Chuyển đổi số tại EVN: Quyết liệt trong lãnh đạo, tạo chuyển biến về chất

Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” đã được EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện với một quyết tâm cao, nhiều giải pháp đồng bộ. Những thành công chuyển đổi số của EVN trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho Tập đoàn và khách hàng sử dụng điện, mà đã góp phần xây dựng nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo toàn diện, triển khai thực chất

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Với vai trò và trọng trách đó, trong thời gian qua, Đảng ủy EVN đã ban hành các nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn và các đơn vị quyết tâm xây dựng EVN trở thành Tập đoàn năng lượng phát triển toàn diện. Việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số được xác định là nền tảng quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Tập đoàn phát triển nhanh, mạnh, bền vững. 

Với tinh thần nghiêm túc, chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, có kế hoạch cụ thể, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết. 

Thời điểm đó, đặc thù Đảng bộ EVN là Đảng bộ không toàn Tập đoàn. Đối với những Đảng bộ không trực thuộc, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn giao Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn chỉ đạo các Ban tham mưu, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết. Theo đó, ngày 17/02/2021, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã có Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. Tập đoàn cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cơ sở để các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình, thống nhất theo định hướng, chỉ tiêu được Tập đoàn giao. Lãnh đạo EVN cũng giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng đơn vị, sát sao theo dõi, đánh giá, chấm điểm từng hạng mục công việc, xếp hạng chuyển đổi số các đơn vị trong EVN.

Đồng chí Trần Đình Nhân - Phó Bí thư Đảng ủy- Tổng Giám đốc EVN khẳng định, chuyển đổi số và an toàn thông tin là vấn đề rất quan trọng với EVN. Chuyển đổi số trong EVN triển khai đảm bảo tiêu chí thực chất và hiệu quả. Các cấp lãnh đạo trong toàn Tập đoàn nhận thức rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành Điện lực; vì vậy, từng CBNV-NLĐ cần chủ động tham gia chuyển đổi số, đồng hành, cùng nỗ lực vì mục tiêu chung của EVN.

Với tinh thần tích cực triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số, nhiều đơn vị đã được ghi nhận với những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận như: Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trên cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận là Doanh nghiệp số; một số đơn vị như: Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam,… đạt nhiều giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia. 

Từ những nỗ lực, quyết tâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị như vậy, tới cuối năm 2022, EVN đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi số ở mức cao, cán đích mục tiêu đề ra. 

Năm 2022 là năm thứ 4 EVN được nhận Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc

Gắn với mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia

Quá trình chuyển đổi số của EVN luôn gắn liền và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, EVN đã không ngừng đổi mới, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện. 

Từ năm 2019, EVN đã được Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 - mức độ cao nhất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Từ năm 2022, EVN được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để cung cấp 2 dịch vụ điện. “EVN đã hoàn thành sớm 5 tháng so với nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg” - đồng chí Võ Quang Lâm, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay. 

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mở rộng việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư cho 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 của EVN đang cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đây cũng là nỗ lực của EVN trong việc thực hiện chủ đề năm 2023 - năm Dữ liệu số quốc gia; cũng là đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án 06).
Theo dữ liệu cuối tháng 8/2023 được công bố trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong 21 bộ, ngành cung cấp dịch vụ trực tuyến trên Cổng, EVN xếp hạng 1 và là đơn vị đã xuất sắc duy trì vị trí dẫn đầu trong nhiều tháng liên tiếp trên Cổng.

Hiện nay, hệ sinh thái số EVNConnect của EVN cũng đã được phát triển với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung của quốc gia và cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số này. 

Thời gian gần đây, EVN đã phải đối diện với không ít khó khăn về tình hình cân bằng tài chính, cũng như những thách thức rất lớn, khó lường, bất lợi xảy ra đồng thời trong cung ứng điện, đặc biệt trong cao điểm mùa khô năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn càng lớn, nỗ lực và quyết tâm của CBNV, người lao động EVN lại càng cao. Ở giai đoạn hiện nay, từ những nền tảng đã đạt được sau khi cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, EVN tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý, quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đã được Đảng ủy Tập đoàn đề ra, trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. 

“Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực, ngành dầu khí, hướng đến tự động hoá, thông minh hoá trong quản trị và vận hành. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số ASEAN, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái số làm nền tảng để phát triển và thực hiện vai trò dẫn dắt ngành tại Việt Nam.” - Trích Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ban hành ngày 07/6/2021.


  • 09/10/2023 03:34
  • Theo Tạp chí Điện lực quý III/2023
  • 7299