Tổn thất điện năng còn cao: Vì sao và giải pháp nào?

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) của EVN mới chỉ đạt 7,92%, cao hơn kế hoạch năm 0,22%. Đâu là nguyên nhân chính và giải pháp nào được đưa ra để hoàn thành mục tiêu về TTĐN năm 2016?

Tổn thất điện năng trên lưới truyền tải điện

Ông Lê Việt Hùng - Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN), Thành viên Ban Chỉ đạo giảm TTĐN của EVN cho biết: TTĐN hiện nay của EVN chủ yếu là TTĐN kỹ thuật - đó là lượng điện tiêu hao trên lưới điện trong quá trình truyền tải, phân phối. Do thiết bị điện, dây dẫn có điện trở, khi có dòng điện chạy qua, xảy ra quá trình vật lý làm phát nóng thiết bị, dây dẫn gây ra tổn hao điện năng. 

6 tháng đầu năm 2016, TTĐN chung toàn EVN là 7,92%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (8,33%). Theo ông Lê Việt Hùng, TTĐN trên lưới điện truyền tải phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng truyền tải trên lưới điện 500 kV Bắc - Nam. Khi sản lượng truyền tải trên lưới điện 500 kV Bắc - Nam tăng, TTĐN trên lưới điện truyền tải cũng tăng cao. Tuy vậy, để đảm bảo hiệu quả hoạt động chung của ngành Điện, việc khai thác hệ thống điện một cách hợp lý, hiệu quả luôn được ưu tiên. Việc truyền tải cao trên đường dây 500 kV Bắc – Nam trong điều kiện thực tế như vậy nhằm khai thác hiệu quả nguồn điện, hạn chế phải huy động các nguồn điện khác, có giá thành cao khu vực miền Nam; nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế chung toàn hệ thống điện. 

EVN đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện góp phần giảm tổn thất điện năng

Bên cạnh tổn thất điện năng về mặt kỹ thuật, một nguyên nhân khác cũng dẫn tới tỷ lệ TTĐN cao trong thời gian qua là tình trạng trộm cắp điện vẫn xảy ra. Mặc dù các đơn vị thuộc EVN đã quản lý chặt, tổ chức kiểm tra xử lý kịp thời, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục người dân không vi phạm, nên số vụ vi phạm sử dụng điện đã giảm nhiều so với năm 2015 và nếu xảy ra thì hầu hết đều được sớm phát hiện. 6 tháng năm 2016, các đơn vị đã rà soát và kiểm tra 1.625.199 trường hợp, phát hiện 2.479 vụ vi phạm trộm cắp điện, trong đó vi phạm từ các hộ gia đình là 2.156 vụ, chiếm 86,9%. Sản lượng điện truy thu là 8,416 triệu kWh (chiếm  0,011% so với sản lượng điện thương phẩm).

Giải pháp nào?

Để hoàn thành chỉ tiêu TTĐN không vượt 7,7% trong năm 2016, ngay từ đầu năm EVN đã phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị. Đồng thời, Tổng giám đốc EVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo giảm TTĐN đã yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện hạ áp, xử lý tình trạng quá tải, hoàn thiện các sơ đồ, bổ sung thiết bị đóng, cắt…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng thiết bị, ngăn ngừa các sự cố xảy ra trên lưới điện. Các cấp điều độ cần phối hợp với các đơn vị phát điện, truyền tải và phân phối điện, thực hiện phương thức vận hành hợp lý, bao gồm cả vận hành trào lưu vô công trên hệ thống. Các đơn vị phải quản lý chặt kế hoạch cắt điện công tác, phối hợp thực hiện nhiều công việc đồng thời để giảm thời gian cắt điện của khách hàng, đồng thời chủ động lắp đặt tụ bù theo kế hoạch được giao. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn mua sắm vật tư thiết bị, đảm bảo mua sắm vật tư thiết bị chất lượng cao, có tổn thất điện năng thấp. 

Trộm cắp điện là một trong những nguyên nhân gây tổn thất điện năng - Ảnh: st

Đặc biệt, Tập đoàn yêu cầu EVNNPT và các tổng công ty điện lực tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh điện năng. Trong đó, lưu ý các đơn vị này cần phối hợp, định kỳ giao ban để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quản lý. Các công trình xây dựng nguồn và lưới điện phải thực hiện đúng tiến độ, đáp ứng kịp thời nhu cầu phụ tải, đảm bảo chất lượng, đồng bộ giữa các cấp điện áp và đảm bảo hiệu quả đầu tư. 

Ngoài ra, để giảm TTĐN, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục trang bị công tơ có tính năng theo dõi, giám sát từ xa, công tơ có chức năng cảnh báo, ghi lại một số hình ảnh vi phạm sử dụng điện. Thực hiện các giải pháp về kẹp chì, niêm phong công tơ, TU, TI, mạch đo chống lại sự can thiệp từ bên ngoài…

Về mặt nghiệp vụ, cần tiếp tục củng cố bộ máy kiểm tra giám sát hợp đồng mua bán điện, nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác giảm TTĐN, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm sử dụng điện. Tăng cường quản lý TTĐN ở từng tuyến đường dây, từng khu vực TBA. Thực hiện so sánh TTĐN giữa các khu vực với nhau, với kết quả tính toán tổn thất kỹ thuật để kiểm tra, xử lý kịp thời những kết quả bất thường. Tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng địa phương trong tuyên truyền phòng chống, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những vi phạm sử dụng điện. 


  • 25/08/2016 08:51
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 16177