Đối mặt với khô hạn, thủy điện ưu tiên cấp nước cho hạ du

Trước nguy cơ hạn hán, việc cung ứng điện đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng đảm bảo cấp nước cho hạ du vẫn được các nhà máy thủy điện trong EVN ưu tiên hàng đầu.

Nhà máy Thủy diện Trị An (tỉnh Đồng Nai) gồm 4 tổ máy, với tổng công suất 400MW. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ phát điện, Nhà máy Thủy điện Trị An còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc giúp điều tiết lũ cho vùng hạ du, đặc biệt là cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Hiện nay, tình hình nắng nóng và ảnh hưởng của Elnino khiến lượng nước về hồ thủy điện Trị An giảm mạnh, tiệm cận mực nước chết.

Hồ Thủy điện Trị An tiệm cận mực nước chết - ảnh chụp ngày 10/5/2023

Theo ông Nguyễn Lê Đạt - Quản đốc phân xưởng Vận hành Công ty Thủy điện Trị An, tính đến sáng 15/5, mực nước trong hồ Thủy điện Thủy An là 51,4m, chỉ còn cách mực nước chết khoảng 1,4m.

Những ngày qua, lưu lượng nước về hồ Trị An trung bình chỉ đạt 160-200m3/s. Hiện nay, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đang huy động các tổ máy của thủy điện Trị An trên tinh thần vừa tiết kiệm nước, vừa đảm bảo cấp nước cho hạ du trong những tháng còn lại của mùa khô năm 2023.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, mực nước của hồ Thủy điện A Vương ghi nhận vào sáng 15/5 là 361,4m (mực nước chết là 340m). Lượng nước về hồ chỉ đạt 19,23m3/s.

Hồ A Vương đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt cho Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam và các sở, ban ngành cũng đã có các văn bản chỉ đạo Công ty Thủy điện A Vương hạn chế phát điện để đảm bảo cấp nước cho hạ du trong những tháng mùa kiệt.

Hồ Thủy điện Ialy - ảnh chụp 10/5/2023

Không chỉ có hồ Trị An, A Vương mà hiện nay, nhiều hồ thủy điện trên cả nước cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều hồ thủy điện đã về xấp xỉ mực nước chết như Lai Châu, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ …

Trước tình trạng mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp, bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Theo tính toán của EVN, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW. Các nhà máy thủy điện của EVN đã và đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong vận hành các hồ chứa thủy điện theo Quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; trong đó ưu tiên tiết kiệm nước, đảm bảo cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2023.