Thủy điện Lai Châu: Mở hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng tái định cư

Mường Mô là xã tái định cư Thủy điện Lai Châu thuộc vùng thấp của huyện biên giới Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Hoàn thành việc di chuyển dân cư từ nơi ở cũ đến các mặt bằng tái định cư vào năm 2014, người dân Mường Mô đã dần ổn định cuộc sống với những cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản đầy đủ và khang trang.

Lên "quê hương mới", người dân tái định cư Mường Mô ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; họ cũng tự tìm ra những hướng đi mới để phát triển kinh tế, qua đó góp phần để cuộc sống thay đổi.

Sáng sớm tinh mơ, ông Mào Văn Kinh ở bản Cang, xã Mường Mô lại chuẩn bị những vật dụng cần thiết để xuống vó bè đánh cá được đặt ở lòng hồ thủy điện ngay gần nhà. Thời gian này, nước dâng cao tạo ra một vùng lòng hồ rộng đã mang đến một nguồn thủy sản phong phú và đa dạng. Chính vì thế, mỗi tối, ông Kinh ra vó bè thắp đèn để thu hút tôm cá vào lưới, đến rạng sáng hôm sau lại cất vó lên; thời gian cất vó thường diễn ra từ khoảng thời gian 4 - 5 giờ sáng.

Trung bình mỗi ngày cất vó, ông cũng có được hàng chục kg tôm cá các loại. Những "chiến lợi phẩm" ấy phần lớn để bán cho các thương lái đã đặt hàng trước, trung bình mỗi ngày bán cũng được vài trăm nghìn đồng; số còn lại phục vụ nhu cầu trong bữa cơm hàng ngày của gia đình ông.

Ông Hỏ Văn Ninh, Trưởng bản Mường Mô, xã Mường Mô cho biết, khi người dân di chuyển lên nơi ở mới cũng là lúc nghề đánh bắt cá bắt đầu phát triển. Với các hộ dân tham gia đánh bắt tôm cá, bản và xã cũng vận động tuyên truyền để sao cho việc khai thác nguồn lợi thủy sản một cách an toàn, ổn định và bền vững nhất; trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm các hành vi khai thác tận diệt nguồn tôm cá bằng các thiết bị kích điện, hay nổ mìn...

Ngoài nghề đánh bắt thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân tái định cư Mường Mô thì việc tỉnh Lai Châu đang định hướng phát triển trồng cây ăn quả sẽ mở thêm một hướng thoát nghèo mới cho đồng bào tái định cư nơi đây.

Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế về khí hậu và đất đai tại Mường Mô, cuối tháng 12/2015, tỉnh Lai Châu đã quyết định phê duyệt Dự án trồng nhãn tập trung trên địa bàn xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn với quy mô 100 hécta; trong đó giống nhãn chín sớm chiếm 30% diện tích và giống nhãn chín muộn chiếm 70% diện tích.

Là một trong 200 hộ đăng ký trồng nhãn trong dự án, ông Lò Văn Thêm ở bản Nậm Hài thực sự rất phấn khởi khi một thời gian nữa, ông sẽ là chủ của những vườn nhãn mà Nhà nước hỗ trợ. Vui hơn khi mà ông Thêm chỉ cần bỏ công sức phát dọn và chăm sóc, còn chi phí vật tư phân bón, công tác khuyến nông 3 năm đầu đều được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn.

Ông Thêm cho biết thêm: "Trước kia tại nơi ở cũ, nhiều gia đình cũng trồng cây ăn quả nhưng rất nhỏ lẻ và manh mún. Giờ đây Nhà nước có dự án trồng cây ăn quả như thế, bà con ai cũng phấn khởi, hy vọng sau này cây trái sẽ cho thu nhập đáng kể".

Xã tái định cư Mường Mô có 9 bản với 7 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 43,7% theo tiêu chí mới. Việc đa dạng hóa các loại hình phát triển nông nghiệp trong đó có đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ thủy điện và trồng cây ăn quả tập trung đang là cách mà xã Mường Mô đang thực hiện. Qua đó vừa tận dụng và phát huy được lợi thế của địa phương, vừa góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư thủy điện.


  • 22/04/2016 09:10
  • Theo TTXVN
  • 7219


Gửi nhận xét