Trạm trực - Ngôi nhà thứ 2

Chúng tôi tìm đến Trạm trực Mường Nhà được xây dựng và đưa vào sử dụng đầu tiên ở PC Điện Biên. Đây là trạm trực có nhiệm vụ quản lý vận hành 70 km đường dây trung thế, 30 km đường dây hạ thế và 23 TBA với số lượng khách hàng lên đến gần 2.000.

Gặp anh em công nhân mới đi làm về, chuyện trò cười nói rôm rả khiến tôi có cảm giác, hình như những nỗi gian nan vất vả trong công việc tan biến đi khi họ trở về đến Trạm. Nhìn ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ, phía sau là khu nhà bếp, công trình phụ, chúng tôi mới thấy người làm điện vùng cao dù gian nan và còn nhiều khó khăn, song luôn gắn bó và đầm ấm trong sự quan tâm, chăm sóc cả vật chất và tinh thần của các tổ chức trong đơn vị, trong ngành.

Trạm trực Mường Chà đã trở thành ngôi nhà thân thiết của anh em công nhân Điện lực Điện Biên

Dưới bếp, 2 người công nhân đang xào, nấu những món ăn thơm nức mũi, có rau, có thịt, có cá tươi... Anh em công nhân ở Đội Quản lý, vận hành Mường Nhà này nói vui: Mặc dù giá cả sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ, rau quả, thức ăn đều phải mang từ thành phố Điện Biên hoặc từ thị trấn lên, nhưng bữa cơm của anh em luôn được cải thiện, giúp cho chúng tôi nhanh chóng phục hồi sức khỏe để leo núi, vượt rừng làm điện.

Là người gắn bó với Mường Nhà này 11 năm, anh Đỗ Việt Cường (36 tuổi) – Đội trưởng Đội Quản lý, vận hành, quê ở Thái Bình, có chút thoáng buồn khi nhớ lại: Trước kia khi chưa có trạm này, anh em phải ở tập trung trong một căn nhà lụp xụp, mùa hè thì nóng, mùa đông gió lạnh lùa vào, ôm nhau ngủ mà vẫn rét run. Không có nhà vệ sinh, không có bếp ăn, mỗi lần đi vào bản phải nhờ bà con nấu cơm cho, tiền lương gần như không có tích lũy, cũng chẳng có dư dả để gửi về cho gia đình. Nhiều anh em lên đây được vài tháng thấy vất vả quá đã  bỏ về.

“Từ tháng 3/2013, Trạm được hoàn thành đưa vào sử dụng. Trạm có một phòng ở và một phòng làm việc, rộng gần 40m2, có công trình phụ, có nhà bếp riêng. Chỗ ở của anh em công nhân đã khang trang hơn. Không những vậy, đồ dùng cần thiết trong nhà như ti vi, nồi niêu, bát đĩa… được Công đoàn Công ty hỗ trợ. Ngoài ra, anh em cũng đóng góp vào để trang trí cho phòng ở được đẹp hơn. Cuộc sống của anh em tại Trạm này đã ổn định thực sự rồi”, anh Cường bộc bạch.

Mặc dù trạm trực mới được đưa vào sử dụng gần 1 năm, xong 9 công nhân ở đây đã coi Trạm trực như ngôi nhà thứ 2 của mình. Hằng ngày, sáng đi -  trưa về, chiều đi - tối về, ngày ngồi ăn với nhau 2 bữa cơm. Chính những sinh hoạt cộng đồng đó càng làm cho tình cảm anh em trong tổ thêm gắn kết.

Anh em công nhân chia sẻ công việc tại trạm trực

Anh Đỗ Khắc Phường là người lớn tuổi nhất ở trạm (53 tuổi) chia sẻ: Cả đời làm điện ở vùng cao, bây giờ mới thấy công việc được thuận lợi hơn khi có trạm trực. Tôi luôn động viên anh em đã có chỗ ở ổn định rồi, giờ phải chăm chỉ làm việc, tính toán chi tiêu để có tiền gửi về cho gia đình chăm lo cho con cái học hành, sau này tiếp tục cống hiến cho ngành Điện, cho đất nước.

Anh Phạm Văn Quế (sinh năm 1979), nhà ở thành phố Điện Biên Phủ, tâm sự thêm: Ngoài nhà ở, còn một lý do nữa khiến anh em nơi đây không muốn rời xa mảnh đất này, đó là tình cảm của bà con rất chân tình, mỗi khi vào bản, bà con nhìn thấy anh em mặc áo cam thợ điện là rất quý, có món gì lạ và ngon ngon là họ mang ra mời. Ngoài ra, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng giúp đỡ ngành Điện rất nhiều trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, bảo vệ vật tư, thiết bị của ngành Điện…

Theo ông Lê Văn Hay, Giám đốc PC Điện Biên: Điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại của thợ điện vùng cao rất khó khăn vì vậy Chính quyền và Công đoàn Công ty đã kêu gọi mỗi cán bộ công nhân viên trong công ty đóng góp 1 triệu đồng/người/năm để xây dựng các trạm trực, cùng với đó chúng tôi kêu gọi Công đoàn EVN, Công đoàn EVN NPC ủng hộ, giúp đỡ. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng được 5 trạm trực, tạo điều kiện cho anh em vừa ở vừa làm việc. Dự kiến đến năm 2016, Công ty sẽ xây dựng đầy đủ các nhà trạm trực tại các huyện. Đây là một công trình nhà ở có ý nghĩa thiết thực, là “ngôi nhà đoàn kết” giúp cho anh em công nhân có nơi ăn, chốn nghỉ, đảm bảo an toàn và sức khỏe, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

- Trạm trực được xây dựng ở cách xa trung tâm của huyện để một Đội quản lý, vận hành (từ 7-10 người) của một Điện lực tiện làm việc và sinh hoạt.
- Diện tích của Trạm trực: Khoảng 80 m2 với phòng làm việc, phòng ở, nhà bếp, nhà vệ sinh.
- Kinh phí xây dựng: Khoảng 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Công đoàn Điện lực Việt Nam và tiền đóng góp của cán bộ công nhân viên PC Điện Biên
- Công đoàn PC Điện Biên trang bị bếp ga, nồi cơm điện và dụng cụ cần thiết cho bếp ăn tập thể cũng như giường chiếu,
chăn màn.


 


  • 10/04/2014 01:25
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & hội nhập
  • 2876


Gửi nhận xét