Viễn và trạm Tam Điệp cùng các đường dây đấu nối.
Các TBA 220kV Gia Viễn và Tam Điệp đã có trong Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành của TBA 220kV Tam Điệp là trong giai đoạn 2026-2030; trong khi TBA 220kV Gia Viễn chưa có trong danh mục của Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đến nay, các TBA 220kV này đã được cập nhật vào dự thảo Quy hoạch điện VIII nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên EVN và các đơn vị thành viên chưa có đủ cơ sở để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án.
Do đó, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để có căn cứ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nêu trên.
Ngoài ra, để đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình, EVN và các đơn vị trực thuộc đang đầu tư nhiều dự án lưới điện khác. EVN kiến nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình và các văn bản phê duyệt điều chỉnh quy hoạch có liên quan.
Chỉ đạo tại buổi làm việc về kiến nghị của tỉnh Ninh Bình liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình và di dời TBA 220kV Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu thực hiện theo lộ trình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng TBA 220kV Gia Viễn và TBA 220kV Tam Điệp. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình làm việc với Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cổ phần, đồng thời thực hiện theo Quy hoạch điện VIII sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đinh Liên
Share