Tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam: Đến lúc bứt phá

08:24, 21/04/2025

Báo cáo mới nhất hé lộ tiềm năng hơn 1.000 GW điện gió ngoài khơi, tạo nền tảng cho Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng xanh khu vực.

Chiều 18/4 tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với UNDP và Đại sứ quán Na Uy công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam.

Lễ công bố với sự tham dự của ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn; ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện Thường trú chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Mette Møglestue – Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cùng các chuyên gia, đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Tổ chức phát triển Đức GIZ (Đại sứ quán Đức); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) cùng một số doanh nghiệp năng lượng; đại diện của các tỉnh, thành phố ven biển...

Toàn cảnh lễ công bố báo cáo

Bạc Liêu và Ninh Thuận chiếm ưu thế

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hoàng Đức Cường - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào; nguồn năng lượng này sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không các-bon. Tuy nhiên các thiên tai có nguồn gốc từ biển cũng hoạt động hết sức phức tạp, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tính ổn định của việc vận hành và khai thác nguồn năng năng lượng tái tạo này.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn

"Chính vì vậy, việc đánh giá khách quan tiềm năng năng lượng gió biển, có xét đến tác động, rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên cần thiết và có ý nghĩa"- ông Cường nhấn mạnh.

Sau gần 2 năm thực hiện, Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển và xa bờ Việt Nam” do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thực hiện, với sự hỗ trợ của UNDP và Đại sứ quán Na Uy, là cơ sở khoa học quan trọng góp phần hiện thực hóa chiến lược đó.

Bà Mette Møglestue – Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

Bà Mette Møglestue – Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam khẳng định: Đây là ví dụ hoàn hảo về sự hợp tác giữa các cơ quan của 2 nước để đạt được mục tiêu lớn, chúng tôi đã có cơ sở để đo được tiềm năng gió.

"Đối với quy hoạch không gian biển- các thông số điện gió được lấy từ cơ quan khí tượng thủy văn, đây là thông tin vô cùng quan trọng trong xây dựng điện gió ngoài khơi, chúng tôi kỳ vọng rằng báo cáo là kết quả sự hợp tác giữa hai bên, báo cáo sẽ có các thông tin kỹ thuật giúp cho các cơ quan quản lý hoạch định các chính sách phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi"- Phó Đại sứ Na Uy nhấn mạnh và cho biết, công tác đo đạc gió được dựa trên kinh nghiệm của Na Uy.

Các chuyên gia nhận định, đây là lần đầu tiên, Việt Nam sở hữu bộ dữ liệu khí hậu gió biển có độ phân giải cao (3x3 km), xây dựng từ chuỗi số liệu kéo dài 30 năm (1991–2020), đủ khả năng hỗ trợ hoạch định quy hoạch, thiết kế dự án, lựa chọn công nghệ và đánh giá hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Mục tiêu lớn nhất của báo cáo là xây dựng bộ dữ liệu khí hậu gió biển có độ phân giải cao (3x3 km), dựa trên chuỗi số liệu kéo dài suốt 30 năm (1991–2020), từ đó xác định chính xác tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió ngoài khơi. Đây là nền tảng dữ liệu quan trọng nhằm hỗ trợ quy hoạch, đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đã chính thức đặt ra mục tiêu rõ ràng về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Dựa trên mô hình WRF cấu hình riêng cho vùng biển Việt Nam, báo cáo ước tính tiềm năng kỹ thuật điện gió toàn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lên tới 1.068 GW (tại độ cao 100m), trong đó khu vực biển phía Nam chiếm gần 900 GW - gấp hơn 5 lần khu vực phía Bắc. Đây là con số vượt xa các đánh giá trước đó của Ngân hàng Thế giới (599 GW) nhờ phạm vi khảo sát rộng hơn, sử dụng dữ liệu vệ tinh kết hợp số liệu thực đo tại các trạm quan trắc ven biển, hải đảo và phao biển.

Khu vực ven bờ (tới 6 hải lý) vốn dễ tiếp cận, chi phí đầu tư hạ tầng thấp cũng ghi nhận tiềm năng kỹ thuật lớn với tổng công suất 57,8 GW. Các cụm tiềm năng nổi bật tập trung tại Bạc Liêu – Cà Mau (trên 16 GW), Ninh Thuận – Bình Thuận (trên 24 GW), trong khi vùng Bắc Bộ chỉ đạt 0,17 GW do nhiều hạn chế địa hình và quy hoạch.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia trình bày tóm tắt báo cáo

Đáng chú ý, báo cáo còn phân tích chi tiết tính biến động theo mùa, cho thấy gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau mang lại hiệu suất phát điện tối ưu cho khu vực phía Bắc và Trung. Tháng 12 là giai đoạn “vàng” cho sản lượng điện gió ngoài khơi toàn quốc. Ngược lại, tháng 5-6 có tốc độ gió thấp, cần được tính toán kỹ trong vận hành và bảo trì hệ thống.

