Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng trong những năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vẫn tích cực kéo điện, tiếp nhận, cải tạo lưới điện hạ áp ở nhiều địa phương… tạo động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tích cực tiếp nhận cải tạo lưới điện

Giai đoạn 2011 - 2015, EVNNPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 1.450 xã, bán điện trực tiếp cho các hộ dân nông thôn theo giá Chính phủ quy định. Đến hết năm 2015, có 99,7% số xã và 97,89% số hộ dân nông thôn tại 27 tỉnh miền Bắc có điện sử dụng. Đặc biệt, đơn vị cũng đã tiếp nhận, quản lý cấp điện cho tất cả các hộ dân ở 4 huyện đảo gồm Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh) và Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Trong năm 2015, EVNNPC đã thực hiện thay thế 339.423 công tơ 1 pha, 14.459 công tơ 3 pha đạt tiêu chuẩn cho khách hàng. Tính cả giai đoạn 2008 - 2015, khối lượng tài sản đơn vị đã tiếp nhận là 65.079 km đường dây hạ áp, 4.745.188 công tơ 1 pha, 122.824 công tơ 3 pha; hoàn trả 143,87 tỷ đồng cho các tổ chức điện có đủ hồ sơ về tài chính.

Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty đã tích cực đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn để vừa bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho khách hàng về giá cả, dịch vụ, đồng thời giúp giảm tổn thất điện năng; đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 4 về điện theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đại diện lãnh đạo EVNNPC cho biết, đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và cải tạo lưới điện nông thôn, đưa điện ra biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa trên toàn miền Bắc, góp phần nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh, bảo đảm giữ vững an ninh năng lượng trên địa bàn.

Cải tạo lưới điện hạ áp, góp phần xây dựng nông thôn mới

Góp phần phát triển kinh tế nông thôn

Trước khi ngành Điện tiếp nhận theo chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn đều đã cũ, xuống cấp, không bảo đảm kỹ thuật, an toàn; tỷ lệ tổn thất điện năng cao; chất lượng điện không ổn định. Ở nhiều nơi, lưới điện được quản lý bởi tổ chức điện nông thôn, người dân còn chịu thiệt thòi do không được hưởng giá điện và dịch vụ chung theo quy định...

Sau khi ngành Điện tiếp nhận, cải tạo lưới điện, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất - văn hóa - tinh thần cho đồng bào vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Kết quả rõ nét nhất là các mô hình phát triển sản xuất tiên tiến hiệu quả như nuôi trồng thủy sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ xay sát, thu mua, chế biến nông sản được nhân rộng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Đơn cử như ở Vĩnh Phúc, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,71%/năm; thu nhập đầu người ước đạt trên 28 triệu đồng/người/năm. Ở Phú Thọ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,89%, thu nhập đạt trên 22,3 triệu đồng. Còn Quảng Ninh, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 7,68% xuống còn 1,33%; thu nhập ở nông thôn đạt gần 30 triệu đồng (bình quân toàn tỉnh đạt trên 70 triệu đồng).

Nhằm tiếp tục đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn, giảm tổn thất điện năng, duy trì và nâng cao chất lượng điện… cùng với nỗ lực của ngành Điện, EVNNPC mong muốn các bộ, ngành, địa phương chung tay, đặc biệt là tìm nguồn vốn ưu đãi.

 


  • 21/04/2016 01:40
  • Theo Báo Công Thương
  • 10073


Gửi nhận xét