Điện mặt trời quy mô hộ gia đình: Cơ chế nào để phát triển?

Tiềm năng phát triển điện mặt trời quy mô hộ gia đình ở Việt Nam là rất lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Phóng viên Tạp chí Điện lực có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TP.HCM về vấn đề này.

Ông Huỳnh Kim Tước

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển điện mặt trời quy mô hộ gia đình ở Việt Nam?

Ông Huỳnh Kim Tước: Việt Nam nói chung, TP. HCM nói riêng có tiềm năng rất lớn phát triển điện mặt trời, nhất là theo quy mô hộ gia đình. Cường độ bức xạ trung bình ở TP. HCM khoảng 5 kWh/m2/ngày và số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày/năm. Thành phố có khoảng hơn 2 triệu hộ gia đình, nếu trung bình mỗi hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 3 kWp, thì tổng công suất điện mặt trời sẽ khoảng 6 GWp. 

Đây là con số khá lớn, nhưng vẫn chỉ là tiềm năng lý thuyết, bởi việc ứng dụng điện mặt trời quy mô hộ gia đình vẫn còn khá hạn chế. Theo thống kê của Trung tâm TKNL TP. HCM, trên địa bàn Thành phố mới chỉ có khoảng 60 hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời, với tổng công suất hơn 230 kWp.

PV: Có tiềm năng lớn, nhưng việc đầu tư, ứng dụng điện mặt trời quy mô hộ gia đình hiện vẫn còn hạn chế. Vậy nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

Ông Huỳnh Kim Tước: Theo đánh giá của chúng tôi, có khá nhiều rào cản, thách thức cho sự phát triển điện mặt trời nói chung và quy mô hộ gia đình nói riêng ở Việt Nam. 

Thứ nhất là rào cản về chính sách. Mặc dù Chính phủ cũng đã có những chủ trương, định hướng phát triển điện mặt trời; có cơ chế hỗ trợ giá, nhưng Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng này; các chính sách về năng lượng tái tạo (NLTT) cũng chưa đầy đủ, chưa có Luật về NLTT…

Thứ hai là rào cản về thể chế. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế và chưa mang lại hiệu quả thiết thực, do điện mặt trời là một lĩnh vực mới, đang phát triển ở nước ta.

Thứ ba là rào cản về kỹ thuật - công nghệ. Việt Nam mới chỉ nội địa hóa được 1 phần công nghệ điện mặt trời. Ngoài ra, chúng ta cũng đang thiếu trầm trọng chương trình nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác và sử dụng điện mặt trời. 

Thứ tư là rào cản về kinh tế, tài chính. Suất đầu tư dự án điện mặt trời còn khá cao, trong khi giá điện lại rất thấp, nên chưa thu hút được người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà, công xưởng...

Thứ năm là rào cản về thông tin/ truyền thông. Các dự án/mô hình, chương trình thí điểm về lắp đặt điện mặt trời thành công chưa được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, xây dựng niềm tin cho hộ gia đình và cộng đồng.

Cuối cùng là rào cản về sự tham gia tích cực của cộng đồng. Hộ gia đình là thành phần sử dụng năng lượng chính, nếu không có sự tham gia, chung tay thực hiện thì chính sách, mục tiêu phát triển điện mặt trời sẽ khó trở thành hiện thực.

PV: Được biết, từ năm 2015, TP. HCM đã triển khai hỗ trợ 2.000 đồng/kWh cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống điện mặt trời. Chương trình này có mang lại hiệu quả không, thưa ông? 

Ông Huỳnh Kim Tước: Trong 2 năm (2015 - 2016) triển khai Chương trình thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn TP. HCM, chúng tôi nhận thấy, đây là một cơ chế tích cực để thúc đẩy điện mặt trời phát triển, nâng tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của Thành phố tính đến cuối năm 2016, đạt trên 1,5 MWp. 

Chương trình cũng đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về những lợi ích thiết thực mà điện mặt trời mang lại. 

Hiện nay, TP. HCM cũng đang triển khai một số chương trình đánh giá, quy hoạch tiềm năng, xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu sử dụng điện mặt trời trên địa bàn, hỗ trợ đầu tư như: Chương trình phát triển mái nhà Điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM do WB tài trợ; Chương trình phát triển Điện mặt trời tại miền Nam Việt Nam, do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ, Công ty Dragon Capital Group và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. HCM phối hợp thực hiện…

PV: Theo ông, có nên nhân rộng chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời quy mô hộ gia đình ở thành phố HCM ra phạm vi toàn quốc?

Ông Huỳnh Kim Tước: Việc nhân rộng ra phạm vi cả nước còn phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương. 

Giải pháp tốt nhất là mỗi địa phương nên xây dựng các cơ chế hỗ trợ riêng, lồng ghép, phối hợp với các cơ chế, chính sách chung của Việt Nam, thúc đẩy thị trường điện mặt trời ở mỗi tỉnh, thành phố phát triển. Qua đó, góp phần vào mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2020 đạt công suất 1 GWp, năm 2030 đạt 24 GWp thực hiện đúng Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam.

PV: Vậy, theo ông, Nhà nước cần có những giải pháp nào để phát triển điện mặt trời quy mô hộ gia đình?

Ông Huỳnh Kim Tước: Theo tôi, bên cạnh cơ chế hỗ trợ, giá mua, bán, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách ưu đãi, thúc đẩy hộ gia đình tích cực tham gia lắp đặt điện mặt trời quy mô gia đình.

Đồng thời, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng ở địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ứng dụng năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng, nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu được những lợi ích thiết thực của điện mặt trời…

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 24/05/2017 11:30
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 33934