Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng GIS trong quản lý tổn thất điện năng

Sơ đồ GIS lưới điện hạ thế trạm Tân Phú Trạm 3

Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) là một hệ thống liên kết giữa con người, máy tính và các thiết bị ngoại vi để lưu trữ, xử lý, phân tích, hiển thị các thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý .

Cơ sở dữ liệu GIS gồm 2 thành phần là dữ liệu không gian (bản đồ) và dữ liệu thuộc tính (còn gọi là dữ liệu phi không gian).
          
Trong ngành Điện, GIS đang được nghiên cứu kết nối với dữ liệu thông tin quản lý khách hàng theo chương trình CMIS (Customer Managenment Information System) góp phần giải quyết các yêu cầu của khách hàng sử dụng điện một cách nhanh và thuận lợi nhất, đặc biệt là trong quản lý tổn thất điện năng.

Việc tính toán tổn thất điện năng ở Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở tất cả các đơn vị trong Tập đoàn EVN được thực hiện theo chương trình CMIS2.0. Trong đó, kết quả tính toán cũng như toàn bộ dữ liệu về khách hàng, lưới điện, TBA mới chỉ chú trọng về mặt thời gian, thiếu số liệu về vị trí địa lý, làm cho người quản lý tổn thất điện năng không thể đánh giá một cách tổng quát và mất rất nhiều thời gian để phân tích, xử lý những khu vực có tổn thất cao. Vì vậy, việc ứng dụng GIS vào quản lý và vận hành lưới điện, chăm sóc khách hàng, quản lý tài sản cũng như công tác quản lý tổn thất điện năng là một bước tiến và có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành Điện.

Là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý kinh doanh điện năng, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu lưới điện trên GIS và đã khai thác được nhiều tính năng hữu ích như, hỗ trợ tìm kiếm các thông tin về tài sản lưới điện (trạm biến thế, đường dây), điện kế khách hàng (vị trí điện kế, mã lộ ra), cung cấp tình trạng lưới điện sát với thời gian xảy ra các sự cố bất ngờ, cải tiến phương thức phục vụ khách hàng bằng cách phục hồi điện nhanh hơn, tin cậy hơn và thông tin liên lạc với khách hàng tốt hơn trong thời gian gián đoạn bởi sự cố điện… Trong công tác quản lý tổn thất điện năng, GIS đã được ứng dụng trong điều tra hiệu suất khu vực, cắt lưới chia tải, tính toán và hiển thị những khu vực tổn thất trên bản đồ, góp phần nâng cao hiệu quả giảm tổn thất điện năng. Cụ thể là:

1. Hỗ trợ công tác điều tra hiệu suất khu vực

Một trong các nguyên nhân dẫn đến kết quả tính toán tổn thất điện năng từng khu vực không chính xác là do số lượng khách hàng thực tế không đúng với số lượng khách hàng cập nhật trên CMIS khi  tính toán tổn thất. Nguyên nhân là do khách hàng tự ý chuyển nhánh dây mắc điện sang khu vực trạm khác so với ban đầu (khách hàng có 2 nguồn ưu tiên, có ATS hạ thế tự động chuyển nguồn) hoặc do nhân viên khảo sát gắn mới vẽ sai điểm đấu nối, chia lưới để xử lý non – quá tải mà không được cập nhật…

Để cập nhật lại những sai lệch này, nhân viên điều tra tổn thất phải đi kiểm tra thực địa danh sách khách hàng đã cập nhật trên CMIS. Để hỗ trợ cho việc kiểm tra này, GIS sẽ in bản đồ lưới điện của khu vực này bao gồm các thông tin như, tên đường, số nhà, trạm điện, sơ đồ đơn tuyến lưới điện, vị trí điện kế, nhánh dây mắc điện của khách hàng…. Việc kết hợp bản đồ địa lý với danh sách thông tin khách hàng có sẵn sẽ giúp nhân viên kiểm tra thực tế xác định chính xác các khách hàng sai lưới dễ dàng và tiết kiệm thời gian kiểm tra.   

2. Ứng dụng trong công tác cắt lưới chia tải

Các khu vực trạm vận hành quá tải hoặc non tải phải được phân bổ lại phụ tải, đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn, ổn định. Để làm việc này, người thực hiện phải khảo sát, lập bản vẽ các vị trí chuyển tải, các điểm dừng lưới hiện hữu, các điểm đấu nối mới, số lượng khách hàng thay đổi… Nhờ sơ đồ GIS, người thực hiện sẽ dễ dàng khi thực hiện quy trình khảo sát và lập bản vẽ cắt lưới chia tải ngay trên GIS. Ngoài ra, GIS còn có khả năng thống kê dữ liệu rất mạnh bằng ngôn ngữ SQL.

