Đội hotline Truyền tải điện Hà Nội: Nắng nóng, căng thẳng và sự nỗ lực

Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, Đội sửa chữa điện nóng (hotline) của Truyền tải điện Hà Nội (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) chưa có ngày nào bị “thất nghiệp”. Đặc biệt, trong thời điểm nắng nóng cao độ, công việc của họ càng thêm căng thẳng và vô cùng vất vả với nhiều tình huống khó lường.

Hiểm nguy luôn rình rập

Ông Vũ Sơn Hà - Phó Giám đốc TTĐ Hà Nội cho biết, đơn vị giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho Thủ đô và các tỉnh lận cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập (năm 2015), để nâng cao chất lượng điện truyền tải và đáp ứng kịp thời nhu cầu vệ sinh sứ cách điện, TTĐ Hà Nội đã thành lập 3 Đội hotline với  18 người.

Nhiệm vụ của Đội là tiến hành quy trình vệ sinh sứ cách điện bằng nước cách điện áp lực cao, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố trên đường dây đang mang tải. Việc sửa điện trực tiếp trên đường dây đang mang tải là nhằm ngăn ngừa và loại trừ nhanh các nguy cơ xảy ra sự cố trên lưới điện truyền tải. Đồng thời, giảm thời gian cắt điện khi bảo trì, bảo dưỡng, từ đó không làm gián đoạn quá trình vận hành dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp cũng như đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân, nhất là mùa hè.

Nghề sửa điện vốn đã hết sức vất vả và nguy hiểm, nhưng việc sửa chữa trực tiếp trên đường dây đang mang tải còn nguy hiểm gấp nhiều lần. Người thợ điện phải làm việc trong điều kiện xung quanh mình luôn tồn tại dòng điện cao áp, chỉ một sơ suất nhỏ, có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, suốt quá trình làm việc, người thợ điện phải mang trên mình quần áo bảo hộ lao động cũng như các dụng cụ rất nặng nề.

Kiểm tra kĩ các thiết bị kĩ thuật

Anh Hà Tiến Dũng - Chuyên viên phòng Kỹ thuật TTĐ Hà Nội, người chỉ huy trực tiếp Đội hotline cho biết, mỗi Đội hotline gồm 6 người, là những công nhân ưu tú nhất, có tinh thần trách nhiệm cao và có sức khỏe tốt nhất. Lực lượng công nhân phải được đào tạo hết sức bài bản và khoa học. Trong đó, khâu huấn luyện an toàn là quan trọng nhất.

Anh Dũng cho biết thêm: “Mặc dù anh em đã được đào tạo, sát hạch cẩn thận và được trang bị các dụng cụ, phương tiện và bảo hộ lao động tốt nhất, nhưng quan trọng khi làm việc là phải tỉnh táo, tập trung, tự tin và trách nhiệm mới có thể đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Theo ông Vũ Sơn Hà, trước khi tiến hành sửa chữa điện nóng, anh em công nhân phải đảm bảo các “nguyên tắc vàng” về an toàn như, bọc cách điện xung quanh vật mang điện trên đường di chuyển và xung quanh nơi làm việc; thao tác theo trình tự lắp đặt từ dưới lên trên, từ gần đến xa và khi tháo dỡ thì ngược lại. Tất cả quy trình công việc phải được kiểm tra, kiểm soát hết sức tỷ mỉ và đặc biệt phải tự tin.

Khi được hỏi, làm việc trong điều kiện nguy hiểm rình rập như vậy, có bao giờ các anh cảm thấy sợ hãi hoặc áp lực không? Anh Hà Tiến Dũng cười nói: Đã gắn bó với nghề, phải yêu nghề và chấp nhận. Anh em Đội hotline rất tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần lớn vào việc ngăn ngừa và hạn chế sự cố lưới điện truyền tải, đồng thời giảm thấp nhất thời gian cắt điện, nâng  cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Để Hà Nội không mất điện

Nhớ lại đợt nắng nóng đầu tháng 6/2017, phụ tải tăng kỷ lục khiến hệ thống truyền tải chịu áp lực cao, tất cả các máy biến áp (MBA) ở Hà Nội chịu tải trên 80%, thậm chí một số MBA tại TBA 500 kV Thường Tín, 220 kV Vân Trì, Thành Công, Hà Đông có thời điểm quá tải,... các đường dây chịu tải vượt công suất, chỉ cần một dao động nhỏ trên lưới cũng có nguy cơ gây mất điện trên diện rộng. Tại các TBA, thiết bị được kiểm tra liên tục, công suất, nhiệt độ, dòng điện, điện áp được cập nhật thường xuyên.

