Tính thuế tài nguyên nước cho nhà máy điện: Sao cho hợp lý?

Cục thuế tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đóng thuế tài nguyên khi sử dụng nước biển làm mát hệ thống thiết bị với thuế suất là 3% và giá cơ sở tính thuế là 18.000 đồng/m3. Việc áp dụng mức thuế như vậy sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất điện của các nhà máy điện trong và ngoài EVN. Để làm rõ hơn những quy định về việc tính thuế này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN.

Ông Đinh Quang Tri

PV: Xin ông cho biết, trong trường hợp nào EVN phải đóng thuế tài nguyên nếu sử dụng tài nguyên nước vận hành các nhà máy điện, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Việc đóng thuế tài nguyên phải căn cứ theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thuế tài nguyên năm 2009, các văn bản dưới Luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính quy định đối tượng chịu thuế gồm “nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất”. Theo đó, các trường hợp EVN phải đóng thuế tài nguyên nếu sử dụng tài nguyên nước để vận hành thiết bị và làm mát hệ thống thiết bị của các nhà máy điện.

Trước hết với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện: Sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất điện bán cho bên mua điện, theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện, được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận. Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân. Giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên đối với các cơ sở sản xuất thủy điện do Bộ Tài chính công bố.

Ngày 16/12/2013 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo đó, thuế suất thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng từ 2% lên 4% từ ngày 1/2/2014. Căn cứ Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Thông tư số 12/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân, EVN đã tính toán, cập nhật thuế suất thuế tài nguyên mới và báo cáo Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đến nay chưa được điều chỉnh bổ sung trong giá bán lẻ điện hiện hành.

Thứ hai, nước mặt dùng làm mát hệ thống máy trong các nhà máy nhiệt điện: Căn cứ để tính thuế tài nguyên là lưu lượng nước bơm tuần hoàn tính theo m3, sử dụng chạy làm mát hệ thống máy. Đơn giá m3 nước do UBND tỉnh quy định, thuế suất thuế tài nguyên nước mặt dùng cho mục đích khác là 3% (trước đây là 1%). Các nhà máy điện sử dụng nước mặt sông hồ chạy máy là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Phú Mỹ…


PV: Vừa qua, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được địa phương yêu cầu đóng thuế tài nguyên sử dụng nước biển làm mát hệ thống thiết bị, ông có thể cho biết quan điểm của EVN về vấn đề áp dụng mức thuế này ra sao?

Ông Đinh Quang Tri: Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, Khoản 1 Điều 2 quy định “Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Khoản 3 Điều 2 quy định “Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo”. Với quy định như trên, nước mặt và nước biển là hai loại nước khác nhau. Xét các quy định của Luật Thuế tài nguyên, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam thì nước biển không thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

Ngày 6/5/2014, Cục thuế tỉnh Bình Thuận có công văn số 2514/CT-KTT2 về việc hướng dẫn nộp thuế tài nguyên của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Theo đó, giá tính thuế áp dụng cho trường hợp sử dụng nước biển để làm mát hệ thống thiết bị nhà máy nhiệt điện là 18.000 đồng/m3 và thuế suất là 3% (thuế suất sử dụng nước mặt). Nước mặt dùng cho mục đích khác là 3%, theo các quy định trên không bao gồm nước biển nên không thể áp dụng quy định này.

Do vậy, đối với nước biển làm mát hệ thống máy trong các nhà máy nhiệt điện đang gặp vướng mắc trong vấn đề tính thuế tài nguyên. Về vấn đề này, EVN đã có văn bản gửi Bộ Tài chính áp dụng Luật Thuế tài nguyên và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong mối tương quan với các quy định của pháp luật có liên quan đến Luật Tài nguyên nước để xem xét không áp dụng thuế tài nguyên đối với nước biển làm mát hệ thống thiết bị của nhà máy nhiệt điện.

Trong tương lai, các nhà máy điện hạt nhân sẽ phải sử dụng nguồn nước biển rất lớn để làm mát các tổ máy - Nguồn ảnh: internet

PV: Nếu các nhà máy nhiệt điện thực hiện đóng thuế tài nguyên nước biển làm mát thiết bị thì cơ cấu giá thành sản xuất  điện sẽ bị tác động như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện đang và sắp được khởi công xây dựng thường sử dụng công nghệ mới là sử dụng nước biển làm mát hệ thống thiết bị. Việc sử dụng nước biển vừa đảm bảo đủ nguồn nước làm mát cho hoạt động của nhà máy, vừa giảm bớt việc sử dụng nước ngọt – tiết kiệm tài nguyên nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển của các nhà máy nhiệt điện trong tương lai. Đặc biệt đối với các dự án nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn, địa điểm đặt nhà máy phải gần bờ biển và sử dụng nước biển làm mát.
Chi phí đầu tư cho nhà máy nhiệt điện đặt gần bờ biển và làm mát bằng nước biển đắt hơn so với các nhà máy điện làm mát bằng nước ngọt, do phải sử dụng các vật liệu chịu được độ ăn mòn cao. Đồng thời, khi sử dụng công nghệ làm mát bằng nước biển phải đầu tư thêm hệ thống xử lý nước mặn thành nước lợ, giá thành cao.

Theo quy định về tài chính hiện hành, thuế tài nguyên nước là yếu tố chi phí được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Do vậy, nếu phải chịu thêm thuế tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện, dẫn tới làm tăng giá bán điện đối với khách hàng sử dụng điện và giảm tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư vốn nhà nước.

PV: Hiện nay, giá tính thuế tài nguyên nước làm mát thiết bị của nhà máy nhiệt điện do UBND cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Điều này sẽ gây khó khăn như thế nào cho EVN nếu mỗi tỉnh đưa ra mức giá thuế khác nhau?

Ông Đinh Quang Tri: Các nhà máy nhiệt điện đều sử dụng một loại tài nguyên, nhưng giá tính thuế thì khác nhau, tạo nên sự không bình đẳng giữa các nhà máy sử dụng nước làm mát hệ thống thiết bị. Đồng thời, không xác định được giá địa phương nào là hợp lý, gây khó khăn cho EVN khi đàm phán giá mua điện của các nhà máy nhiệt điện.

PV: Vậy, EVN có đề xuất, kiến nghị gì để việc tính thuế tài nguyên nước được thống nhất, hợp lý trong thời gian tới?

Ông Đinh Quang Tri: Về tính giá thuế tài nguyên, thiết nghĩ cần phải có quy định  chung áp dụng thống nhất giữa các địa phương. Bên cạnh đó, để giảm áp lực tăng giá điện, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế tài nguyên đối với các nhà máy nhiệt điện sử dụng nước biển để làm mát hệ thống thiết bị.

PV: Xin cảm ơn ông!
 


  • 29/11/2014 09:52
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 10677


Gửi nhận xét