Tốc độ triển khai chuyển đổi số tại EVN nhanh hơn dự kiến

Đó là khẳng định của ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về những kết quả trong thực hiện chuyển đổi số năm 2021 của tập đoàn. Đồng thời, chia sẻ tinh thần quyết tâm rất cao của EVN dù phía trước vẫn còn những khó khăn, thách thức trên lộ trình chuyển đổi số.

Phóng viên (PV): Năm 2021, EVN thực hiện chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, vậy những kết quả nổi bật nhất mà EVN đạt được là gì, thưa ông?

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân

Ông Trần Đình Nhân: Phải khẳng định rằng, năm 2021, EVN đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực, nhờ đó giảm thiểu được tác động xấu từ dịch bệnh COVID-19 đến các hoạt động của tập đoàn.

Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý và CBCNV, từ chỗ còn hiểu khác nhau đến việc có nhận thức chung, cùng hướng về mục tiêu chung trong chuyển đổi số.

Đến nay, chuyển đổi số ở EVN đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của tập đoàn đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Có thể nêu một số điển hình như: trong công tác quản trị, các hoạt động lập kế hoạch, quản trị tài chính, nhân sự, đào tạo, văn thư lưu trữ đã được chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong năm 2021, tập đoàn và các đơn vị đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp trực tuyến; lưu chuyển hàng vạn văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia; ký số hơn 10.000 văn bản…

Trong công tác quản lý kỹ thuật, EVN đã chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trên hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS; áp dụng phương pháp RCM, CBM trong quản lý sửa chữa, bảo dưỡng để tăng cường hiệu quả; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện bất thường trong hoạt động sản xuất…

Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số: tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; tỷ lệ giao dịch qua môi trường trực tuyến đạt trên 99%. EVN cũng đã áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, giúp khách hàng có thể kết nối với dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, 24/7.

Trong đầu tư xây dựng, tập đoàn đã tạo ra môi trường làm việc giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thông qua nhật kí thi công công trình điện tử và chữ ký điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát xây dựng, kiểm tra chất lượng và kiểm soát nhân lực thi công; ứng dụng quản lý xây dựng qua hệ thống BIM, khảo sát 3D…

Đặc biệt, trong công tác đấu thầu, 99% số gói thầu của EVN đã được thực hiện qua mạng.  

Trong công tác truyền thông, EVN cũng đã sử dụng những phương tiện truyền thông số để truyền thông hiệu quả hơn như Fanpage, Youtube...

Có thể nói, quá trình chuyển đổi số tại EVN trong một năm qua đã đi nhanh hơn dự kiến.

PV: Thưa ông, chuyển đổi số là một lĩnh vực mới, mà cái mới thì luôn luôn khó. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà EVN đã gặp ?

Ông Trần Đình Nhân: Tôi cho rằng, có 2 khó khăn lớn mà EVN phải đối mặt. Thứ nhất, các công nghệ chuyển đổi số thay đổi rất nhanh chóng nên EVN và các đơn vị rất khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ nào là phù hợp, tiên tiến nhất.

Thứ hai, về nhân lực. Chuyển đổi số đòi hỏi cách làm mới, đòi hỏi năng lực của người lao động phải được nâng cao và thích ứng. Người lao động không chỉ phải am hiểu nghiệp vụ mà còn phải biết sử dụng công cụ công nghệ số. Trong khi đó, EVN là doanh nghiệp nhà nước, không thể nhanh chóng có một cơ chế tiền lương hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao phù hợp với hoạt động chuyển đổi số.

Ngoài ra, chúng ta đang ở trong bối cảnh nguồn lượng tái tạo với tỷ trọng thâm nhập cao và tính phân tán; trong bối cảnh sẽ triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đòi hỏi EVN và các đơn vị phải thay đổi cách làm, cách vận hành hệ thống điện, thị trường điện một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Do đó, EVN cần phải chuyển đổi số và hòa nhập nhanh hơn nữa trong nền kinh tế số. Vừa qua, EVN đã ra mắt hệ sinh thái EVNCONNECT, đây là một bước tiến trên lộ trình chuyển đổi số để hệ sinh thái của EVN hòa nhập nhanh hơn nữa vào hệ sinh thái của Chính phủ, các bộ ngành.

Một thách thức nữa là vấn đề an ninh mạng. Khi chuyển đổi số được triển khai rộng khắp, hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của EVN ngày càng lớn, lượng người truy cập, người sử dụng càng nhiều, thì nguy cơ mất an toàn thông tin rất lớn, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến cả an ninh năng lượng quốc gia.

Một điều nữa, EVN cũng phải chờ các quy định được thay đổi. Thời gian qua, EVN triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, hơp đồng lao động điện tử, đều phải xin ý kiến và được sự đồng ý của các bộ, ngành…

PV: Để chuyển đổi số thành công, EVN sẽ có những giải pháp gì để hóa giải những khó khăn, thách thức trên, thưa ông?

Ông Trần Đình Nhân: Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số EVN giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng thành viên EVN ban hành đã đề ra tất cả các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, tôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là lãnh đạo các cấp trong EVN phải cam kết chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa và việc thực thi phải quyết liệt hơn nữa. Tại vì, mọi việc đều xuất phát từ ý chí của lãnh đạo, người đứng đầu phải vào cuộc cả hệ thống mới “chạy” theo.

PV: Theo kế hoạch, năm 2022 EVN sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số. Thời gian còn lại không nhiều, liệu EVN có thể ”cán đích” mục tiêu này, thưa ông?

Ông Trần Đình Nhân: Chuyển đổi số là quá trình có thể nói là có bắt đầu mà không có kết thúc. Do vậy, EVN không đặt vấn đề ”cán đích”. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, năm 2022, về cơ bản các hoạt động chính của EVN sẽ được chuyển đổi số và năm 2025, về cơ bản EVN sẽ hoàn thành chuyển đổi số một cách toàn diện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 


  • 31/01/2022 08:00
  • Nghi Viên (thực hiện)
  • 11719