Theo anh Bùi Văn Tuyền (Tổ thí nghiệm sửa chữa 110 kV trở lên – TTĐ Hà Nội), 11h ngày 6/6/2017, MBA AT2 TBA 220 kV Vân Trì cảnh báo, nhiệt độ tăng tới 90 độ, yêu cầu được Đội hotline hỗ trợ. Chỉ 10 phút sau, Đội vệ sinh cách điện hotline lên đường thực hiện làm mát MBA bằng nước kĩ thuật. Đây là một trong những biện pháp ứng phó quyết đoán, kịp thời mà Ban lãnh đạo TTĐ Hà Nội trước đó đã nghiên cứu và triển khai.

“Là dân kỹ thuật, yêu máy như con, nếu TBA hay đường dây “có vấn đề gì”, tất cả anh em đều cảm thấy xót xa”, anh Hà Tiến Dũng tâm sự. Rất may, trong khó khăn lại nảy sinh sáng kiến, nước kĩ thuật (nước nguyên chất đã được khử ion khi vệ sinh lưới điện nên không dẫn điện) vốn được dùng để vệ sinh sứ cách điện, nay được dùng làm mát MBA, không ngờ lại có tác dụng tuyệt vời đến vậy. Thời điểm 12h trưa, nhiệt độ MBA AT2 tăng tới 95 độ, chỉ còn 5 độ nữa là máy sẽ tự động ngắt, ngừng cung cấp điện cho toàn bộ khu vực huyện Đông Anh, Sóc Sơn, trong đó có Sân bay Nội Bài và nhiều khu công nghiệp khác.

Việc làm mát MBA bằng nước kĩ thuật được thực hiện rất khẩn trương tại hiện trường, nhưng vẫn tuân thủ tuyệt đối Quy trình an toàn. Sau 10 phút phun nước làm mát, nhiệt độ MBA giảm dần, 1 độ C, rồi 2 độ C và cuối cùng 5 độ C. Sau 20 phút, tín hiệu cảnh báo sự cố được loại bỏ. Những khuôn mặt đầy lo lắng trước đây như được giãn ra, cảm giác như vừa trút được gánh nặng. Sáng kiến này của TTĐ Hà Nội ngay sau đó đã được Công ty Truyền tải điện 1 biểu dương, khen thưởng, cho phép được áp dụng rộng rãi trong các đơn vị khác.

Phó giám đốc Vũ Sơn Hà cho biết: “Cũng trong thời gian trên, chúng tôi cũng đã kịp thời làm mát các MBA tại TBA 500 kV Thường Tín, nếu không, hệ thống điện 500 kV chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ gây “rã lưới điện”.

Rút kinh nghiệm từ đợt nắng nóng năm 2017, hè năm 2018, Đội hotline đã chủ động hơn với việc đào tạo, sát hạch, chuẩn bị lực lượng từ sớm. Hiện nay, TTĐ Hà Nội có hai bình chứa nước làm mát, mỗi bình dung tích 2.000 lít, sử dụng liên tục 5 giờ. Khi bình này đưa ra hiện trường, sẽ có một bình “ở nhà”, nước làm mát liên tục được tạo ra, thay phiên sử dụng trong trường hợp nhiều MBA và hệ thống lưới điện cần sửa chữa, làm mát.

Với sự chuẩn bị kĩ, sẵn sàng và tinh thần làm việc đầy tính trách nhiệm, những công nhân Đội hotline TTĐ Hà Nội sẽ xử lý, khắc phục được các yếu tố bất ngờ của thời tiết, làm ảnh hưởng đến đường điện cao áp, đảm bảo mùa hè này và những năm tiếp theo, Hà Nội không còn mất điện do sự cố nắng nóng. 


  • 31/05/2018 03:15
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 13718