Đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững

Đây là mục tiêu chính được bàn tới tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, với chủ đề “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/8, tại Hà Nội.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, dự báo từ nay đến năm 2030, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng cao (từ 6,5 -7%/năm), dẫn đến nhu cầu năng lượng cũng tăng rất nhanh. Dự kiến sản lượng điện thương phẩm đạt gần 500 tỷ kWh vào năm 2030 (năm 2017 đạt trên 190 tỷ kWh).

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nhu cầu năng lượng tăng trưởng nhanh là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp đã được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt. Bên cạnh đó, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực lớn đối với hoạt động cung cấp năng lượng.

Diễn đàn Năng lượng Việt Nam là nơi ghi nhận ý kiến của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học cùng hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Tham dự Diễn đàn, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Dự kiến, ngành Điện cần đảm bảo sản xuất 265 - 278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng 10,3 - 11,3%/ năm, giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8,0 - 8,5%/năm. Đây đều là những thách thức rất lớn mà Tập đoàn đang phải đối mặt.

Một trong các giải pháp trọng tâm để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, theo đề xuất của EVN, là phải đảm bảo được tiến độ các công trình nguồn điện đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện. Đồng thời, có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào, đẩy nhanh việc đàm phám với nước bạn nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220 kV hiện hữu…

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải cũng đề cập tới giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả, khuyến khích phát triển điện mặt trời,…

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại Diễn đàn

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương và EVN đã làm rất tốt công tác đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ Công Thương với vai trò là Bộ quản lý ngành đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển năng lượng bền vững, trong quy hoạch nguồn điện cũng như thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.  

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - về lâu dài, cần giải bài toán cân đối cung - cầu, cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư và người sử dụng điện, giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng để giải quyết những thách thức đặt ra, một trong những vấn đề cần chú trọng là phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí. Cùng đó, cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện mới, cũng như đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; có chính sách về giá điện phù hợp, người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.


  • 09/08/2018 04:08
  • Bài, ảnh: Hương Nhung
  • 16200