Điện lực Việt Nam: Lược sử 70 năm xây dựng và phát triển (Bài 2)

10:59, 19/12/2024

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Điện Việt Nam luôn khẳng định vai trò “đi trước một bước” phục vụ công cuộc đổi mới, CNH – HĐH đất nước.

Kỳ 2: Nhanh chóng tiếp quản các cơ sở điện lực, hoàn thành những công trình lớn (Giai đoạn 1976 -1985)

Những năm đầu thống nhất đất nước, việc tiếp quản các cơ sở điện lực được tiến hành nhanh gọn, đồng bộ với các ngành khác. Ngành Điện lực một mặt xác lập chương trình điều tra tổng quát và xây dựng quy hoạch tổng thể đối với điện lực ở các vùng mới giải phóng, mặt khác tiếp tục chi viện tối đa cho miền Nam và miền Trung. Bên cạnh đó, thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 1, ngành Điện hoàn thành đúng tiến độ những công trình lớn, mang tầm chiến lược quốc gia về nguồn và lưới điện.

Giai đoạn 1976 - 1980

Ở miền Bắc, hầu hết các nguồn điện đã khôi phục xong. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí tiếp tục được mở rộng. Các khu công nghiệp quan trọng được ngành Điện trang bị thêm các nguồn tại chỗ như lắp đặt tua bin khí chạy dầu cho An Lạc (Hải Phòng), chuyển một loạt máy diezel từ miền Nam ra để bổ sung cho Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, đồng thời xúc tiến khảo sát thăm dò và xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1979) và Nhiệt điện Phả Lại (1980).

Ngày 6/11/1979, hàng vạn cán bộ, công nhân viên Việt Nam và 186 chuyên gia Liên Xô đã cùng tham gia Lễ khởi công xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình. Công trình do Liên Xô giúp đỡ với 8 tổ máy, tổng công suất 1.920MW.

Về lưới điện: khôi phục, hoàn chỉnh các trạm 110kV, xây dựng mới đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ áp của các thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội. Nâng tổng chiều dài lưới điện truyền tải 110kV lên 846km, tổng lưới 35kV là 3.000km.

Tháng 3/1979, tuyến đường dây 220kV Hà Đông - Hòa Bình được khởi công xây dựng và đến tháng 5/1981 đưa vào vận hành. Đây là đường dây truyền tải 220kV đầu tiên ở miền Bắc, nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện và tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam sau này.

Đường dây 220kV đầu tiên Hà Đông - Hòa Bình. Nguồn: cosodulieu.evn.com.vn

Về phụ tải, công suất sử dụng của công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần, công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần, công suất sử dụng cho thuỷ lợi tăng 1,2 lần. Tuy nhiên, chiến tranh biên giới (17/02/1979) làm cho nhiều cơ sở điện lực vùng biên bị phá hủy nặng nề. Nhà máy điện Lào Cai (8MW) bị phá hủy hoàn toàn. Các trạm thủy điện vùng Hà Tuyên và nhiều đường dây, trạm điện ở Lạng Sơn bị hư hỏng nặng.

Ở miền Trung, trong giai đoạn này, ngành Điện phục hồi các trạm diezel, xây dựng Nhà máy điện diezel Đồng Hới (14MW), cải tạo những vị trí lưới điện cũ nát, xây dựng mới đường dây 35 kV Huế - Đồng Hới, phát triển lưới 15kV để phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Ở miền Nam, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật miền Bắc được điều động vào chi viện đã hoàn thành xuất sắc việc khôi phục Thủy điện Đa Nhim, đảm bảo 34% công suất cho toàn miền, đóng góp thêm sản lượng 1.280 triệu kWh/năm từ cuối năm 1976.

Bằng nguồn vốn của Pháp, ngành Điện đã xây dựng, mở rộng đường dây 230kV từ Cần Thơ về TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn nâng cấp lưới truyền tải từ 15kV lên 66kV và tiếp đến là lên 110kV để phục vụ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Ngành Điện lực Việt Nam đến hết năm 1980:

-  Tổng công suất điện toàn quốc: 1.377,5MW

-  Tổng sản lượng điện: 3,559 tỷ kWh

Giai đoạn 1981 - 1985

Ngày 23/4/1981, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Bộ Điện lực là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý ngành Điện trong cả nước. Ông Phạm Khai được bổ nhiệm làm Bộ trưởng. Ngày 09/5/1981, Bộ trưởng Bộ Điện lực ra quyết định đổi tên các công ty điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung lần lượt là Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực 3. Các sở quản lý phân phối điện khu vực được đổi thành các sở điện lực tỉnh, thành phố.

