Tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp: Cần kết hợp giữa mềm dẻo, linh hoạt và kiên quyết

Hệ thống lưới điện truyền tải cao áp trải dài qua nhiều tỉnh, thành, suốt từ Bắc vào Nam. Mỗi công ty/đơn vị truyền tải điện luôn lựa chọn cho mình những hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, từ đó kêu gọi người dân hãy nâng cao ý thức bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương

Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải, đặc biệt trong mùa mưa bão, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các công ty, đơn vị truyền tải điện đã thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thông qua các hình thức như sử dụng xe lưu động gắn băng rôn, biểu ngữ diễu hành qua các thôn bản, xã có đường dây tải điện chạy qua; phát tờ rơi kêu gọi người dân chung tay bảo vệ lưới điện, dán poster tại UBND xã, trường học, chợ…

Đồng thời, nội dung chính của các nghị định về bảo vệ an toàn lưới điện, các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện (HLBVATLĐ) cao áp còn được các đơn vị đưa lên các bảng lớn, đặt tại các trục đường chính có nhiều người tham gia giao thông. Trong quá trình kiểm tra tuyến, lực lượng công nhân truyền tải điện còn đến từng hộ dân sinh sống dọc theo hành lang đường dây để vận động ký cam kết bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. 

Đơn cử, Truyền tải điện Tây Bắc 2 (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) đang quản lý và vận hành hơn 406 km đường dây 500 kV; 296 km đường dây 220 kV; 1 TBA 500 kV công suất 1.350 MVA và 2 TBA 220 kV với tổng công suất 750 MVA. Do địa bàn chủ yếu là các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc, vào mùa mưa bão rất dễ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất làm cây ngã, đổ vi phạm HLBVATLĐ cao áp, nhất là tại một số xã, huyện thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. 

Ông Thái Minh Thắng – Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc 2 cho biết, để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, trước mùa mưa bão, đơn vị đã thống kê các khu vực cây cao bên ngoài hành lang có nguy cơ ngã, đổ vào đường dây, từ đó, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân chủ động chặt hạ. Đồng thời, Truyền tải điện Tây Bắc 2 còn liệt kê danh sách các hộ gia đình, chủ nhà vườn có mái tôn ở gần hành lang đường dây hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến đường dây, từ đó lập cam kết và phối hợp với chủ nhà gia cố mái tôn, đảm bảo không bị tốc mái khi xuất hiện giông lốc.

Cũng theo ông Thắng, tại các tỉnh miền núi Tây Bắc còn có tình trạng người dân tự ý sử dụng dây cáp đi dưới hoặc gần hành lang đường dây để chuyển nông sản từ trên đồi cao xuống đường quốc lộ. Trong quá trình vận chuyển, các tuyến cáp này có khả năng bị đứt, vướng vào đường dây truyền tải điện gây sự cố hoặc làm gián đoạn cung cấp điện trên địa bàn, nghiêm trọng hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng của người dân và những người trực tiếp sử dụng cáp. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại xã Song Pe, Mường Khoa thuộc huyện Bắc Yên, rải rác tại các xã của huyện Mường La, Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Vì vậy, Truyền tải điện Tây Bắc 2 đã làm việc trực tiếp với các chủ hộ gia đình có đường dây cáp, yêu cầu di dời hoặc cắt bỏ. Trường hợp các hộ gia đình không chịu hợp tác, Truyền tải điện Tây Bắc 2 đã phối hợp UBND các xã, huyện và Công an các cấp thực hiện các biện pháp cưỡng chế. “Mặc dù chúng tôi đã kiên quyết triển khai nhiều giải pháp, song tình hình vi phạm vẫn chưa được cải thiện. Thời gian tới, cán bộ, công nhân Truyền tải điện Tây Bắc 2 sẽ tăng cường kiểm tra tuyến, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp để hạn chế nguy cơ gây sự cố lưới điện, đặc biệt trước mùa mưa bão và mùa thu hoạch nông sản của người dân”, ông Thắng khẳng định.

Công nhân truyền tải kiểm tra tuyến đường dây 

Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt

Trẻ trung, sáng tạo và nhiệt huyết, Đoàn thanh niên tại các đơn vị truyền tải chính là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức tuyên truyền về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện đến nhân dân bằng nhiều hình thức linh hoạt. 

Điển hình như tại Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), từ năm 2011 đến nay, Đoàn thanh niên Công ty luôn luôn xung kích, đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải trên địa bàn, để lưới điện truyền tải vận hành an toàn, ổn định, cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.

Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Truyền tải điện 3 – Trần Việt Hùng cho biết, bên cạnh các hình thức tuyên truyền phổ biến như treo băng rôn, phát tờ rơi, áp phích, xe lưu động... Đoàn thanh niên PTC3 còn phối hợp với các trường học tại các địa phương - trong đó tập trung chủ yếu là thanh thiếu niên – đối tượng có khả năng thực hiện nhiều hành vi gây ảnh hưởng đến lưới điện như thả diều, bắn chim... để giới thiệu các quy định, nghị định về HLBVATLĐ cao áp, các hành vi vi phạm và biện pháp xử phạt trong các buổi chào cờ đầu tuần tại trường học. 

Đoàn thành niên PTC3 còn chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, xã hội tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, hoạt động xã hội, tặng quà cho người dân địa phương, kết hợp lồng ghép các chương trình tuyên truyền, giới thiệu về trách nhiệm của chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo vệ an toàn lưới điện. 

Đánh giá về hiệu quả của các hình thức tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện thời gian qua, ông Hùng khẳng định: “Hiện nay, các sự cố về lưới điện trên địa bàn do PTC3 quản lý đã giảm nhiều, ý thức của người dân về HLBVATLĐ được nâng cao. Đoàn thanh niên PTC3 cũng nhận được sự hỗ trợ và đồng thuận rất lớn của chính quyền, người dân địa phương trong việc chung tay bảo vệ an toàn lưới điện”.

“Tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện” là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì. Vì vậy, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, Đoàn thanh niên PTC3 sẽ tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân để chung tay bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn”, ông Hùng nhấn mạnh. 


  • 07/11/2016 03:27
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 526689