Đề nghị điều chỉnh giá điện: Các chuyên gia, nhà quản lý nói gì?

Trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp tại Việt Nam đã cạn kiệt, nguồn nhiên liệu phải nhập khẩu thì cơ chế giá điện cũng cần điều chỉnh cho phù hợp

Theo đại diện EVN, về lâu dài, tài chính không ổn định, thì các tổ chức cho vay sẽ đánh giá tiêu cực. Đương nhiên họ sẽ không cho vay nếu tình trạng kinh doanh lỗ kéo dài. Thực tế cho thấy, giá điện thấp nên trong cả khoảng thời gian dài, dù có chủ trương khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng số lượng doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư nguồn và lưới điện rất ít. Ngoại trừ một số nguồn điện dễ làm và có giá cao như điện khí, điện năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh thị trường điện cạnh tranh đã có hiệu lực thì việc điều chỉnh giá điện cần thay đổi theo những biến động của thị trường năng lượng thế giới là một cuộc chơi không thể thay đổi.

Trên thực tế, chủ trương của các nhiệm kỳ Chính phủ gần đây là giá điện theo cơ chế thị trường, thu đúng thu đủ tiến tới bỏ trợ cấp giá năng lượng.

Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết: “Tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung này vì chủ trương này hoàn toàn phù hợp với chính sách giá bán điện quy định tại Luật Điện lực là giá bán điện tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý và Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.”

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vy, đánh giá: “Về nguyên tắc giá bán điện bình quân cần phải được tính toán, điều chỉnh hàng năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sau gần 4 năm, biểu giá bán điện trên vẫn chưa được điều chỉnh”.

“Trong điều kiện các thông số đầu vào thay đổi, nhất là giá nhiên liệu cho sản xuất điện tăng đội biến, gấp nhiều lần so với mức giá được sử dụng để tính toán cho biểu giá điện năm 2019, việc điều chỉnh biểu giá điện năm 2019 là hợp lý và cần thiết, phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vỵ khẳng định.

Đánh giá về các phương án đề xuất về biểu giá bán lẻ điện, ông Hà Đăng Sơn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết, sau khi xem xét các phương án đề xuất của đơn vị tư vấn cũng như phương án 4 bậc và 5 bậc đưa ra, có thể thấy phương án 4 bậc đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt).

Còn với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Phương án này đáp ứng được tiêu chí an sinh xã hội, bởi những người sử dụng ít điện, khả năng chi trả thấp được hưởng lợi; Đồng thời, góp phần tác động đến hành vi tiêu dùng theo hướng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, khi các hộ sử dụng điện từ 700 số trở lên phải chi trả nhiều hơn so với biểu giá điện đang áp dụng.

Nhiều chuyên gia cho rằng giá điện cần điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư vào ngành điện

“Phương án 5 bậc có lợi hơn cho đại đa số người dùng, gồm những hộ nghèo, hộ chính sách trong khi ngân sách không phải tăng phần chi trả. Người dùng ít điện sẽ không bị tăng tiền điện, trong khi những hộ tiêu dùng nhiều điện sẽ phải chi trả nhiều hơn, phù hợp với nguyên tắc khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”- ông Hà Đăng Sơn phân tích và cho rằng: “Hai phương án đưa ra lấy ý kiến đều giúp đa số người dân ít bị tác động, thậm chí còn có lợi so với biểu giá hiện hành” - ông Hà Đăng Sơn nhận định.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, sau 7 năm thực hiện, biểu giá bán lẻ điện hiện hành do Thủ tướng Chính phủ quy định đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện cho việc điều hành giá bán điện công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, giải quyết được nhiều nội dung của chính sách giá điện theo quy định của Luật điện lực, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng điện.

Tuy nhiên, cho đến nay các điều kiện về sản xuất, kinh doanh, cung cầu cơ cấu mức độ tiêu thụ điện năng, thu nhập của người tiêu dùng điện thay đổi và việc thực hiện lộ trình xây dựng, hoàn thiện các cấp độ thị trường điện thì biểu giá bán lẻ điện hiện hành đã xuất hiện những bất cập nhất định.

Liên quan đến vấn đề giá điện hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, báo cáo cho thấy EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh giá thế nào. Ở nhiều nước, giá điện được điều chỉnh rất linh hoạt, giá ban đêm khác giá ban ngày để khuyến khích dùng điện vào ban đêm, tránh căng thẳng lưới điện. Nhưng vấn đề là làm sao để người Việt Nam thích nghi với cơ chế này, sau thời gian dài quen dùng điện bình ổn giá thấp.

Có thể thấy, việc đặt ra yêu cầu phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của quản lý, sản xuất, kinh doanh mà còn cả yêu cầu của dư luận xã hội nhằm mục tiêu: Khắc phục những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách giá điện.

Đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí người dùng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dung điện.

Nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm…

Tác động của giá nhiên liệu lên giá điện

Thị trường năng lượng châu Âu biến động trong suốt năm 2021. Giá điện tăng gấp 4 lần, giá khí đốt tăng gấp 3 và giá dầu gần như tăng gấp đôi. Tại Pháp, giá điện đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, do sự kết hợp của các yếu tố từ sự phục hồi kinh tế của châu Á khiến giá than và khí đốt tăng mạnh.

Tại châu Á (đầu tháng 4/2022), Singapore đã công bố mức tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Theo thông báo, SP Group sẽ tăng giá điện tiêu dùng trong 3 tháng (quý 2/2022), với mức tăng trung bình 10%. Cụ thể, đối với các hộ gia đình, giá điện chưa bao gồm thuế sẽ tăng từ 25,44 cent/kWh (Đô la Singapore) lên 27,94 cent/kWh kể từ ngày 1/4/2022 (khoảng hơn 4.600 đồng/kWh) - tức gấp 2,5 lần giá điện bình quân hiện tại Việt Nam chúng ta.

Tại Việt Nam, giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101/147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện). Quốc gia có giá điện bình quân cao nhất thế giới với giá 0,372 USD/kWh. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).

Link gốc


  • 09/12/2022 02:48
  • Theo congthuong.vn
  • 5219