Vẫn còn tồn tại tình trạng người dân lấn chiếm dòng chảy hạ du sông Đa Nhim

Ngày 3/9, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Công ty DHD) đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng và huyện Đơn Dương kiểm tra hiện trạng dòng chảy hạ du sông Đa Nhim để có phương án ứng phó, cảnh báo trước mùa mưa lũ năm 2020.

Đoàn đã tổ chức kiểm tra hiện trạng khu vực hạ du dọc theo dòng chảy sông Đa Nhim từ đập tràn hồ thủy điện Đơn Dương đến cầu Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), chiều dài khoảng 39km với các vị trí xung yếu.

Ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc DHD cho biết: Hồ Đơn Dương có diện tích mặt nước 9,7km2, dung tích chứa khoảng 165 triệu m3. Tính tới ngày 3/9, mực nước hồ Đơn Dương đạt cao trình 1.036,87m. Nếu mưa lớn, mực nước khả năng cao tăng thêm 2,5m, đạt cao trình xả lũ 1.039,5m buộc công ty phải thực hiện xả lũ theo quy định.

Người dân huyện Đơn Dương xây nhà trái phép khu vực lòng sông Đa Nhim

“Mùa mưa lũ năm nay có nhiều diễn biến khó lường, khả năng cao từ giữa tháng 9/2020 mưa về nhiều, chúng tôi buộc phải xả lũ hàng trăm m3/s tuỳ lượng mưa lũ về nhiều hay ít. Việc xả lũ sẽ tác động trực tiếp tới vùng hạ du, nơi bà con nông dân Đơn Dương trồng hàng trăm hecta rau màu nên chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp chính quyền kiểm tra và đưa ra cảnh báo sớm, giúp người dân nâng cao cảnh giác, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất”, ông Đỗ Minh Lộc cho biết.

Kết quả kiểm tra cho thấy, những tồn tại vi phạm dòng chảy từ năm 2019 vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết như: Còn tồn tại 1 nhà tạm tại thượng lưu cầu D’ran; 3 hộ tại thôn Đường Mới xây dựng nhà kiên cố, bán kiên cố sát lòng sông; nhiều vị trí người dân cơi nới đất trồng hoa màu, trồng cỏ gây bó hẹp dòng sông. Vẫn còn tồn tại một số hộ dân đổ đất, cơi nới ra giữa lòng sông và móc đất tạo bãi bồi giữa lòng sông gây cản trở dòng chảy.

Đối với những trường hợp phát sinh trong năm 2020, chủ yếu liên quan đến lòng sông nhiều bãi bồi do tự nhiên và do người dân tự ý lấn dòng tạo ra. Vùng ven và bãi bồi, người dân canh tác hoa màu và trồng cỏ rất nhiều. Tại dốc cây Đa, thôn Kankil, thị trấn Dran xuất hiện 01 nhà dân đang xây dựng trong giai đoạn hoàn thiện nằm trên mảnh đất cơi nới lấn dòng gây bó hẹp dòng chảy. Theo đánh giá, những tác động nêu trên sẽ gây nguy cơ mất an toàn, cản trở dòng chảy trong trường hợp hồ Đơn Dương xả lũ.

Người dân huyện Đơn Dương trồng rau màu trong hành lang thoát lũ của sông Đa Nhim

Trước thực trạng trên, DHD đề nghị UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Đơn Dương chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh, trong huyện khai thông dòng chảy, đặc biệt ở những vị trí dân đổ đất lấn chiếm dòng chảy thoát lũ. Lập kế hoạch di dời nhà ở và công trình dân sinh của các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng nói trên đến nơi an toàn khi hồ Đơn Dương xả lũ. Ngăn chặn người dân bạt đất, đổ đất lấn chiếm dòng chảy thoát lũ. Thông báo đến các hộ dân sớm thu hoạch rau màu đang canh tác; ngừng việc canh tác rau màu cho đến hết mùa lũ năm 2020, nâng cao cảnh giác khi hồ Đơn Dương xả lũ để giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Đơn Dương yêu cầu người dân không gieo trồng tại các vị trí bãi bồi, lòng sông trong mùa mưa lũ. Đối với những vị trí đã gieo trồng đề nghị người dân sớm thu hoạch để tránh thiệt hại khi hồ Đơn Dương xả tràn trong mùa mưa lũ. Tăng cường công tác quản lý xây dựng trong hành lang thoát lũ dọc sông Đa Nhim. Có kể hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp đối với diện tích đất sản xuất dọc sông Đa Nhim.