Công ty TNHH Điện lực Đồng Nai: 'Lợi ích kép' từ chuyển đổi số

Trong những năm qua, Công ty Điện lực Đồng Nai luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác dịch vụ khách hàng, phát triển lưới điện và quản lý vận hành hệ thống điện, góp phần nâng cao chất lượng điện năng và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng cũng nhưng đơn vị.

Chuyển đổi số đồng bộ

Công tác chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Đồng Nai được thực hiện đồng bộ trên 5 lĩnh vực. Thứ nhất, trong lĩnh vực sản xuất, các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện đã được thực hiện trên các hệ thống phần mềm như Hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS); Hệ thống dự báo phụ tải và tính toán hệ thống điện; hệ thống quản lý độ tin cậy cung cấp điện (OMS); phần mềm phân tích mô phỏng lưới điện phân phối (PSS/Adept),… Hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu SCADA/DMS đã khai thác có hiệu quả phân hệ DMS với các ứng dụng tính toán lưới điện đã được xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu liên tục cho lưới điện; các ứng dụng khác như dự báo phụ tải, mô phỏng đào tạo điều độ viên (OTS), chức năng tự động xác định sự cố, cô lập và phục hồi cung cấp điện (FLISR) đã được đưa vào vận hành chính thức. 

Công ty đã thực hiện điều khiển xa cho 27 TBA 110kV đạt 100% số TBA 110kV hiện hữu; lắp đặt và đưa vào khai thác hệ thống camera giám sát tại 11/27 TBA 110kV; kết nối tín hiệu và điều khiển từ xa cho các thiết bị điều khiển trên lưới trung thế 22kV (Recloser/LBS); tỷ lệ công tơ điện tử đạt 52,8% tổng số công tơ đang vận hành trên lưới.

Thứ hai, đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Công ty đang vận hành có hiệu quả Hệ thống phần mềm quản lý khách hàng sử dụng điện và các chương trình ứng dụng hiện trường như: Khảo sát cấp điện hạ áp, ghi điện và thông báo tiền điện, lắp đặt công tơ, kiểm tra công tơ, các hệ thống phần mềm thu thập và quản lý dữ liệu đo đếm, số hóa hợp đồng mua bán điện, cổng thanh toán điện tử…. Qua đó, giúp nâng tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99%; thời gian cấp điện mới cho khách hàng tiếp tục được rút ngắn, trong đó thời gian bình quân cấp điện lưới trung áp là 4 ngày - rút ngắn 0,5 ngày so với qui định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các dịch vụ về điện tiếp tục phát triển và đa dạng hóa hình thức cung cấp, trong đó tỷ lệ khách hàng giao dịch 12 dịch vụ cung cấp điện qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng và Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 87,94% trên tổng số giao dịch; tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp điện trực tuyến cấp độ 4 đạt 91,98% trên tổng số giao dịch; điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 62%/tổng số giao dịch.

Việc ứng dụng công nghệ hotline trong sửa chữa và thay thế thiết bị trên lưới đang mang điện đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn

Thứ ba, trong lĩnh vực quản trị nội bộ, Công ty đã triển khai hệ thống văn phòng điện tử (E-Office) kết nối với Tổng công ty Điện lực miền Nam (Tổng công ty) và các đơn vị trực thuộc, tất cả các văn bản đi và đến đã được số hóa và được quản lý thống nhất trên hệ thống có tích hợp chữ ký số; hệ thống Hội nghị truyền hình kết nối với hệ thống của Tập đoàn và hệ thống của Tổng công ty để triển khai các cuộc họp truyền hình 04 cấp từ Tập đoàn đến các điện lực, phòng, ban, đội trực thuộc.

Các hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS) và hệ thống Quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cũng được khai thác có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho Công ty trong công tác quản trị, quản lý điều hành.

