Phát huy tinh thần thi đua yêu nước trong công cuộc chuyển đổi số

09:39, 30/06/2025

Xác định chuyển đổi số là chiến lược dài hạn, chỉ trong 5 năm (2020 – 2025), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một tập đoàn hiện đại, vận dụng tốt ưu điểm của công nghệ số để mang lại lợi ích cho khách hàng, góp phần xây dựng nền kinh tế số của đất nước. Để đạt được thành tích ấn tượng như vậy phải kể đến vai trò của những nhân tố tiêu biểu, được phát hiện và bồi dưỡng qua các phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Đi đầu trong công tác chuyển đổi số

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN đại diện EVN nhận giải thưởng Doanh nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc năm 2022. Nguồn ảnh: EVN

Dự kiến đến hết năm 2025, EVN sẽ cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả SXKD và NSLĐ trong toàn Tập đoàn.

Một số kết quả nổi bật đến nay như: 100% dịch vụ điện đã được EVN cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm hành chính công và Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố. Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 96,27%, tương ứng với số tiền thu đạt tỷ lệ 98,56%. Tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công đạt 99,99% và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính/điện thoại thông minh. EVN cũng đã hoàn thành nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS 4.0; tỷ lệ công tơ điện tử toàn EVN đạt 88,6%.

Các hệ thống phần mềm dùng chung đã được Tập đoàn triển khai đồng bộ, toàn diện và phát huy được hiệu quả, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, EVN đã đưa vào hoạt động hệ sinh thái số EVNConnect và kết nối đến hạ tầng số của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung.

 EVN đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động, giúp tối ưu hiệu quả công việc. Nguồn ảnh: EVN

Trong đầu tư – xây dựng, EVN đã ứng dụng các công nghệ khảo sát, thiết kế 3D, BIM; áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án: hồ sơ dự án điện tử, nhật ký thi công điện tử,... Từ năm 2021 đến nay, 100% các gói thầu được EVN tổ chức đấu thầu qua mạng.

Trong sản xuất, EVN đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp; áp dụng tin học hóa công tác sửa chữa theo phương pháp tin cậy hoặc có điều kiện (RCM/CBM). Toàn Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng 63/63 trung tâm điều khiển xa, tổng số trạm biến áp 220-110kV không người trực đạt tỷ lệ 97%....

Những năm vừa qua, EVN đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ về chuyển đổi sối như: năm 2024, EVN và các đơn vị có 2 sản phẩm được trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, 4 sản phẩm công nghệ đạt giải Sao Khuê, 2 sản phẩm/dự án được trao các giải thưởng quốc tế; 4 năm liên tiếp từ 2019 – 2022 đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia. Đồng thời, Tập đoàn cùng các đơn vị cũng có nhiều sản phẩm công nghệ được công nhận “Make in Viet Nam” 2022, 2024… Kết quả chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được ghi nhận đạt mức 4 (trong tổng số 5 mức độ). Đầu năm 2025, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BCĐCĐS ngày 03/02/2025, phê duyệt và ghi nhận EVN là đơn vị dẫn đầu trong 19 doanh nghiệp nhà nước về chuyển đổi số.

Vai trò của nhân tố tiêu biểu

Kết quả thực tế tại EVN cho thấy, để thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách toàn diện cần có chiến lược bài bản, quyết sách phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó còn một yếu tố cũng đóng vai trò quyết định đến sự thành công, chính là tinh thần đồng lòng, quyết tâm và hưởng ứng của đội ngũ người lao động trực tiếp tại từng đơn vị.

Thông qua các phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, nhiều nhân tố tích cực được phát hiện và nhân rộng. Trong đó, chương trình “10 nghìn sáng kiến” do Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động bắt nguồn từ lời kêu gọi “1 triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính là một trong những phong trào giúp Tập đoàn “bội thu” thành tích chuyển đổi số với những cá nhân xuất sắc.

Kỹ sư Đặng Minh Trọng - Ban Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số EVN. Ảnh: NVCC

Tiêu biểu như kỹ sư Đặng Minh Trọng, hiện đang công tác tại Ban Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số EVN. Có thâm niên gần 30 năm công tác tại Tập đoàn, anh Trọng cùng các đồng nghiệp của mình đã thực hiện thành công nhiều đề án, giải pháp chuyển đổi số quan trọng, trong đó hoàn thành xuất sắc triển khai các chương trình chuyển đổi số của EVN giai đoạn 2021 – 2022, đến năm 2025. Cụ thể là: “Đề án Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021-2022, đến 2025”, chương trình “Hiện đại hóa xây dựng phần mềm dùng chung trong Tập đoàn”, “Nghiên cứu cách thức đánh giá, tham mưu mô hình và giải pháp đánh giá chuyển đổi số phù hợp với EVN theo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp ban hành kèm theo các Quyết định số 786/QĐ-UBQLV ngày 29/12/2023 Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”... Hiện nay, Ban Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số, trong đó có cá nhân anh Trọng, được Tập đoàn tin tưởng, giao trọng trách tiếp tục xây dựng “Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030” theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TƯ.

