Công tác kinh doanh điện - Một thời để nhớ

Tôi theo học lớp đào tạo công nhân kỹ thuật khoá thứ 2 do Sở Quản lý – phân phối điện Đắk Lắk tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc tại đội đường dây hơn một năm, sau đó chuyển về Phòng Tài chính – Kinh doanh vào đầu tháng 1/1980 (khoảng giữa năm 1982, Phòng Tài chính - Kinh doanh được tách thành hai phòng: Phòng Tài chính kế toán và Phòng Kinh doanh). Chú Đặng Như Phan - Trưởng phòng phân công tôi làm việc tại bộ phận hoá đơn tiền điện.

Thi công công trình cấp điện cho máy dầu thực vật trong nỗ lực tăng điện thương phẩm (năm 1980)

Những năm đầu giải phóng, công tác kinh doanh điện năng của Sở Quản lý – phân phối điện Đắk Lắk còn rất đơn giản và có quy mô nhỏ. Toàn bộ các khâu đều thực hiện thủ công, dùng bút và thước kẻ là chủ yếu; các bài toán cộng, trừ, nhân, chia phải ghi ra trên giấy nháp và tính bằng tay. Mọi người đều làm việc hết sức cẩn thận và chu đáo từ khâu ghi số, lập hoá đơn đến khâu thu tiền, thống kê báo cáo.

Hồi ấy, chưa có thuật ngữ “Bên bán điện – bên mua điện” mà chỉ có “Bên cung ứng điện – bên sử dụng điện”, vì vậy hợp đồng được gọi là Hợp đồng cung ứng và sử dụng điện. Hồi ấy, hầu như chưa đề cập đến cụm từ “dịch vụ và chăm sóc khách hàng”, vì vậy chưa có quy định phải tiếp khách hàng như thế nào, phải giải quyết yêu cầu, kiến nghị của khách hàng ra sao; mà làm việc chủ yếu dựa theo khả năng, điều kiện thực tế. Hồi ấy, việc quản lý hệ thống đo đếm điện năng chưa được chú trọng đúng mức, từ khâu kiểm định, lắp đặt đến khâu cập nhật hồ sơ, thay định kỳ, vì vậy chỉ tiêu tổn thất điện năng gần như “nhảy múa” tự do.

Thực ra, lúc đó nếu có yêu cầu phải đảm bảo chất lượng điện năng thì cũng khó thực hiện, vì với nguồn điện chỉ dựa vào một số ít các tổ máy diesel, thuỷ điện nhỏ, cũ kỹ, lại hay xảy ra sự cố, lưới điện chỉ có vài chục cây số đường dây, vài chục trạm biến áp được khai thác lâu ngày đã xuống cấp, xây dựng mới không đáng kể thì mong có điện là mừng lắm rồi, còn sự quan tâm đến chỉ tiêu tần số, điện áp để từ từ rồi hãy tính. Tất cả những “hồi ấy” nêu trên là do khách quan của tình hình thực tế mang lại. Còn ý thức khắc phục khó khăn, nỗ lực làm việc của đội ngũ CBCNV, trong số đó có Phòng Tài chính – Kinh doanh thật đáng trân trọng.

Năm 1980, điện thương phẩm của Sở Điện đạt xấp xỉ 5 triệu kWh (tăng 5 lần so với năm 1976) với khoảng 4.000 khách hàng (tăng 1,6 lần so với năm 1976). Ngần ấy hoá đơn tiền điện được phát hành và tăng thêm khoảng 450 đến 500 hoá đơn mỗi năm vào vài năm tiếp theo. Nghe một số công nhân viên của Trung tâm Điện lực cũ nói lại, trước giải phóng, tại Sài Gòn có một đầu mối in hoá đơn tập trung cho các tỉnh, thành với thế hệ máy tính IBM. Tuy nhiên, sau giải phóng, hệ thống thiết bị và cơ sở dữ liệu này không thể khai thác được nên từng Sở Điện phải tự lo bằng cách viết tay theo mẫu in sẵn cho đến tận năm 1982. Lúc bấy giờ, bộ phận hoá đơn của Phòng Tài chính – Kinh doanh có hai người, chị Dương Thị Nở và tôi, lập bình quân 2.000 - 2.500 hoá đơn/người/tháng trong vòng nửa tháng, nửa tháng còn lại tham gia công tác thu tiền điện. Do lượng khách hàng còn ít, nên Phòng Tài chính – Kinh doanh tập trung lực lượng ghi chỉ số công tơ chỉ ba ngày đầu tháng là hoàn tất, sau đó vừa viết hoá đơn, vừa triển khai công tác thu tiền. Thu ngân viên đều đứng tuổi, nên các dì, các chị rất chịu khó đi lại nhiều lần, khéo léo nên khách hàng thanh toán tiền đầy đủ, kịp thời. Hồi ấy, hầu như không để nợ tồn phải chuyển sang tháng sau, quý sau và chưa hề có khái niệm về nợ khó đòi, nợ xấu, hệ số thu...

Vào các năm đó, giá điện rất rẻ, còn tính bằng xu, hào. Do đó trên hoá đơn thể hiện đến 2 số lẻ sau đơn vị đồng. Tuy hoá đơn viết bằng tay nhưng chú trưởng phòng yêu cầu phải đẹp, rõ, chính xác, nét chữ chân phương, số của các dòng phải thẳng hàng chục, đơn vị, phần chục, phần trăm. Chú Đặng Như Phan nắm nghiệp vụ tài chính – kinh doanh rất vững, lại là người kỹ tính, chu đáo. Tôi và chị Nở đã bị nhắc nhở nhiều lần. Hoá đơn tuy viết tay nhưng trông đẹp như in. Hồi ấy, mỗi giai đoạn chỉ có một giá điện cho các mục đích sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất và chưa có mức giá lũy tiến, chưa tính thuế VAT, nên việc lập hoá đơn đơn giản nhiều. Ngoài ra, chú Phan cho làm sẵn bảng tính ứng với từng mức kWh tiêu thụ thành tiền phải thanh toán là bao nhiêu, nên chị em chúng tôi đỡ vất vả hơn, làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Gần 3 năm tham gia lập hoá đơn tiền điện kiểu thủ công, với tôi, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ...


  • 18/12/2014 11:35
  • Nguồn bài và ảnh: EVN CPC
  • 3377


Gửi nhận xét