Vị ngọt từ lòng hồ thủy điện Sơn La

Các công trình thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, đều là những công trình thủy điện đa mục tiêu. Ngoài mục tiêu chủ yếu là cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, việc khai thác tiềm năng và lợi thế của các hồ thủy điện cũng đem lại nhiều giá trị kinh tế, nhất là đối với người dân địa phương.

Sau 18 tháng, kể từ khi công trình Thủy điện Sơn La chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, chúng tôi mới lại có dịp trở lại huyện Quỳnh Nhai, nơi có 5.000 hộ dân tái định cư của Thuỷ điện Sơn La. Gặp anh Hà Văn Thích – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, người có nhiều công vận động và tìm định hướng phát triển kinh tế cho bà con khu tái định cư. Anh bảo: “Quỳnh Nhai làm gì có đất mà cấy lúa, quanh năm phát nương, chỉ có ngô và ngô. Mới đây thêm dự án trồng cây cao su trên đất dốc được thử nghiệm. Dân ở đây vẫn còn nghèo lắm. Nhưng thôi, ai lại kể khổ, trong cái khó phải ló cái khôn chứ! Bây giờ khác nhiều rồi, mời các nhà báo đi với tôi”. Vừa nói, anh vừa kéo chúng tôi ra xe.

Ngược theo quốc lộ 279, anh đưa chúng tôi về khu vực đất cũ của Huyện. Qua  cầu Pá Uôn, xe dừng lại, anh bảo: “Đến nơi rồi đấy, mời các chú xuống thưởng thức đặc sản lòng hồ!”. Vừa mở cửa xe, chúng tôi đã nghe một giọng phụ nữ oang oang: “Mời các Sếp xuống thăm, em đang cho chúng ăn, nhìn thích lắm các anh ạ! Dự báo, với thời tiết này, năm nay em chắc thắng!”.

Lòng hồ thủy điện Sơn La đem lại rất nhiều giá trị kinh tế - Ảnh X.Tiến

Thấy chúng tôi bất ngờ trước câu nói của người phụ nữ, anh Thích nói ngay: “Đây là mô hình nuôi cá nước lạnh của HTX Nuôi trồng Thủy sản Hạnh Lợi, cơ sở đầu tiên được tỉnh Sơn La cấp phép nuôi cá tầm tại khu vực lòng hồ. Ngay sau khi phương án được duyệt, chị Nguyễn Thị Lợi, chủ nhiệm HTX (người phụ nữ vừa nói khi gặp chúng tôi) đã đầu tư 24 lồng, thả nuôi 3.000 cá giống. Sau gần 1 năm, trọng lượng cá bình quân đạt 2 - 2,5 kg/con và đã có thể đem bán với giá 300.000 đồng/kg.

Vung một nắm thức ăn cho cá, chị Lợi bảo: “Nuôi cá ở đây rất an toàn, mực nước luôn ổn định, nếu có gì bất ổn do lũ về hay phải xả lũ, các anh ở Nhà máy Thủy điện đều báo trước để chúng tôi chuẩn bị”.

Nhìn đàn cá tranh nhau ăn, chúng tôi thầm nghĩ, nếu mô hình này được nhân rộng ở “bể” nước mênh mông này thì đây sẽ là một tiềm năng vô cùng to lớn của Sơn La.

Rời Quỳnh Nhai, sau hơn ba giờ di chuyển, anh Thích đưa chúng tôi vòng sang huyện Mường La, nơi công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng. Cái giá trị của công trình không chỉ cung cấp cho đất nước hàng năm khoảng 10 tỷ kWh điện, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác.

Đón chúng tôi là anh Nguyễn Văn Tâm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường La. Chưa kịp để chúng tôi trình bày về lý do chuyến đi, anh nói luôn: “Mặt hồ ở các công trình thủy điện, đặc biệt là công trình Thủy điện Sơn La và công trình Thủy điện Nậm Chiến rất thuận lợi cho phát triển thủy sản. Được sự thống nhất của Lãnh đạo huyện, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển thủy sản nói chung và cá tầm nói riêng trên địa bàn tỉnh Mường La”.

Cách đập thủy điện khoảng hơn 1km là các mô hình nuôi cá của Công ty Cá Tầm Tây Bắc mới được nuôi thử nghiệm, nên mỗi lồng chỉ thả từ 120 đến 300 con. Mặc dù mới thả nuôi được gần một năm, nhưng những con cá tầm đến từ nước Nga đã nhanh chóng thích nghi với khí hậu,thời tiết ở đây nên phát triển rất nhanh. Hiện nay đã có những con đạt trọng lượng 5,5 đến 6 kg.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các lồng cá, ông Trần Văn Tuấn – PGĐ Công ty Cá tầm Tây Bắc cho biết, hồ thủy điện Sơn La có với diện tích mặt nước hàng nghìn ha là tiềm năng lớn để Sơn La phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Để biến tiềm năng thành hiện thực, từ ngày 17/1/2013, Công ty TNHH MTV Cá tầm Tây Bắc đã đầu tư 3 dự án (Dự án giống và trứng cá tầm đen; Dự án Phát triển đàn cá; Dự án Liên kết với các hộ dân, đối tác để nuôi cá tầm) với tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng. Dự kiến, từ năm 2015, sẽ cho thu hoạch bình quân 260 tấn cá thương phẩm/năm; đến năm 2020 là 2.000 tấn cá thương phẩm/năm; 1 triệu con cá giống và sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở chế biến cá tầm.

Còn đang lâng lâng với viễn cảnh phát triển kinh tế từ cá tầm, anh Tâm hồ hởi nói với chúng tôi: “Nghe các nhà báo đến với cá tầm lòng hồ thủy điện là “Bụt” phải hiện ra ngay”. Hóa ra “ông Bụt” ấy là ông Hoàng Minh Chất - Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, người quyết tâm đưa con cá tầm về nuôi tại đây. Ngồi ngắm trời nước mênh mông, ông Chất tâm sự: Trước mắt tỉnh Sơn La sẽ mời chuyên gia tư vấn thẩm định, xây dựng quy hoạch nuôi thủy sản trên hồ thủy điện và lập kế hoạch chi tiết. Sau đó, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng quy hoạch thống nhất về sử dụng, khai thác lòng hồ Thủy điện Sơn La. Về lâu dài, sẽ thành lập khu công nghiệp nuôi thủy sản tập trung.

Tây Bắc xưa nay là một vùng đất nghèo với mệnh danh là vựa ngô của cả nước, thì nay, những nhà máy thủy điện lớn tầm châu lục đã mang lại những nguồn lợi lớn hơn cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Chỉ một thời gian nữa thôi, Thủy điện Lai Châu hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia. Khi đó, một lòng hồ mênh mông giữa trập trùng Tây Bắc tiếp tục được hình thành, tạo nên những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, đặc biệt hơn, sẽ tạo nên nhiều lợi ích cho bà con các dân tộc phát triển kinh tế.


  • 06/11/2014 03:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3266


Gửi nhận xét