Tại các Tổng công ty Điện lực của EVN, phong trào chuyển đổi số cũng ghi được nhiều dấu ấn mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao năng lực trong công tác sửa chữa, vận hành lưới điện theo hướng hiện đại, thông minh. Tại Công ty Điện lực Đà Nẵng (Tổng công ty Điện lực miền Trung – EVNCPC), kỹ sư Trương Tùng Châu với thành tích 3 lần được trao Giải thưởng “Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam” (VIFOTEC) cho những sáng kiến ứng dụng công nghệ vào lao động, chính là một gương sáng điển hình trong công tác chuyển đổi số.

Kỹ sư Trương Tùng Châu - Công ty Điện lực Đà Nẵng (EVNCPC). Ảnh: NVCC

Những sáng kiến tiêu biểu của anh trong giai đoạn 2020 – 2025 như: “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành lưới điện trên bản đồ địa lý” (được ghi danh trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” năm 2021), “Nghiên cứu tính toán và phân tích các giải pháp đảm bảo an toàn cho công tác sửa chữa nóng trên lưới đang mang điện 22kV”, "Xây dựng công cụ tích hợp dữ liệu từ chương trình quản lý kỹ thuật EVN PMIS và tự động vẽ đường dây để khởi tạo và biên tập dữ liệu lưới điện trung áp trên nền bản đồ GIS"... là một vài trong số rất nhiều sáng kiến mà anh Châu cùng “đồng đội” đã thực hiện thành công, giá trị làm lợi rất lớn và được ứng dụng rộng rãi toàn Tổng công ty.

Những gương sáng điển hình trong chuyển đổi số tại EVN như anh Đặng Minh Trọng, anh Nguyễn Tùng Châu đã và đang dần được phát triển, bồi dưỡng thông qua các phong trào thi đua được tổ chức bài bản, sâu rộng từ cấp Tập đoàn đến từng đơn vị. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến cũng được triển khai thực hiện kịp thời, tạo động lực thi đua và là nguồn động viên tinh thần để các đoàn viên, người lao động EVN hăng hái, tích cực tham gia các phong trào sáng kiến, sáng tạo trong lao động, chung tay vì sự phát triển của ngành Điện lực Việt Nam.

Chuyển đổi số tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thời gian tới sẽ được triển khai bám sát theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, cùng với khí thế bước vào phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2025 – 2030 đóng vai trò như “chất xúc tác”, những nhân tố điển hình sẽ tiếp tục được phát hiện, khuyến khích mạnh mẽ để họ phát huy trí tuệ cá nhân và sức mạnh tập thể. Qua đó, tiếp tục đưa EVN giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đồng hành và “trợ lực” cho sự phát triển của đất nước.


H.Anh

Share

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 3

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 3

Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn, Ban Quản lý dự án Điện 3 (EVNPMB3) được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 3, kể từ ngày 01/7/2025.


Kỹ sư Đỗ Huy Hoàng: 'Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành Điện'

Kỹ sư Đỗ Huy Hoàng: 'Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành Điện'

Đối với kỹ sư Đỗ Huy Hoàng, khoác trên mình bộ trang phục màu cam không phải là công việc mưu sinh đơn thuần. Anh tận tâm, tận tuỵ thực hiện công việc với niềm tự hào, sự sáng tạo và trách nhiệm cao của những người gìn giữ ánh sáng.


Tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái

Tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái

Dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái đang được Ban Quản lý dự án Điện 3 cùng các nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực, tăng cường nhân sự, thiết bị và tổ chức thi công 3 ca liên tục nhằm bám tiến độ tổng thể, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong quý III và cả năm 2025.


Tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái

Tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái

Dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái đang được Ban Quản lý dự án Điện 3 cùng các nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực, tăng cường nhân sự, thiết bị và tổ chức thi công 3 ca liên tục nhằm bám tiến độ tổng thể, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong quý III và cả năm 2025.


Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương kiểm tra tiến độ thi công dự án NMTĐ tích năng Bác Ái

Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương kiểm tra tiến độ thi công dự án NMTĐ tích năng Bác Ái

Sáng 01/7/2025, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Hồng Phương đã kiểm tra công trường thi công xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) tích năng Bác Ái, tại xã Bác Ái Tây, tỉnh Khánh Hòa (trước là xã Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận)