Ðiện với phát triển kinh tế biển ở Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa đất rộng, người đông nhưng điện lưới quốc gia đã về đến 100% số xã trong tỉnh. Riêng vùng biển xứ Thanh, điện không những đã đưa về từng hộ gia đình, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Ðiểm tựa cho phát triển các ngành nghề

Thanh Hóa có vùng biển dài hơn 100 km gồm năm huyện, một thị xã, tính từ cửa biển Thần Phú (Nga Sơn) giáp Ninh Bình vào đến đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia) giáp Nghệ An. Dân miền biển thường có tỷ lệ sinh đẻ cao, số dân đông, có xã mật độ dân số hơn 5.000 người/km2 trong khi đất đai chật hẹp, ngành nghề ít, tàu thuyền đánh bắt cá tuy nhiều hơn trước, nhưng phần lớn là tàu thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, dẫn đến lao động dôi dư quá nhiều.

Bài toán giải quyết việc làm tại chỗ nhằm phát triển kinh tế không dễ có lời giải, nếu cơ cấu kinh tế chưa chuyển dịch mạnh thì cuộc sống cứ loay hoay, quẩn quanh trong vòng thuần nông, thuần ngư. Muốn giải được bài toán này, các cấp ủy Ðảng cùng chính quyền địa phương thấy rõ cần thiết đòi hỏi ngành điện vào cuộc. Ðiện phải đồng hành cùng với những quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển. Không có điện không thể thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp và nông thôn.

Nhận rõ trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của mình, những năm qua, cán bộ, công nhân Công ty Ðiện lực Thanh Hóa là đơn vị tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hướng ra biển đảo. Tuy nguồn vốn có hạn nhưng đội ngũ những người làm điện có quyết tâm cao, có cách làm dựa vào dân, lấy điện nuôi điện, tập trung đầu tư cho những công trình điện ở vùng trọng điểm. Hàng loạt công trình lưới điện, trạm biến áp được củng cố, nâng cấp, xây mới kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các khu công nghiệp lớn, các nhà máy do nước ngoài đầu tư và các cơ sở vừa và nhỏ của các chủ đầu tư trong nước.

Nhờ được cung cấp đủ điện cho nên công nghiệp xây dựng và nghề cá tại Hậu Lộc có điều kiện phát triển (Trong ảnh: Trạm biến áp 110kV huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa)

Hơn hai năm trước, về mấy huyện ven biển, chúng tôi vẫn nhận thấy con người và cảnh quan nhiều nơi còn mang đậm phong cách thôn dã. Nay đi trên đường liên huyện, liên xã đã được "cứng hóa", rất vui giữa đồng ruộng, bãi ngang gặp không ít những tốp nam, nữ công nhân quần áo đồng phục, đi xe đạp, xe máy hối hả đến công trường, nhà máy.

Hai huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, mỗi huyện có hai nhà máy may Hàn Quốc thu hút khoảng 5.000 lao động. Xã Quảng Lợi, Quảng Xương xưa kia có tên là làng Lau, nay đã hình thành một dự án đồ sộ, đó là khu công nghiệp và du lịch sinh thái biển Soto.

Ðến huyện Tĩnh Gia không khỏi ngỡ ngàng, bởi đây là huyện nghèo cuối tỉnh, vừa có vùng biển, vừa có đồng ruộng, bãi ngang lại có xã miền núi, bán sơn địa nay đã trở thành một huyện có khu kinh tế Nghi Sơn với quy mô rộng lớn vào bậc nhất trong nước, có Nhà máy xi-măng Nghi Sơn do Nhật Bản đầu tư, rồi nhà máy điện, nhà máy cán thép, nhà máy lọc hóa dầu và cảng biển nước sâu. Tĩnh Gia đang vươn lên làm giàu, sẽ còn giàu hơn khi biết doanh thu tiền bán điện cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế ở huyện này năm 2014 đạt mức 276 tỷ đồng, xấp xỉ với lượng điện tiêu thụ ở TP Thanh Hóa.

Ngoài những cơ sở công nghiệp dịch vụ lớn, do có điện, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ cũng được nâng cấp hoặc mới ra đời giải quyết nhiều việc làm như dệt chiếu, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, xe máy, gò hàn, rèn, mộc, xây dựng...