Trong giai đoạn 1981-1985, ở miền Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được đưa vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo ổn định cho hệ thống, tránh được tình trạng “ăn đong” về công suất. Ngành Điện triển khai xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, củng cố các nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên, khai thác sử dụng hết công suất của Thủy điện Thác Bà… Trong thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, Thủy điện Hòa Bình được đánh giá là “công trình thế kỷ” của đất nước và mang tầm thế giới. Ngày 12/01/1983, Lễ ngăn sông đợt 1 được tổ chức trọng thể với sự có mặt của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Về lưới điện, các đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh, Phả Lại - Hà Đông, các trạm biến áp 110kV, 220kV Hà Đông đưa vào vận hành vượt tiến độ. Nhiều trạm biến áp trung gian và đường dây phân phối được lắp đặt và đưa vào vận hành kịp thời, tạo điều kiện để Phả Lại tiếp tục đưa vào vận hành các tổ máy mới.

Ở miền Trung, chủ yếu vẫn là củng cố và phát huy các nguồn diezel sẵn có. Sản lượng điện miền Trung tăng chưa nhiều: 154 triệu kWh (năm 1981) lên 249 triệu kWh (năm 1985). Hằng năm mua điện của miền Nam từ 30,1 triệu kWh (1981) đến 78,2 triệu kWh (1985).

Ở miền Nam, tận dụng các nguồn điện hiện có, đại tu thay thế các thiết bị đã cũ nát, nhằm tăng công suất, khắc phục tình trạng cúp điện luân phiên.

Ngày 30/4/1984, khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (400MW). Năm 1985, khởi công Nhà máy Thủy điện Đray H’Linh trên sông Srepok (12MW).

Việc cải tạo lưới điện, ưu tiên cung cấp điện cho các hộ trọng điểm, sắp xếp các xí nghiệp nghỉ luân phiên, tiết giảm định mức sử dụng điện là những biện pháp tình thế trong khi các nguồn điện mới chưa đưa vào vận hành. Vì vậy, ở giai đoạn này, công suất và sản lượng điện tăng không đáng kể.

Ngành Điện lực Việt Nam đến hết năm 1985:

- Tổng công suất: 1.605,3MW

- Tổng sản lượng điện sản xuất: 5.064 triệu kWh

- Tổng sản lượng điện thương phẩm: 3.866 triệu kWh

Kính mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Kỳ 3: Lưới điện quốc gia thông suốt từ Bắc vào Nam qua đường dây siêu cao áp 500kV mạch 1 (Giai đoạn 1986 – 1994)


PV (tổng hợp)

Share

Lãnh đạo EVN yêu cầu tăng tốc thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Lãnh đạo EVN yêu cầu tăng tốc thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Ngày 27/4/2025, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra thực tế thi công các gói thầu số 3, 5, 6, 7 thuộc dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Qua kiểm tra, lãnh đạo EVN ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng tham gia dự án, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh thi công để đảm bảo các mốc tiến độ đề ra.


Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Điện vươn khơi thắp sáng biển đảo Tổ quốc

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Điện vươn khơi thắp sáng biển đảo Tổ quốc

50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ánh điện đã chiếu sáng từ thành thị tới nông thôn, từ đất liền ra hải đảo. Đối với 5 huyện đảo phía Nam Tổ quốc, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thực hiện trọng trách đảm bảo điện.


Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về những ngày đầu tiếp quản đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim của ông Vũ Hiền - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), khi đó là trưởng ban quân quản Nhà máy. Nội dung lược trích từ cuốn sách “Sáng mãi niềm tin”, tác giả Vũ Hiền, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2007 và đã được ban biên tập biên soạn lại.


Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sáng 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). www.evn.com.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tô Lâm.


Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Ngày 29/4, tại tỉnh Hòa Bình, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra tình hình thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) và nhà thầu phải sát sao theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, có biện pháp tổ chức thi công an toàn trước diễn biến thời tiết bất thường.