Thứ tư, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Công ty triển khai phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) để quản lý thông tin toàn bộ dự án đầu tư xây dựng và quá trình thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến kết thúc đầu tư. Công tác đấu thầu qua mạng đã và đang được áp dụng tại Công ty và các đơn vị trực thuộc thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với tỷ lệ các gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 100% số các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi.

Thứ năm, đối với lĩnh vực viễn thông dùng riêng và công nghệ thông tin: Công ty đã triển khai mạng cáp quang nội hạt kết nối hệ thống mạng máy tính tại văn phòng Công ty đến 100% cơ sở ngành điện như văn phòng các điện lực, tổ, đội với tổng chiều dài các tuyến cáp quang đang vận hành trên 1.206 km. Băng thông truyền dẫn giữa các nút mạng đạt tốc độ 1Gbps đáp ứng được nhu cầu quản trị và điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty.

Bên cạnh việc triển khai ứng dụng các hệ thống phần mềm quản lý dùng chung của Tập đoàn và của Tổng công ty, Công ty còn tự xây dựng các chương trình phần mềm dùng riêng đáp ứng các nhu cầu quản lý trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Công ty cũng từng bước thực hiện tự động hóa lưới điện và xây dựng lưới điện thông minh với việc thay thế các công tơ đo đếm điện năng cơ khí bằng các công tơ điện tử có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa, vận hành các thiết bị đóng cắt điện có chức năng điều khiển từ xa, triển khai hệ thống trạm biến áp 110kV không người trực và vận hành hệ thống SCADA.

Với những chương trình đã triển khai, trong năm 2019 Công ty đã vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số cho giải pháp Ứng dụng số hóa hợp đồng mua bán điện.

Hiệu quả thiết thực

Chuyển đổi số đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Trong công tác dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số đã giúp cho khách hàng có thể yêu cầu cung cấp thông tin, các dịch vụ điện trực tuyến thông qua các trang web của Tổng công ty và của Công ty, hoặc thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động một cách nhanh chóng, thuận tiện và khách hàng giám sát được tiến trình giải quyết các yêu cầu dịch vụ của mình.

Đặc biệt, chuyển đổi số giúp giảm chi phí vận hành doanh nghiệp khi Công ty chuyển đổi hình thức hóa đơn tiền điện dạng giấy sang hình thức điện tử đã giúp tiết kiệm chi phí in ấn và phát hành gần 1 triệu hóa đơn mỗi tháng, hoặc giảm nhân công ghi điện khi chuyển đổi các công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có chức năng truyền dữ liệu từ xa… Nhờ đó, nhân viên không cần phải thực hiện các nghiệp vụ mang tính thủ công như tổng hợp số liệu, lập báo cáo từ đó nâng cao năng xuất lao động. Ngoài ra, các dữ liệu này luôn có sẵn trên các hệ thống quản lý, giúp lãnh đạo Công ty ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt và kịp thời.

Về lâu dài, nhằm thực hiện chủ trương của EVN và kế hoạch chuyển đổi số của Tổng công ty với mục tiêu đề ra đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp số, Công ty xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động. Theo đó, Công ty sẽ chú trọng thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cũng như đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động trong đơn vị.

Đồng thời, Công ty triển khai ứng dụng các hệ thống phần mềm quản lý dùng chung của Tập đoàn và của Tổng công ty theo đúng kế hoạch tiến độ; cập nhật kịp thời, đầy đủ và chính xác dữ liệu trên các hệ thống này; tiến hành rà soát các quy trình hiện tại còn đang phải làm thủ công, bằng giấy và xem xét khả năng ứng dụng công nghệ mới để hiệu chỉnh, đơn giản hóa và số hóa các quy trình này.

Mặt khác, Công ty tiếp tục xây dựng các phần mềm ứng dụng dùng riêng đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của Công ty; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để triển khai nhanh lưới điện thông minh, tự động hóa lưới điện; cung cấp các công cụ, phương tiện để hỗ trợ người lao động trong việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và tiết kiệm thời gian, sức lao động.

Link gốc