Nói đến kinh tế biển của Thanh Hóa, không thể không nói đến tiềm năng, thế mạnh du lịch, nghỉ dưỡng, mà thị xã Sầm Sơn là một trung tâm lớn với diện tích 17 km2, có hàng trăm khách sạn nhà nghỉ, nhà hàng, sắp tới có sân gôn chào đón nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham gia giải trí. Nếu không được cấp điện ổn định, các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, sân gôn cũng sẽ phải... "nghỉ" luôn.

Ưu tiên phát triển kinh tế biển

Về huyện Nga Sơn, tôi được Giám đốc Ðiện lực Nga Sơn Nguyễn Hải Ðăng đưa ra khu trang trại nuôi tôm cá tại xã Nga Tân. Tại đây hiện lên những hàng cột điện bê-tông trên các bờ vùng, bờ đập.

Ông chủ trang trại Ðỗ Xuân Sang cho biết, không có điện không thể sục khí để nuôi tôm, cá. Ở khu vực đầm lầy này đã có hai trạm biến áp. Mới đây, lãnh đạo Công ty Ðiện lực Thanh Hóa về thị sát đã quyết định đầu tư thêm một trạm biến áp lớn hơn, bảo đảm cấp điện cho cả khu nuôi trồng thủy sản 300 ha theo quy hoạch.

Về Hậu Lộc, chúng tôi được biết điện cho sản xuất nông lâm nghiệp trong huyện chỉ chiếm tỷ trọng 2,35%, riêng điện cho công nghiệp xây dựng và chế biến thủy sản chiếm đến 15,91%. Biết rõ không có điện thì xã Hòa Lộc bên cửa Lạch Trường không thể sản xuất được đá cây cấp cho tàu thuyền ra biển; con tôm, con cá đánh bắt được mang về không có điện cho các kho cấp đông thì sẽ bị hư hao giảm chất lượng.

Giám đốc Ðiện lực huyện Bùi Ðức Thuận khẳng định: Ngành điện phải thường xuyên ưu tiên cấp điện cho các cơ sở dịch vụ nghề cá. Ðến thăm Công ty cổ phần Thương mại Thanh Bình ở Quảng Tiến bên Lạch Trường - cơ sở làm dịch vụ cho nghề cá, chúng tôi được chủ cơ sở Ðỗ Mạnh Hùng cho biết: Anh đã đầu tư hơn 42 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, giải quyết việc làm cho khoảng 70 lao động. Riêng tiền điện hằng tháng từ 200 đến 300 triệu đồng. Anh Hùng bộc bạch: Chất lượng cung ứng điện ở đây rất bảo đảm. Các doanh nghiệp không có điều gì phải phàn nàn, kêu ca về điện. Nếu một ngày mất điện, công ty sẽ thiệt hại tiền tỷ.

Những vùng biển có cửa lạch đang dần trở thành những đô thị nhỏ bởi ở đây làm ăn nhộn nhịp, có nguồn điện tỏa sáng, là nơi tập trung những cơ sở nuôi trồng chế biến thủy, hải sản, có những đường phố khang trang. Ai tưởng tượng nổi trước đây mấy chục năm, bên cửa lạch này chỉ có một gia đình khá giả ở xã Hải Thanh mua được một cái máy nổ 1 kW chạy xăng, mỗi đêm vài giờ bật bóng đèn điện đã làm cho người dân quanh vùng trầm trồ thán phục. Bây giờ điện đã làm cho mọi thứ đổi khác.

Bức tranh về kinh tế biển ở Thanh Hóa có sự đóng góp xứng đáng của điện lực đã trở nên sáng sủa, nhiều mầu sắc. Tuy vậy, khó khăn còn không ít, vướng mắc vẫn còn nhiều trong quá trình tiếp nhận và quản lý điện nông thôn. Ðang cần hàng nghìn tỷ đồng cho việc củng cố, nâng cấp mạng lưới điện; việc phân phối bán lẻ điện vẫn còn những tồn tại phải giải quyết như nhiều xã vẫn "ôm" việc bán lẻ điện giá cao, nhất là ở huyện Hậu Lộc, trong khi khả năng của các tổ chức bán điện lẻ này không thể đầu tư cho việc nâng cấp và phân phối điện bảo đảm ổn định, an toàn.


  • 01/04/2015 03:30
  • Nguồn: Báo Nhân Dân
  • 2792


Gửi nhận xét