Iran đối mặt khủng hoảng năng lượng ngày một trầm trọng

13:47, 23/12/2024

Iran, một quốc gia sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu thô lớn nhất thế giới, đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Các vấn đề tích tụ qua nhiều năm như cơ sở hạ tầng lỗi thời, quản lý yếu kém, tiêu thụ lãng phí, và lệnh trừng phạt quốc tế đã đẩy quốc gia này vào tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Cuộc khủng hoảng đã làm tê liệt hầu hết các hoạt động thường nhật và sản xuất công nghiệp tại Iran. Các văn phòng chính phủ cắt giảm giờ làm việc, trường học và đại học chuyển sang dạy học trực tuyến, cắt điện khiến hoạt động sản xuất của các nhà máy lớn trong nước giảm sút nghiêm trọng, các trung tâm thương mại và đường cao tốc chìm trong bóng tối, đẩy đời sống người dân vào cảnh bất ổn.

Một nhà máy gỗ nhỏ ở Tehran phải ngừng hoạt động vì mất điện. Tình trạng mất điện diện rộng có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Ảnh: The New York Times

Theo chính phủ Iran, nguồn khí đốt để vận hành đất nước đang thiếu hụt khoảng 350 triệu mét khối mỗi ngày, buộc chính phủ phải ưu tiên khí đốt cho các hộ dân cư để đảm bảo an toàn và cung cấp nhiệt trong mùa đông. Điều này dẫn đến việc cắt giảm nghiêm trọng nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện, khiến 17 nhà máy phải ngừng hoạt động hoàn toàn, trong khi phần còn lại hoạt động cầm chừng.

Ông Mehdi Bostanchi, người đứng đầu Hội đồng Điều phối Công nghiệp Iran cho biết tình trạng mất điện kéo dài đã làm giảm năng suất sản xuất công nghiệp trên toàn quốc từ 30% đến 50%, với thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đô la chỉ trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế, là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ đóng cửa hoàn toàn. Ông Bostanchi nhấn mạnh, đây là tình huống chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Iran, "thảm khốc" đối với toàn bộ lĩnh vực sản xuất, làm lung lay sự ổn định của cả nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là kết quả của nhiều năm quản lý kém hiệu quả và cơ sở hạ tầng không được nâng cấp. Đồng thời, lệnh trừng phạt quốc tế đã làm gián đoạn các khoản đầu tư nước ngoài cần thiết để hiện đại hóa ngành năng lượng. Thêm vào đó, tiêu dùng lãng phí do giá năng lượng thấp và hệ thống phân phối không tối ưu càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Một yếu tố khác góp phần vào tình trạng này là cuộc chiến bí mật với Israel. Vào tháng 2, Israel đã phá hủy hai đường ống dẫn khí đốt quan trọng của Iran, buộc chính phủ phải khai thác kho dự trữ khí đốt khẩn cấp để tránh tình trạng gián đoạn dịch vụ trên diện rộng.

Tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian, cho biết chính phủ của ông đã thừa hưởng một hệ thống năng lượng kiệt quệ và không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông đã xin lỗi người dân và cam kết sẽ tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng vào năm tới.

Cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người dân. Tình trạng mất điện kéo dài gây gián đoạn dịch vụ cơ bản như đèn giao thông, thang máy, và hệ thống sưởi ấm. Các trường học phải chuyển sang học trực tuyến trong phần còn lại của học kỳ, trong khi các ngân hàng và cơ quan chính phủ giảm giờ hoạt động để tiết kiệm năng lượng.

Saeed Tavakoli, giám đốc Công ty khí đốt nhà nước Iran (NIGC), cho biết khoảng 73.000 căn nhà nghỉ dưỡng không có người ở đã bị cắt khí đốt để tập trung vào nhu cầu dân cư chính. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng có thể dẫn đến bất ổn xã hội nghiêm trọng. “Cuộc khủng hoảng này giống như một thùng thuốc súng. Nếu không được kiểm soát, nó có thể gây ra làn sóng phản đối và bất ổn trên toàn quốc,” ông Seyed Hamid Hosseini, thành viên Ủy ban Năng lượng phòng Thương mại Iran, nhận định. 

Đồng nội tệ của Iran, đồng rial, đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong lịch sử, làm tăng thêm áp lực kinh tế lên người dân và doanh nghiệp. Các ngành công nghiệp trọng điểm như thép, thực phẩm, và dược phẩm đều bị ảnh hưởng nặng nề, gây ra tâm lý bất ổn trong khu vực tư nhân.

Chủ sở hữu một nhà máy vật liệu xây dựng lớn tại thủ đô Tehran cho biết, dù đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trong lịch sử Iran như cách mạng, chiến tranh và các lệnh trừng phạt, nhưng chưa bao giờ ông chứng kiến sự hỗn loạn và căng thẳng như hiện tại. Ông nhận định Iran đang chìm trong chuỗi khủng hoảng khó lường mà chính phủ không thể kiểm soát.

Chính phủ Iran đã phát động một chiến dịch truyền thông, kêu gọi người dân giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách hạ nhiệt độ trong nhà và hạn chế sử dụng thiết bị điện. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời và không đủ để giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Esfandyar Batmanghelidj, giám đốc điều hành Bourse & Bazaar Foundation, nhận định: “Iran đang đối mặt với những điểm yếu trên toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng, từ sản xuất đến phân phối. Nếu không cải cách mạnh mẽ, tình trạng này sẽ kéo dài và gây thiệt hại ngày một trầm trọng hơn.”


Nguyệt Hà (The New York Times)

Share

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về những ngày đầu tiếp quản đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim của ông Vũ Hiền - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), khi đó là trưởng ban quân quản Nhà máy. Nội dung lược trích từ cuốn sách “Sáng mãi niềm tin”, tác giả Vũ Hiền, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2007 và đã được ban biên tập biên soạn lại.


Đoàn Thanh niên EVN ban hành kế hoạch hưởng ứng "Phong trào thi đua Lao động sáng tạo và Chương trình 10.000 sáng kiến giai đoạn 2025 - 2028"

Đoàn Thanh niên EVN ban hành kế hoạch hưởng ứng "Phong trào thi đua Lao động sáng tạo và Chương trình 10.000 sáng kiến giai đoạn 2025 - 2028"

Theo Kế hoạch số 49-KH/ĐTNEVN ngày 25/4/2025, Đoàn Thanh niên EVN sẽ có nhiều hoạt động cấp cơ sở để hưởng ứng Chỉ thị liên tịch số 155/CTLT-EVN-CĐ (Chỉ thị 155) ngày 15/4/2025 của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam.


Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Điện vươn khơi thắp sáng biển đảo Tổ quốc

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Điện vươn khơi thắp sáng biển đảo Tổ quốc

50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ánh điện đã chiếu sáng từ thành thị tới nông thôn, từ đất liền ra hải đảo. Đối với 5 huyện đảo phía Nam Tổ quốc, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thực hiện trọng trách đảm bảo điện.


Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sáng 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). www.evn.com.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tô Lâm.


Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Ngày 29/4, tại tỉnh Hòa Bình, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra tình hình thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) và nhà thầu phải sát sao theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, có biện pháp tổ chức thi công an toàn trước diễn biến thời tiết bất thường.