Atlas gió biển: Công cụ nền tảng cho quy hoạch và đầu tư

Một đóng góp quan trọng của báo cáo là việc xây dựng bộ Atlas năng lượng gió biển Việt Nam với 204 bản đồ chi tiết theo tháng, mùa và năm, ở các độ cao từ 10m đến 250m. Bộ Atlas thể hiện tốc độ gió, mật độ công suất, hệ số biến thiên gió ở từng ô lưới 3x3 km trên toàn vùng biển Việt Nam. Với khả năng tích hợp vào các hệ thống GIS, đây là công cụ không thể thiếu cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý trong việc lựa chọn vùng phát triển ưu tiên, thiết kế tuabin tối ưu và dự báo sản lượng điện.

Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, “Báo cáo được công bố hôm nay cung cấp bộ Atlat gió ngoài khơi chi tiết nhất từ trước đến nay, với dữ liệu mô phỏng với chuỗi thời gian dài tới 30 năm và có độ phân giải cao. Đây là công cụ thiết thực để hỗ trợ quy hoạch không gian biển, phát triển ngành điện gió và thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa phê duyệt Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể ven biển và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh”.

Ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện Thường trú chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá các rủi ro khí tượng hải văn như bão, gió mạnh, sóng lớn và dòng chảy có thể ảnh hưởng đến tính ổn định và an toàn của các dự án điện gió ngoài khơi. Phân tích này giúp hình thành bản đồ vùng rủi ro, từ đó định hướng các khu vực nên và không nên phát triển.

Từ những kết quả này, báo cáo khuyến nghị cần đầu tư thêm các trạm đo gió trên biển có độ cao trên 100 m, mở rộng nghiên cứu năng lượng sóng, thủy triều, đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu khí tượng hải văn minh bạch cho doanh nghiệp và giới nghiên cứu.

Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển và xa bờ Việt Nam” là bước tiến quan trọng, giúp lấp đầy khoảng trống dữ liệu vốn cản trở phát triển điện gió ngoài khơi trong nhiều năm qua. Đây không chỉ là nền tảng khoa học phục vụ quy hoạch và đầu tư, mà còn là cơ sở để Việt Nam từng bước định hình một ngành công nghiệp điện gió biển quy mô lớn, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 và nâng cao vị thế năng lượng tái tạo quốc gia trên bản đồ thế giới.

Link gốc


Theo Báo Công Thương

Share

Lãnh đạo EVN yêu cầu tăng tốc thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Lãnh đạo EVN yêu cầu tăng tốc thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Ngày 27/4/2025, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra thực tế thi công các gói thầu số 3, 5, 6, 7 thuộc dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Qua kiểm tra, lãnh đạo EVN ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng tham gia dự án, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh thi công để đảm bảo các mốc tiến độ đề ra.


Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Điện vươn khơi thắp sáng biển đảo Tổ quốc

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Điện vươn khơi thắp sáng biển đảo Tổ quốc

50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ánh điện đã chiếu sáng từ thành thị tới nông thôn, từ đất liền ra hải đảo. Đối với 5 huyện đảo phía Nam Tổ quốc, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thực hiện trọng trách đảm bảo điện.


Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về những ngày đầu tiếp quản đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim của ông Vũ Hiền - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), khi đó là trưởng ban quân quản Nhà máy. Nội dung lược trích từ cuốn sách “Sáng mãi niềm tin”, tác giả Vũ Hiền, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2007 và đã được ban biên tập biên soạn lại.


Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mất điện diện rộng, tê liệt toàn quốc

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mất điện diện rộng, tê liệt toàn quốc

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã trải qua một vụ mất điện đột ngột trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Sân bay cũng phải đóng cửa, còn hành khách mắc kẹt trong tàu điện ngầm.


Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Ngày 29/4, tại tỉnh Hòa Bình, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra tình hình thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) và nhà thầu phải sát sao theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, có biện pháp tổ chức thi công an toàn trước diễn biến thời tiết bất thường.