Điều này giúp người thực hiện cắt lưới chia tải có thể sử dụng GIS để tính toán sản lượng phụ tải cần phân bổ. Việc cắt lưới chia tải sẽ làm thay đổi cấu trúc lưới điện cũng như thay đổi số lượng khách hàng trong trạm, dẫn đến sai lệch dữ liệu tính toán tổn thất trên CMIS so với thực tế, song nhờ GIS nhân viên quản lý tổn thất sẽ có sẵn dữ liệu để cập nhật những thay đổi này trên CMIS thay vì phải đi điều tra lại thực tế như trước đây.      

3. Ứng dụng trong cập nhật khách hàng mới

Để đảm bảo dữ liệu tính toán tổn thất được chính xác trên CMIS; yêu cầu tất cả các biến động trên lưới điện, bao gồm cả các khách hàng mới, phải được cập nhật đầy đủ, đúng mã trạm, mã lộ so với thực tế đấu nối vào lưới điện. Do đó, đòi hỏi nhân viên khảo sát gắn mới phải nắm rõ sơ đồ lưới điện khi ra thực tế hiện trường, đặc biệt là những khu vực nhiều phụ tải, nhiều nguồn.

Trước đây, nhân viên khảo sát phải vẽ tay sơ đồ lưới điện, trạm điện, nhánh dây mắc điện, vị trí đấu nối và vị trí gắn điện kế của khách hàng mới lên hồ sơ khảo sát. Điều này dẫn đến một số trường hợp vẽ sai điểm đấu nối ở những khu vực giao lưới giữa hai hoặc nhiều trạm, làm cho việc cập nhật dữ liệu lên CMIS để tính toán tổn thất không đúng với thực tế vận hành.

Để khắc phục, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và kết nối thành công dữ liệu GIS trên máy tính, giúp nhân viên khảo sát có được sơ đồ lưới điện thu nhỏ trên màn hình và có thể cập nhật trực tiếp nhánh dây mắc điện, vị trí điện kế và các thông tin khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác lên dữ liệu khi thực hiện khảo sát ngoài hiện trường.  

4. Ứng dụng trong công tác sắp xếp lộ trình ghi số điện

 Tỉ lệ tổn thất điện năng được tính toán bằng cách so sánh chênh lệch giữa phần điện năng giao đầu nguồn và tổng điện năng nhận của các khách hàng trong cùng một khoảng thời gian. Khi mà công nghệ đo xa điện kế chưa được hoàn thiện và giá thành còn cao thì kết quả tính toán tổn thất điện năng phụ thuộc rất nhiều vào công tác ghi số điện.

Việc giảm thời gian ghi số điện các khách hàng trong một khu vực trạm (tuyến dây) sẽ làm tăng độ chính xác trong tính toán tổn thất điện năng. Do đó, việc sắp xếp lộ trình ghi điện hợp lý, giảm thiểu thời gian ghi có ý nghĩa rất lớn trong kết quả tính toán tổn thất điện năng. Điều này được thực hiện dễ dàng nhờ bản đồ GIS.

GIS hiển thị trực quan tất cả các thông tin về địa danh hành chính như, số nhà, vị trí từng thửa đất, tên đường, ngỏ hẻm… nhờ đó việc sắp xếp lộ trình ghi điện khách hàng theo thứ tự số nhà, tên đường, ngỏ hẻm trên bản đồ GIS sẽ rất thuận lợi và giảm được thời gian ghi chỉ số của ghi điện viên.

5. Ứng dụng GIS trong tính toán tổn thất điện năng khu vực

Như chúng ta đã biết, kết quả tính toán tổng hợp trên CMIS chỉ cung cấp cho lãnh đạo về số lượng, chưa có cái nhìn trực quan tổng quát và nắm bắt kịp thời những khu vực có tổn thất điện năng cao trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng này, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu tính toán tổn thất điện năng trên GIS và hiển thị những khu vực tổn thất trên bản đồ bằng cách kết nối và liên kết dữ liệu giữa GIS với CMIS.

Đây thực sự là một bước đột phá trong công tác quản lý tổn thất điện năng, giúp nhân viên quản lý và lãnh đạo có được cái nhìn tổng thể về tổn thất điện năng từng khu vực trên địa bàn quản lý, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, góp phần làm giảm tổn thất điện năng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
 


  • 13/07/2015 03:42
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8684


Gửi nhận xét