Chúng tôi rất yên tâm về công tác vận hành hồ chứa thủy điện của EVN

Đó là chia sẻ của ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) với evn.com.vn, về công tác chủ động ứng phó với thiên tai của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiều 10/11.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác ứng phó với thiên tai trong thời gian qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam?

Ông Trần Quang Hoài: Công tác ứng phó và phòng chống thiên tai của EVN được triển khai đồng bộ, được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao.

Đối với các hồ chứa thủy điện của EVN, Ban Chỉ đạo Trung ương yên tâm hơn rất nhiều so với các hồ chứa khác. Hồ chứa được kiểm tra đánh giá kỹ càng trước mùa mưa bão. Công tác quản lý vận hành đúng theo quy định. Công tác theo dõi giám sát, quan trắc đập, quan trắc mưa được thực hiện bài bản. Sự phối hợp của các chủ hồ thuộc EVN với Ban Chỉ đạo Trung ương, chính quyền địa phương trong công tác vận hành xả lũ thực hiện nhuần nhuyễn.

Đối với hệ thống lưới điện, khi bão lũ xảy ra, EVN huy động các lực lượng trực ban nghiêm túc, đông đảo. EVN chủ động cắt điện đối với khu vực nguy hiểm và khẩn trương phục hồi những tuyến đường dây bị sự cố sau bão, lũ. EVN huy động lực lượng rất nhịp nhàng, huy động tổng lực để nhanh chóng cấp điện trở lại. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục vụ chỉ đạo điều hành của Trung ương, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân sau bão.

PV: Trước bão số 13, ông có lưu ý gì với EVN và chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập, lưới điện?

Ông Trần Quang Hoài: Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có công văn hỏa tốc gửi EVN, chính quyền các địa phương về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ. Trong đó, Ban Chỉ đạo có yêu cầu chính quyền địa phương chặt tỉa cành cây nhằm giảm thiểu tác động đến kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu điện nếu có mưa bão tác động đến.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương phối hợp chặt chẽ với EVN, các hồ chứa thủy điện của EVN đảm bảo vận hành theo đúng quy trình, tiếp tục tuyên truyền tới nhân dân vùng hạ du trước khi xả lũ theo quy định; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ.

Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức lực lượng thường trực đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, chủ động cắt điện khi bão đổ bộ đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra rủi ro; kịp thời khắc phục sự cố trong mưa bão để sẵn sàng cấp điện trở lại phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Có thể nói, công tác ứng phó với thiên tai được EVN thực hiện rất tốt rồi, nhưng không được phép chủ quan mà cần tăng cường nâng cao hơn nữa công tác vận hành bằng sử dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại hơn.

Từ ngày 31/10 đến ngày 4/11, công nhân Công ty Truyền tải điện 3 đã tới hỗ trợ Tổng công ty Điện lực miền Trung thi công kéo dây đường dây 110kV Quảng Ngãi -  Tư Nghĩa bị sự cố sau bão số 9.

PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng nếu dự báo về lượng mưa được đến phạm vi nhỏ hơn, như đến cấp huyện, sẽ phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Ông Trần Quang Hoài: Đối với thiên tai, mưa là yếu tố gây rủi ro lớn nhất. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực trong công tác dự báo và chất lượng dự báo về mưa đã được nâng lên, những khu vực trọng yếu đã dự báo được đến cấp huyện. Một số khu vực sạt lở đất vừa qua cũng đã dự báo chi tiết.

Hiện nay có gần 2.000 trạm đo mưa tự động trên khắp cả nước, đây là điều rất cần thiết cho những người làm công tác phòng chống thiên tai, bởi biết được lượng mưa sẽ tính ngay được lũ và lũ quét sạt lở đất ở khu vực đó.

Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo và trang thiết bị đo tự động để phục vụ công tác phòng chống thiên tai được tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!