Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia với sứ mệnh quản lý vận hành "Trục xương sống" điện đất nước

Nói tới sự kiện lịch sử trong lĩnh vực truyền tải điện, không thể không nhắc đến những mốc quan trọng như xây dựng tuyến đường dây 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, đường dây siêu cao áp 500 kV mạch 1, mạch 2 và mạch 3,… Đó là những kỳ tích, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, không chỉ của hệ thống truyền tải điện quốc gia, mà còn của ngành Điện Việt Nam.

Những sự kiện lịch sử

Tháng 5/1981, tuyến đường dây 220 kV  Hòa Bình - Hà Đông được đưa vào vận hành, trở thành tuyến đường dây 220 kV đầu tiên ở miền Bắc. Tiếp sau đó là hàng loạt các công trình đặc biệt khác mang dấu ấn của những người lính truyền tải điện trên khắp cả nước.

Sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam và ghi nhận kỳ tích của ngành Điện Việt Nam là tháng 5/1994, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam dài 1.487 km từ Hòa Bình đến Phú Lâm chính thức đóng điện vận hành. Lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã có “trục xương sống” kéo dài suốt từ Bắc vào Nam, được xây dựng với tốc độ “thần tốc”, chỉ trong 2 năm.

Hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam đi vào hoạt động đã phát huy được vai trò trong hệ thống điện Việt Nam. Điện năng cung cấp cho miền Nam và miền Trung đã được truyền tải qua hệ thống này. Theo đó, năm 1994, đã truyền tải công suất 988 GWh; năm 1995 - 2.813 GWh. Riêng Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm, năm 1995 đã nhận sản lượng điện lên tới  2.005 GWh, nhiều hơn điện năng phát trong cùng năm của Nhà máy Thủy điện Trị An và Nhà máy Thác Mơ cộng lại.

Tình trạng đói điện cục bộ ở một số vùng miền đã được chấm dứt. Điện năng cung cấp cho miền Trung tăng thêm 43%, chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam đã đáp ứng 30% nhu cầu điện năng của miền Nam. Vào mùa khô, tỉ trọng này lên tới 40%. Nhờ có hệ thống truyền tải điện 500 kV, ngành Điện đã có khả năng đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh của hệ thống điện miền Nam bằng nguồn điện có giá thành thấp hơn.

Việc đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ. Đồng thời, đây còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

Một góc TBA 500 kV Cầu Bông. Ảnh: Ngọc Tuấn

Đến năm 2005, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2 tiếp tục được hoàn thành đảm bảo hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500 kV hai mạch song song truyền tải điện 2 chiều Bắc - Nam, tăng cường sự liên kết an toàn cho hệ thống điện toàn quốc.

Trước những yêu cầu đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN), được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia – EVN NPT ra đời, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, do EVN là chủ sở hữu. Sự kiện này mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới trong lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, tháng 3/2009, EVN NPT đã đóng điện đường dây 220 kV Châu Đốc - Tịnh Biên - Takeo cấp điện cho Campuchia. Đây là đường dây 2 mạch dài 69,5 km, 210 vị trí cột, công suất truyền tải lớn nhất 200 MW, sản lượng điện trung bình từ 900 triệu đến 1,4 tỷ kWh/năm. Công trình này có ý nghĩa to lớn không chỉ về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Tiếp theo, EVN NPT đã kịp thời hoàn thành các công trình lưới điện 500 kV đấu nối đồng bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La, đưa dòng điện của Sơn La hòa vào lưới điện quốc gia, đóng góp vào thành công  của EVN, đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vào vận hành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Đóng điện và đưa vào vận hành đường dây 220 kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long vào ngày 28/12/2012 sau hơn 12 tháng triển khai thi công, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là kỷ lục về tiến độ, là điển hình của sự quyết tâm, bám sát công việc của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên EVN NPT.

Ngày 05/5/2014, EVN NPT đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (đường dây 500 kV mạch 3). Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách này đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và EVN có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo. Cùng với  đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2, việc đưa vào vận hành kịp thời  đường dây 500 kV mạch 3 góp phần tạo liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam Bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước.

Những thành quả đạt được trong lao động sản xuất của những người truyền tải điện đã thể hiện quyết tâm cao độ của EVN và EVN NPT, cùng với sự nỗ lực và tinh thần hăng say thi đua lao động, ngày đêm bám trụ trên công trường của các đơn vị thi công; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị tham gia công trình; sự chia sẻ và ủng hộ của địa phương trong suốt quá trình triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn nữa là sự đồng thuận, chia sẻ của nhân dân với các công trình điện trọng điểm, cấp bách.

Bản lĩnh “lính truyền tải điện”

Cách đây hơn 6 năm, không ít người tỏ ra lo lắng trước những khó khăn, thách thức mà EVN NPT phải đối mặt, khi mà bên ngoài là ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng khó khăn của đất nước; bên trong là tình trạng quá tải trên diện rộng của hệ thống lưới điện truyền tải và thiếu vốn đầu tư trầm trọng, hàng loạt công trình, đặc biệt là các công trình đồng bộ với nguồn có khả năng chậm tiến độ,… Tất cả những khó khăn, thách thức  đó đã đè nặng lên vai của EVN NPT vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi mới thành lập với “vạn sự khởi đầu nan”.

Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực truyền tải điện cả về kỹ thuật và quản lý, EVN NPT đã lựa chọn chính xác các khâu đột phá và tập trung nhân lực, vật lực vào giải quyết các nút thắt trọng yếu, từ đó, tiến hành đồng thời củng cố tổ chức, thống nhất cơ chế quản lý. Thực tế đã chứng minh hướng đi đúng của EVN NPT, hàng loạt công trình trọng điểm đã nhanh chóng hoàn thành. Sau 6 năm, EVN NPT đã đóng điện hàng trăm công trình, lưới điện truyền tải đã được mở rộng tới mọi miền đất nước, đảm bảo chất lượng và số lượng.

Sáu năm đã trôi qua, cán bộ công nhân viên EVN NPT phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức về tình trạng quá tải, về nguy cơ sự cố, về vốn đầu tư, về giải phóng mặt bằng… đảm bảo vận hành an toàn và phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia đáp ứng yêu cầu tăng trưởng phụ tải cho phát triển  kinh tế – xã hội của cả nước. 6 năm, thời gian chưa dài, nhưng gần 8.000 cán bộ công nhân viên EVN NPT đã phải ngày đêm phấn đấu vì sự phát triển bền vững của EVN NPT cũng như của EVN nói chung.

Các công nhân TBA 500 kV Pleiku đi kiểm tra tại khu vực đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tính đến hết tháng 6/2014, EVN NPT đã truyền tải an toàn gần 600 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 10%; các chỉ tiêu suất sự cố đường dây và trạm biến áp đều thấp hơn so với các chỉ tiêu được giao, nhiều đội đường dây, trạm biến áp trong thời gian qua vận hành an toàn tuyệt đối.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, trong 6 năm qua, EVN NPT đã đầu tư trên 61.000 tỷ đồng, đóng điện đưa vào vận hành an toàn 244 công trình, lưới truyền tải điện quốc gia không ngừng phát triển cả về quy mô và công nghệ. Lưới truyền tải điện quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và từng bước kết nối với lưới điện truyền tải của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA,…

Hệ thống lưới điện 500 kV không chỉ liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện mà còn tạo các mạch vòng đảm bảo cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế như mạch vòng 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình. Đặc biệt, 3 mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam đã được EVN NPT đầu tư xây dựng, nâng dung lượng tụ bù dọc, nâng cao khả năng tải điện, vì vậy công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam có thể lên tới 2.300 MW, sản lượng truyền tải đạt trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp gần 6 lần so với thiết kế ban đầu.

EVN NPT đã hoàn thành việc xóa bỏ tình trạng các công trình lâm quản tồn tại từ nhiều năm trước đây. Công tác quyết toán các dự án đầu tư xây dựng hoàn thành đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề cho năm 2014 có thể hoàn thành quyết toán tất cả các dự án theo quy định. Các khoản công nợ tồn đọng đã cơ bản được giải quyết. Công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp ngày càng được củng cố và tăng cường. Tiền lương và thu nhập của cán bộ công nhân viên được ổn định; điều kiện và môi trường làm việc trong toàn Tổng công ty ngày càng được cải thiện. Đây là những điều kiện rất khó thực hiện đối với doanh nghiệp có quy mô như EVN NPT bởi tính đặc thù của công việc truyền tải điện.

Những thành tích mà tập thể cán bộ công nhân viên EVN NPT đạt được trong thời gian qua là rất đáng tự hào và khâm phục. Tuy nhiên, để làm tròn sứ mệnh vẻ vang “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”, EVN NPT đã và đang  nỗ lực thực hiện chiến lược phấn đấu đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp “hàng đầu châu Á về dịch vụ truyền tải điện”.


  • 06/01/2015 05:00
  • Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin
  • 6173


Gửi nhận xét